Quản lý rủi ro môi trường liên quan đến hóa chất

ThienNhien.Net – Hóa chất cần thiết cho sự tồn tại, phát triển của bất cứ xã hội nào, với xã hội càng phát triển, vai trò của hóa chất càng quan trọng và phức tạp. Song hành với nó, rủi ro tiềm ẩn từ việc tồn tại, sản xuất và sử dụng hóa chất càng tăng lên. Để kiểm soát hóa chất một cách an toàn, việc củng cố các công cụ quản lý rủi ro hóa chất nói riêng và rủi ro môi trường nói chung về chính sách, luật pháp và hạ tầng cơ sở kỹ thuật là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, cách tiếp cận cốt lõi cần thiết để phát triển các công cụ này là dựa trên đánh giá rủi ro (risk-based assessment).

Đánh giá rủi ro chính là quá trình nhận diện các nguy cơ đang tiềm ẩn, nhận định mức độ nguy hiểm của các nguy cơ này cũng như điều kiện mà nguy cơ này có thể trở thành sự cố, đối tượng và mức độ bị tác động bởi sự cố. Quản lý rủi ro là một hoạt động bao gồm đánh giá rủi ro và triển khai các giải pháp để: i/ ngăn ngừa các nguy cơ đã được nhận diện và ii/ ứng phó khi sự cố xảy ra để giảm thiểu hậu quả không mong muốn.

Trong các nguy cơ tiềm ẩn xung quanh chúng ta, hóa chất và nguy cơ từ hóa chất thực sự đã, đang và sẽ luôn luôn là những nguy cơ tạo ra các tác động không mong muốn nhất đối với con người và môi trường vì: i/Số lượng chủng loại hóa chất ngày càng tăng theo mức độ văn minh của nhân loại cũng như nhu cầu phát triển; ii/Hậu quả của nhiều sự cố là ghê gớm, có thể tương đương hậu quả của chiến tranh, thiên tai; iii/ Hiểu biết của chúng ta về hóa chất và tác động của hóa chất, nhất là với hóa chất mới, còn hạn chế; và iv/ Giải pháp để kiểm soát rủi ro từ hóa chất không phải lúc nào cũng có và không phải lúc nào cũng được triển khai một cách toàn diện do thiếu nguồn lực.

Trong rất nhiều trường hợp, sự cố hóa chất là điểm khởi đầu cho sự cố môi trường, tức là làm cho một hay nhiều thành phần môi trường bị suy giảm nhanh chóng đến mức gây nguy hiểm cho các hệ sinh thái và cuộc sống của con người. Trong một số trường hợp do hậu quả của sự cố môi trường, việc hồi phục lại các thành phần môi trường đó không những rất khó khăn mà còn rất tốn kém về nguồn lực và thời gian.

Một trong những hạn chế hiện nay trong việc kiểm soát các rủi ro môi trường từ các sự cố hóa chất có thể xuất phát từ hệ thống tổ chức và thể chế trong quản lý hóa chất, ở Việt Nam cũng như thế giới. Có thể kể tới một số sự cố môi trường đáng chú như: sự cố nổ nhà máy điện nguyên tử Chenobul, Ukraina; sự cố nổ nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu tại Bohpal, Ấn độ; sự cố thải chất thải chứa thủy ngân tại Vịnh Minamata, Nhật bản; sự cố nổ nhà máy hóa chất tại Seveso, Italia; sự cố nổ kho chứa hóa chất/phân bón (nitrat amone) tại Toulouse (Pháp); và gần đây là sự cố môi trường biển miền Trung Việt Nam. Điểm chung của các sự cố hóa chất trên đây là tác động đến con người, môi trường rất lớn, kéo dài và chưa rõ ràng, được gọi chung là “yếu tố chưa chắc chắn” hay ”chưa biết”. Chính điều này làm hoạt động kiểm soát ô nhiễm và kiểm soát rủi ro chưa được phân định rõ ràng ngay trong hệ thống luật pháp của nhiều nước và của Việt Nam.

