Trồng rừng trên cát ở Quảng Trị

ThienNhien.Net – Trồng rừng trên cát quan trọng không chỉ về mặt môi trường sinh thái mà cả kinh tế, xã hội. Thực tế tại Quảng Trị đã chứng minh rằng rừng lên xanh góp phần giảm thiểu tác hại của thiên tai, bão lũ, hạn chế cát bay, hoang mạc hóa.

Trồng rừng trên cát tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong

Quảng Trị có trên 31.000ha đất cát, trong đó có 8.000ha cát nội đồng tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Sống trên cát, người dân luôn đối mặt với nạn cát bay, cát lấp. Chính vì vậy, việc đầu tư trồng rừng trên cát luôn được Quảng Trị quan tâm.

Chị Hoàng Dạ Hương ở thôn Thủy Tú, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh nhớ lại, cách đây mười năm, dự án trồng rừng trên cát được triển khai khiến người dân rất mừng. Cả vùng đất cát hoang hoá của xã được chia thành từng lô trồng rừng, bình quân mỗi hộ khoảng 2ha. Người trồng rừng được hỗ trợ cây giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý rừng.

Giờ đây vùng cát hoang hoá năm xưa của Vĩnh Tú đã được thay bằng rừng keo, rừng tràm xanh tốt. Nhà chị Hương trồng 2ha rừng đã thu hoạch lứa đầu tiên với số tiền hơn 60 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, gia đình chị tiếp tục trồng lại rừng. Với cách chăm sóc đúng kỹ thuật, chỉ khoảng 1 đến 2 năm nữa rừng cây của gia đình chị sẽ cho thu hoạch tiếp.

Ở Quảng Trị, Triệu Phong là một huyện đi đầu trồng rừng trên cát, bảo vệ dân sinh. Nhờ vậy mà cuộc sống người dân cũng như công tác trồng và bảo vệ rừng đang có tiến triển rất tích cực.

Chị Nguyễn Thị Cúc ở thôn Long Quang, xã Triệu Trạch cho biết gia đình chị có 0,5ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trước đây vườn trồng dưa hấu, dưa leo nhà chị liên tục bị gió cát đe doạ che lấp. Đặc biệt tại vành đai khu vực sản xuất có chỗ chỉ sau một đêm bị cát lấp hoàn toàn. Giờ hiện tượng cát lấp giảm đáng kể khi toàn bộ đất canh tác được bao phủ bởi vành đai rừng keo lưỡi liềm.

Ông Nguyễn Phiếu, Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch nói nhờ sớm nhận thức được tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của người dân, nhiều năm trở lại đây, xã Triệu Trạch đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án về phát triển trồng rừng và đã trồng được gần 1.800ha rừng trên cát.

Hiện nay toàn bộ diện tích rừng trồng trên địa bàn xã đã trở thành rừng phòng hộ, hỗ trợ không nhỏ cho đời sống người dân trong vùng. Tại xã Hải Ba, huyện Hải Lăng người dân đã trồng được 1.400ha rừng trên cát, chiếm 80% diện tích đất cát trong toàn xã. Nhờ tăng cuờng trồng và bảo vệ rừng nên các hiểm họa do cát gây ra trước đây ở địa phương cơ bản đã được khắc phục.

Ông Hoàng Văn Vinh – Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết những cánh rừng bạt ngàn trên cát đang góp phần quan trọng trong cải tạo môi sinh vùng cát và hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Đã trồng hơn 17.000 ha rừng trên cát

Công tác trồng rừng trên cát của Quảng Trị tiến triển tốt. Trung bình hàng năm, các xã vùng biển, vùng cát trồng mới từ 300 đến 500ha rừng và trên 150 nghìn cây phân tán.

Thông qua các chương trình dự án, đến nay tỉnh đã trồng đựơc hơn 7.000ha rừng phòng hộ và hơn 10 ngàn ha rừng sản xuất trên cát. Những cánh rừng trồng góp phần tăng độ mùn, sức mao dẫn bề mặt cho cát, biến các vùng đất hoang hóa trước đây thành đất trồng trọt phục vụ cho lợi ích con người.

Hiện toàn tỉnh còn khoảng 3.000ha đất cát đang còn hoang hóa chưa được phủ xanh bằng các dự án trồng rừng. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí đầu tư. Khi vùng cát được phủ xanh bằng các dự án trồng rừng bền vững, tiềm năng các vùng đất hoang hóa còn lại sẽ được đánh thức.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết để phát triển kinh tế vùng cát theo hướng bền vững, Quảng Trị sẽ tiếp tục tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh vùng đất cát ven biển theo mục tiêu phòng hộ kết hợp kinh tế và cải thiện môi trường sinh thái.

Qua đó bố trí sắp xếp lại dân cư, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong quá trình xây dựng nông thôn mới đối với các xã vùng cát.