Rừng xanh Ba Bể

ThienNhien.Net – Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) không chỉ đẹp, thơ mộng bởi 3 hồ nước tự nhiên nối liền trên núi cao, mà thảm thực vật còn nguyên sơ nảy nở trên những ngọn núi đá vôi, tạo nguồn sinh thủy vô tận, hấp dẫn du khách gần xa…

Từ cuộc chiến bảo vệ rừng

Năm 1992, Chính phủ chính thức công nhận Vườn Quốc gia Ba Bể cũng là lúc việc nghiêm cấm khai thác rừng, đánh bắt cá diễn ra nghiêm ngặt hơn.

Kiểm lâm VQG Ba Bể phối hợp với nhân dân tuần tra, bảo vệ rừng

Có những lúc mâu thuẫn lợi ích giữa những người làm công tác bảo vệ rừng và người dân sống trong vùng lõi của vườn rất căng thẳng. Bởi hàng loạt những quy định của vườn được triển khai nghiêm túc, từ việc cấm người dân đánh bắt cá trong mùa sinh sản từ tháng 3 đến tháng 6 trong năm, cấm đánh bắt cá theo hình thức hủy diệt như: Thuốc nổ, ruốc lá độc, đánh lưới vét, đánh vó bè và những phương tiện hiện đại khác, nhằm bảo tồn các loài cá tự nhiên của vùng lòng hồ.

Trên rừng, vườn cũng cấm phát nương làm rẫy, cấm khai thác cây rừng dưới mọi hình thức, đặc biệt là các loại gỗ, lâm sản quý hiếm. Song song với cấm khai thác rừng, việc cấm săn bắt chim thú, động vật hoang dã, côn trùng cũng được triển khai tới từng chủ hộ. Các gia đình phải ký cam kết không vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng…

Đỉnh điểm nhất là vụ việc xảy ra vào năm 1997, khi ông Bùi Văn Định, Giám đốc Vườn đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm bắt cho được chiếc xe tải chở gỗ nghiến quý hiếm (loại gỗ thuộc nhóm 2a) của một đầu nậu gỗ lớn tại huyện Ba Bể (mãi sau này ông cũng mới biết, vụ việc đó là do chính con rể của một vị quan chức huyện này đứng sau). Cũng từ đây, VQG Ba Bể tiếp tục “mâu thuẫn” cả với chính quyền sở tại, thế là hàng loạt vụ việc cứ từ trên huyện “đè” xuống Ban lãnh đạo vườn, lúc đó tưởng như bế tắc.

Qua hàng loạt sóng gió đến với vườn, đã làm ông Bùi Văn Định cứ tưởng mình đã bị rơi xuống hồ Ba Bể khi không còn phao cứu sinh! Nhưng thật may mắn, cuộc chiến bảo vệ rừng của ông đã có hồi kết tốt, ông lại được khôi phục đầy đủ các chức danh trước khi chuyển lên tỉnh làm Chi cục trưởng Kiểm lâm của Bắc Kạn cho đến ngày nghỉ hưu.

Đối với VQG Ba Bể, tên của ông Bùi Văn Định được gắn theo nhiều sự kiện nhất, bởi ông cũng là người có nhiều sáng kiến trong bảo vệ rừng, biết tìm tòi quảng bá những cái hay, hang động đẹp cho du khách tham quan. Ông Định luôn tâm huyết với vườn như chính ngôi nhà của mình. Mặc dù mang nặng vết thương từ thời chống Mỹ, chân đau nhức hoành hành mỗi khi thời tiết thay đổi, nhưng ngày nào ông cũng có mặt ở vườn từ lúc sáng sớm, sau 9 giờ tối mới chịu về nhà ở, mặc cho nhà ông cách chỗ làm việc gần 18km.

Ông Định đã làm việc ở vườn quanh năm, suốt tháng, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ trong suốt 15 năm quản lý khu vườn. Từ công việc chỉ đạo điều hành, đến tham gia mật phục trong rừng lúc nửa đêm để truy bắt lâm tặc, rồi tổ chức trồng rừng, tự tay đi mua cây quý hiếm như: Đinh, lát hoa… để trồng quanh khu vực trung tâm vườn.