Chính vì vậy, trong quản lý rủi ro môi trường liên quan đến các nguy cơ từ hóa chất, vấn đề cơ bản nhất là quản lý rủi ro từ nguy cơ hóa chất hay trong một số trường hợp có thể gọi tắt là rủi ro hóa chất.

Theo lẽ thường, để quản lý hóa chất hay nói chính xác hơn là kiểm soát các rủi ro tiềm ẩn từ hóa chất, tính chất nguy hiểm của hóa chất cần phải được nhận diện. Khác với nhận diện tính chất hóa học, vật lý hay sinh học của hóa chất, việc nhận diện sự nguy hiểm của hóa chất dựa vào ba đặc trưng, bao gồm: i/ Nguy hiểm về vật lý: cháy, nổ, ăn mòn, phóng xạ, hay các đặc trưng nguy hiểm vật lý khác như áp suất cao, nhiệt độ thấp, gây tác động đến các tầng khí quyển như tầng ozon, khí nhà kính…; ii/ Nguy hiểm về sức khỏe: có thể gây độc cấp tính, độc mãn tính, độc tế bào, độc di truyền…; và iii/ Nguy hiểm về mặt môi trường: gây biến đổi chất lượng môi trường nước, không khí hay đất; gây tác động đến thủy sinh, động vật trên cạn…

Phương pháp truyền thống để kiểm soát sự an toàn của hóa chất là dựa trên các đặc trưng nguy hiểm này để xây dựng các chính sách, luật pháp thông qua quy phạm, quy chuẩn, tiêu chuẩn… Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều hóa chất thể hiện các đặc trưng nguy hiểm hỗn hợp, tức là có cả khả năng gây nguy hiểm vật lý, sức khỏe và môi trường. Đồng thời nhiều hóa chất gây tác động về mặt sức khỏe cũng như về mặt môi trường, nhưng ở những mức độ khác nhau, thí dụ có thể gây độc ít cho người nhưng lại rất độc cho hệ sinh thái. Chính vì vậy, nếu chỉ kiểm soát sự an toàn của hóa chất dựa trên tính chất nguy hiểm của hóa chất là chưa đủ.

 

Theo đó, nguyên tắc chung để tăng cường hiệu quả của việc kiểm soát ô nhiễm cũng như kiểm soát rủi ro từ hóa chất là phải hiểu rất rõ các rủi ro từ hóa chất, ở cả giai đoạn hoạt động hóa chất trong trọng thái bình thường và cả khi sự cố (tức là khi mất kiểm soát). Bởi lẽ, xét cho cùng bất kỳ một phát thải chất ô nhiễm nào cũng là phát thải hóa chất. Tuy nhiên phát thải trong trường hợp có sự cố là phát thải thiếu kiểm soát: thí dụ như một hoạt động bình thường có thể phát thải khí SO2, SO3, CO, NH3… và những hóa chất (chất ô nhiễm) này đều đã được tính toán lượng phát thải và chuẩn bị những giải pháp kiểm soát mức độ phát thải hay/và xử lý chúng; nhưng khi sự cố xảy ra, với cùng những hóa chất/chất thải đó, mức độ tác động hoàn toàn khác do: i/ Lượng phát thải lớn hơn, thậm chí rất nhiều; ii/ Các giải pháp ứng phó hay kiểm soát không được chuẩn bị trước; iii/ Không dự đoán được các mức độ tác động (đối tượng, quy mô, diễn biến), đặc biệt là các tác động tới môi trường và sức khỏe; và iv/ Trong trường hợp là sự cố liên hoàn (domino), tác động của sự cố có sự tham gia của hóa chất sẽ trở nên rất lớn. Ví dụ, sự cố nổ một bình ga có thể dẫn đến nổ một bình hóa chất, mà nếu hóa chất đó là khí độc, thí dụ như clo hay amoniac, thì mức độ tác động và thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều lần so với việc nổ bình ga; hoặc khi sự cố xảy ra do hóa chất bị thải vào biển có thể dẫn đến thảm họa cho môi trường nước.

