Đánh thuế túi nilon thế nào để bảo vệ môi trường?

ThienNhien.Net – Góp ý với Bộ Tài chính về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đề xuất phương thức đánh thuế túi nilon nhằm thực sự bảo vệ môi trường.

Ảnh minh họa

Thuế bảo vệ môi trường là một dạng công cụ kinh tế nhằm điều chỉnh hành vi của người dân và doanh nghiệp trong việc sử dụng một số loại hàng hóa có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường. So với nhiều công cụ để bảo vệ môi trường khác như quy chuẩn kỹ thuật, quy định cấm hay một số công cụ hành chính khác, VCCI cho rằng việc sử dụng công cụ chính sách là thuế bảo vệ môi trường có nhiều ưu điểm hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia của VCCI cho rằng, để bảo đảm tác dụng góp phần bảo vệ môi trường của loại thuế này, khi xác định mặt hàng chịu thuế và mức thuế thì cần nghiên cứu kỹ hơn các yếu tố như  tác động môi trường của việc tiêu dùng, thải bỏ sản phẩm, khả năng tái sử dụng, tái chế của sản phẩm đó và sự sẵn có của hàng hóa thay thế thân thiện với môi trường hơn.

“Các yếu tố khác như bảo đảm nguồn thu ngân sách hay thực hiện các cam kết quốc tế không mang tính bắt buộc cũng cần được cân nhắc, nhưng không phải là trọng tâm” – văn bản của VCCI gửi Bộ Tài chính nhận định.

Trên quan điểm đó, liên quan đến việc đánh thuế đối với túi nilon, các chuyên gia đã dẫn ra thông tin tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thuế bảo vệ môi trường để chỉ ra thực trạng là mức thuế suất đối với túi nilon (nhựa PE) hiện nay chưa có nhiều tác dụng thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong việc sử dụng túi nilon. Ví dụ, trong hoạt động bán lẻ tại siêu thị, cửa hàng và chợ, hầu hết người bán lẫn người mua vẫn sử dụng rất nhiều túi nilon mà không hề e ngại về chi phí. Mặc dù một số nơi đã chuyển sang sử dụng túi giấy hoặc các loại túi nilon có thể tái sử dụng, tái chế, nhưng vẫn chưa phổ biến.

Tác động môi trường của việc sử dụng túi nilon nói riêng hay các sản phẩm nhựa nói chung đã rất rõ ràng. Sản phẩm thay thế túi nilon như túi giấy hoặc các loại vật đựng dùng nhiều lần cũng khá phổ biến. Do đó, việc điều chỉnh mức thuế đối với túi nilon là có cơ sở.

Tuy nhiên, khả năng tái chế, tái sử dụng của mỗi loại sản phẩm này khác nhau. Ví dụ, các loại túi nilon mỏng thì hầu như không thể tái chế, khả năng tái sử dụng cũng thấp. Các loại túi nilon dày hơn và đựng đồ sạch thì có thể tái sử dụng, tái chế dễ hơn.

“Vô hình trung, cách đánh thuế hiện nay dựa trên khối lượng túi sẽ dẫn đến tình trạng sản xuất nhiều hơn các loại túi nilon mỏng, còn các loại túi nilon dày lại phải chịu thuế cao hơn. Đây là cách đánh thuế chưa thực sự phù hợp vì loại túi nilon mỏng gây tác hại lớn hơn đến môi trường” – VCCI nhận định.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác cũng cho thấy việc đánh thuế dựa trên số lượng túi sẽ có tác dụng tốt hơn trong việc bảo vệ môi trường. Cách đánh thuế này có nhược điểm là hành thu sẽ khó hơn do các hóa đơn, hợp đồng mua bán túi nilon đều dựa trên khối lượng. Do đó, cần thực hiện thêm một thao tác để quy đổi từ khối lượng sang số lượng túi nilon.

Từ đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Hồ sơ theo hướng nghiên cứu phương pháp đánh thuế dựa trên số lượng túi nhằm đạt được hiệu quả bảo vệ môi trường cao hơn. Đồng thời, nghiên cứu việc đánh thuế một số sản phẩm nhựa plastic khác cũng có nguy cơ tác động lớn đến môi trường như nhựa poly styren dùng làm hộp xốp, thìa nhựa dùng một lần đựng thực phẩm. Bên cạnh đó, cần bổ sung các thông tin về tác động môi trường, khả năng tái chế, tái sử dụng và hàng hóa thay thế trong phần thuyết minh lý do điều chỉnh thuế.