Ai có dịp đến VQG Ba Bể, đều thấy hàng cây lát hoa xanh ngát quanh khu vực văn phòng, bãi đỗ xe, rồi cây xanh trải dài cho đến tận bến thuyền sát bờ hồ Ba Bể. Chính những cây do ông khởi xướng trồng và ông là người dày công chăm sóc, để hôm nay du khách đến Ba Bể được đi dưới tán cây xanh ngát.

Ông Bùi Văn Định đã cùng các cộng sự ở VQG Ba Bể luôn hướng đến lợi ích lâu dài cho cộng đồng, nhờ đó người dân hiểu và cảm thông, chia sẻ nhất là khi rừng xanh Ba Bể hút khách du lịch, người dân vùng lõi của vườn đã có thêm thu nhập từ các dịch vụ du lịch và tiền phí dịch vụ từ môi trường rừng.

Vốn là người năng động, ông đã tìm kiếm các nguồn vốn trồng rừng, các dự án phi chính phủ để giúp trồng cây bổ sung nơi đất trống, đồi núi trọc. Ông đã chỉ đạo cán bộ, nhân viên của vườn phối hợp với người dân sống trong vùng lõi trồng nhiều diện tích cây rừng bản địa lâu năm, ưu tiên những loại cây có quả, để làm thức ăn tự nhiên cho chim thú.

Đến ghi danh di sản thế giới

VQG Ba Bể rộng hơn 10 nghìn ha, bao gồm 7 xã: Khang Ninh, Cao Thượng, Cao Trĩ, Quảng Khê, Nam Mẫu, Hoàng Trĩ, Nam Cường. Có hơn 3.000ha vùng lõi được bố trí bảo vệ nghiêm ngặt. Vườn có 3 hồ nước tự nhiên nối liền nhau, hơn 500ha mặt nước, kéo dài khoảng 8km, nơi rộng nhất 800m, độ sâu trung bình từ 17 – 25m và ở độ cao 145m so với mặt nước biển.

Nơi đây núi rừng hiểm trở, các dòng sông chia cắt những dãy núi cao, tạo ra các vách núi đá vôi dựng đứng, xuất hiện nhiều hang động tự nhiên đẹp như: Động Puông, Hua Mạ, cùng với bạt ngàn cây rừng xanh thẳm và thác Đầu Đẳng hùng vĩ nối liền với huyện Na Hang của tỉnh Tuyên Quang, đã giúp cho Ba Bể luôn là điểm khám phá của du khách trong ngoài nước.

Cảnh đẹp hồ Ba Bể

Do làm tốt việc bảo vệ rừng, đã tạo nguồn sinh thủy bền vững từ những dãy núi đá vôi bao quanh Ba Bể, góp phần làm nên sự khép kín về núi rừng, sông, hồ một cách tự nhiên, đã trở thành điểm lưu trú của hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu chỉ có ở Ba Bể.

Theo các nhà khoa học, ở Ba Bể có loại trúc dây là đặc hữu nhất. Với thân mình mềm mại, kết gióng dài như loài tre, nứa. Thân nhỏ như chiếc đũa, thả tua như thảm cỏ, trúc dây có ở Ba Bể từ bao giờ không ai hay, nhưng chính loài cây này giúp cho Ba Bể có nét đặc trưng riêng biệt so với các hồ tự nhiên khác trong khu vực và trên thế giới.

Với hàng loạt nét đặc trưng hiện hữu, Ba Bể được xếp vào 21 Khu du lịch quốc gia của Việt Nam. Vào năm 1995, Ba Bể đã được hội nghị Hồ nước ngọt thế giới tại Mỹ, công nhận là 1 trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới cần bảo vệ. Đến năm 2004, VQG Ba Bể được xếp vào Vườn Di sản ASEAN. Gần nhất vào năm 2011, UNESCO đã công nhận Ba Bể là Khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng của thế giới) thứ 3 của Việt Nam.