Nhà máy nghiền bột đá trắng tại Diễn Châu, Nghệ An (Ảnh: PanNature)

Trong tất cả các bài học lịch sử từ các sự cố môi trường nói chung và hóa chất nói riêng trên thế giới, có hai nhân tố quan trọng là: i/vai trò của người sử dụng hóa chất; ii/ vai trò của người bị tác động và/hay chịu hậu quả từ ô nhiễm và/hay từ sự cố. Để giảm thiểu nguy cơ sự cố hóa chất, cả hai nhóm đối tượng này đều cần phải có kiến thức về tính nguy hiểm và rủi ro từ hóa chất.

Điều này chỉ có thể đạt được nếu luật pháp yêu cầu cả hai nhóm đối tượng này phải chia sẻ và được chia sẻ mọi thông tin liên quan và cộng đồng trách nhiệm với nhau trong mục tiêu chung là nhận thức và giảm thiểu rủi ro môi trường và rủi ro hóa chất. Tuy nhiên, khác với các hoạt động sản xuất và phát thải ô nhiễm thông thường, các hoạt động hóa chất và ô nhiễm hóa chất là rất đa dạng. Do vậy, để hiểu biết về hóa chất và rủi ro hóa chất nhằm kiểm soát nó, những người có hoạt động trực tiếp trong ngành hóa chất phải chia sẻ các thông tin đó cho người dùng nói riêng và cộng đồng nói chung, đặc biệt là những thông tin liên quan đến rủi ro từ hóa chất. Có thể nói, những yêu cầu này trong hệ thống các văn bản pháp lý ở Việt Nam cũng như nhiều nước hoặc là chưa có, hoặc là chưa đủ. Xu thế chung của thế giới hiện nay là cải thiện hệ thống pháp lý quản lý hóa chất theo hướng dựa trên đánh giá rủi ro hóa chất/rủi ro môi trường chứ không chỉ dừng lại ở tính chất nguy hiểm của hóa chất.

Ở Việt Nam, văn bản luật pháp cao nhất để kiểm soát hóa chất là Luật Hóa chất, và dưới đó là hàng loạt các nghị định, thông tư, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến tính nguy hiểm của từng loại hóa chất hoặc khối lượng các hóa chất tương ứng. Chính vì vậy, cốt lõi của sự thay đổi cần có trong chính sách là thể chế hóa các thông tin liên quan đến không chỉ tính chất nguy hiểm của hóa chất mà đến rủi ro hóa chất, rủi ro môi trường cũng như phương thức thể hiện các thông tin đó. Tất cả các nội dung thông tin và phương thức truyền đạt thông tin đó đến người dùng và cộng đồng (nhãn hóa chất, báo cáo an toàn tóm tắt đối với hóa chất) sẽ phải dựa trên một quá trình đánh giá rủi ro hóa chất/rủi ro môi trường theo đúng các tiêu chí khoa học về rủi ro. Theo các phương pháp đánh giá rủi ro này, ngoài các thông tin liên quan đến tính chất nguy hiểm của hóa chất, thì các yếu tố liên quan đến đặc trưng của hóa chất trong môi trường, đối với các đối tượng nhạy cảm khác nhau và các điều kiện môi trường khác nhau, cũng như hành vi của các đối tượng nhạy cảm cũng phải được tính đến. Các thông tin về kết quả đánh giá rủi ro này sẽ phải được cung cấp cho người sử dung hóa chất cũng như cho cộng đồng và được sử dụng khi có phát thải ô nhiễm và/ hay sự cố.

Như vậy, có thể nói yếu tố quan trọng nhất trong kiểm soát rủi ro môi trường từ các sự cố hóa chất chính là sự hiểu biết tường tận về hóa chất và sự cố hóa chất cũng như phương thức truyền đạt và cung cấp các thông tin này. Điều này chỉ có thể đạt được với một hệ thống pháp lý dựa trên đánh giá rủi ro hóa chất và sự tham gia không thể thiếu được của người dùng hóa chất nói riêng và công đồng nói chung. Đây chính là xu thế mà hệ thống thể chế và tổ chức liên quan đến quản lý an toàn hóa chất Việt Nam cần thay đổi trong thời gian tới.

Ths. Đỗ Thanh Bái – Trung tâm Kỹ thuật Môi trường và An toàn Hóa chất (CEECS), Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam