Người dân TPHCM sẽ truy xuất nguồn gốc rau quả bằng điện thoại thông minh

ThienNhien.Net – Sau thịt lợn, người dân TPHCM sẽ tiếp tục có thể dùng điện thoại thông minh (smartphone) để truy xuất nguồn gốc rau sạch tại nhiều siêu thị trên địa bàn thành phố.

Sử dụng Smartphone để truy xuất nguồn gốc rau

Ngày 16.1, Sở NN&PTNT TPHCM đã tổ chức họp báo công bố triển khai mô hình sử dụng tem điện tử để truy xuất nguồn gốc rau an toàn trên địa bàn thành phố.

Theo ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NN&PTNT TP, dự kiến đến ngày 18.1, rau được dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ được bày bán tại các điểm của siêu thị Co.opMart (33 điểm), Big C, AEON.

Sản phẩm rau sau khi đóng gói sẽ được dán tem để người tiêu dùng truy xuất

Mô hình truy xuất nguồn gốc rau an toàn sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ tháng 1 đến hết tháng 3-2017) sẽ tiến hành thí điểm tại HTX Phước An, HTX Phú Lộc và Công ty CP Kỹ thuật Việt – Veetek Farm (huyện Củ Chi); giai đoạn 2 (từ tháng 4 đến hết năm 2017) sẽ tiến hành mở rộng ra tất cả các HTX kinh doanh rau đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn thành phố.

Mô hình được thực hiện trên cơ sở biên bản ký kết thỏa thuận giữa UBND TPHCM với CLB Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA).  Sở NN&PTNT TP đã lựa chọn 2 hợp tác xã Phú Lộc và Phước An để thực hiện thí điểm. Các HTX này tiếp nhận hệ thống in mã vạch và thực hiện in, dán tem mã vạch trên bao bì sản phẩm. Sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc được đưa đến các siêu thị như Co.opMart, Big C, AEON,… để tiêu thụ.

Người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc rau bằng ứng dụng Zalo hoặc các phần mềm quét mã QR code trên điện thoại thông minh. Theo DAA, đơn vị sẽ tiến hành lắp đặt máy truy xuất tại siêu thị để người dân tiện sử dụng.

Trải nghiệm thực tế của Ống kính Sài Gòn cho thấy, chỉ mất vài giây dùng điện thoại thông minh chụp lại mã vạch gắn trên bó rau, tất cả thông tin về lịch sử canh tác, thu hoạch, sơ chế đóng gói, vận chuyển rau đến cơ sở phân phối hiện ra cho người tiêu dùng truy xuất. Việc truy xuất nguồn gốc rau nhanh hay chậm sẽ tùy thuộc vào tốc độ mạng 3G trên điện thoại người tiêu dùng.

Thông tin sản phẩm hiện ra cho người tiêu dùng truy xuất

Theo ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Chủ tịch DAA, mô hình này ứng dụng công nghệ số trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách sử dụng tem thông minh “DAA Stamp”.  Loại tem này giúp truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng các loại thực phẩm an toàn. Dự án cũng sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng đầu vào của chuỗi sản xuất phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật… Cũng theo ông Sơn, trên mỗi con tem có 2 dòng mã số nên khả năng làm giả là rất khó. Đồng thời, nếu có người dùng tem để in lại thì phần mềm sẽ cảnh báo ngay cho đơn vị quản lý biết và xử lý.

Hiện mô hình chỉ áp dụng trên sản phẩm đóng gói

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc – Phó GĐ Sở NN&PTNT TP cho biết, các đơn vị sẽ kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, tiến hành lấy mẫu kiểm tra đột xuất, đồng thời tiến hành test (kiểm tra) nhanh các lô hàng. Tuy nhiên, căn cơ nhất vẫn là kiểm soát quy trình sản xuất rau sạch bền vững. Thời gian tới, thành phố sẽ tiến hành số hóa vùng rau, truy xuất vùng trồng rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất.

Trước đó, Sở Công thương TPHCM cũng đã thực hiện thí điểm mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.