Hơn 664 tỷ đồng cho thoát lũ và phát triển sinh kế tại Đồng Tháp

ThienNhien.Net – UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt đầu tư với tổng kinh phí hơn 664 tỷ đồng cho Tiểu dự án Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích nghi với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười.

Nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa vào mùa lũ tại Đồng Tháp. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Trong đó, vốn vay ODA hơn 570 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh đối ứng và vốn tư nhân. Đối với vốn vay được ngân sách Trung ương cấp phát 70%. Dự án thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020 .

Phạm vi thực hiện dự án trên diện tích 22.313 ha, sẽ đảm bảo điều kiện sinh kế tốt hơn cho 11.400 hộ dân trong vùng dự án ở các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực chống chịu khí hậu, thời tiết bất lợi và giảm thiểu rủi ro, góp phần ổn định sinh kế, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư, phát triển bền vững cho khu vực dự án trong điều kiện biến đổi khí hậu. Chủ động điều tiết nguồn nước ngọt, kiểm soát lũ để nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở tỉnh Đồng Tháp.

Dự án có 3 mô hình sinh kế được đề xuất thực hiện, đó là mô hình 2 vụ lúa xen canh 1 vụ trữ cá tự nhiên, mô hình 2 vụ lúa xen canh 1 vụ nuôi cá đồng, mô hình 2 vụ lúa 1 vụ tôm càng xanh. Để thực hiện dự án, bên cạnh giải pháp công trình như nâng cấp đê bao, xây dựng cống, giải pháp phi công trình cũng được chú trọng.

Cụ thể, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chuyển đổi sản xuất bằng hình thức nuôi trữ thuỷ sản tự nhiên, canh tác cây thuỷ sinh; xây dựng hợp tác xã, tập huấn cho người dân kỹ thuật sản xuất, bảo quản nông sản…

Bên cạnh đó, nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích nghi với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười là tiểu dự án nằm trong Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án được xây dựng hệ thống hạ tầng để phù hợp với các mô hình sản xuất, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp đa mục tiêu, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bảo vệ môi trường, khai thác thủy sản mùa nước nổi như nuôi tôm, cá tự nhiên, nâng cao đời sống người dân ở vùng đầu nguồn thường có lũ.

Ô ng Nguyễn Thanh Hùng cho biết thêm, các công trình thuỷ lợi của Tiểu dự án không nhằm mục đích chống lũ để sản xuất lúa vụ 3 mà là tổ chức lại sản xuất để nâng cao sinh kế cho người dân. Tiểu dự án này còn là mô hình mẫu để tiếp tục nhân rộng trong khu vực và vùng sản xuất nước ngọt trong thời gian tới.