Sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng: Thay đổi diện mạo ngành Lâm nghiệp

ThienNhien.Net – Mới đây, tại Hà Nội, hội thảo quốc gia về Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) thu hút sự quan tâm của hơn 260 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan…

Mới đây, tại Hà Nội, hội thảo quốc gia về Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) thu hút sự quan tâm của hơn 260 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, cán bộ lão thành, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực lâm nghiệp; lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN-PTNT nhiều tỉnh thành và một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ…

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT và ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đồng chủ trì.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn

Sửa đổi cơ bản

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, qua gần 12 năm thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng từ năm 2004, cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần tạo chuyển biến quan trọng trong phát triển lâm nghiệp.

Trong đó, góp phần chuyển từ nền lâm nghiệp lấy quốc doanh là chủ yếu sang nền lâm nghiệp xã hội với nhiều thành phần kinh tế tham gia; từ chủ yếu dựa vào khai thác rừng tự nhiên sang bảo tồn, bảo vệ, nuôi dưỡng, làm giàu rừng và trồng rừng.

Luật 2004 cũng đã góp phần thúc đẩy, phát triển nhanh chóng diện tích rừng từ 12,306 triệu ha năm 2004 lên 14,061 triệu ha vào năm 2015, tương đương độ che phủ của rừng toàn quốc từ 37% lên 40,84%. Sản xuất lâm nghiệp ngày càng thích ứng với điều kiện của thị trường thế giới, tạo được vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy, ván nhân tạo… Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 3,4% năm 2011 lên 5,9% năm 2013 và 7,92% năm 2015.

Ông Trương Minh Hoàng

Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng vào thực tiễn vẫn còn tồn tại những bất cập. Ví dụ việc xác định rừng là một hệ sinh thái, chưa làm rõ quy mô hay diện tích tối thiểu của hệ sinh thái này là bao nhiêu.

Định nghĩa về rừng trong Luật mới chỉ đề cập đến thành phần chính của rừng là cây rừng các loại và độ tàn che (mức độ che phủ của tán cây rừng), chưa quy định tiêu chí về cây rừng. Việc quản lý theo 3 loại rừng bộc lộ những khó khăn và bất cập, dẫn đến hiệu quả quản lý rừng chưa cao…

Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 mới chỉ chú trọng vào việc quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng gỗ, chưa chú ý đến giá trị dịch vụ môi trường rừng. Trong khi những giá trị dịch vụ này có thể cao hơn nhiều so với giá trị mà gỗ mang lại, như thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm khoảng 1.200 tỷ đồng, tương đương 22% tổng đầu tư xã hội vào ngành lâm nghiệp.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật để phù hợp với chủ trương chính sách mới của Đảng, Nhà nước, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Hiến pháp 2013 và một số Luật được Quốc hội mới thông qua; hài hòa với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Kỳ vọng vào diện mạo mới của ngành lâm nghiệp

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) dự kiến gồm 12 chương, 97 điều. Cấu trúc các nội dung của Luật theo hướng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước về quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quản lý rừng (chương 2, 3), quyền và nghĩa vụ của các chủ rừng (chương 4); điều chỉnh các hoạt động theo chuỗi giá trị lâm nghiệp, từ bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến, thị trường lâm sản và các dịch vụ liên quan đến rừng và các điều kiện đảm bảo thực hiện Luật. So với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) dự kiến bổ sung 4 Chương mới gồm: Chế biến và thị trường lâm sản; Hợp tác quốc tế trong lâm nghiệp; Quản lý nhà nước về lâm nghiệp; Giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp. Dự thảo Luật có 97 Điều, trong đó, kế thừa 11 Điều, sửa đổi 58 Điều, bổ sung mới 28 Điều, bỏ 19 Điều. Tổng số điều sửa đổi, bổ sung là 86, chiếm 88% tổng số Điều của dự thảo Luật.

Khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật hiện hành về phân loại rừng, đổi mới việc giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất đối với hộ gia đình cá nhân theo hướng không thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để khuyến khích trồng rừng, bổ sung các quy định về hoạt động chế biến và kinh doanh lâm sản, hoạt động đầu tư tín dụng tài chính trong lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, Luật sẽ được sửa đổi gần như cơ bản, đặc biệt là phạm vi điều chỉnh. Nhiều nội dung của Luật phải sửa đổi nên việc đề nghị sửa đổi tên Luật sao cho phù hợp, đồng thời thể hiện cần phải quản lý theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp theo cơ chế thị trường, thể hiện đồng bộ các luật chuyên ngành như Luật Thủy sản, Luật Thủy lợi (đang được xây dựng)…

“Dự thảo Luật lần này đẩy nhanh hơn, sâu sắc hơn chủ trương xã hội hóa trong lâm nghiệp. Tạo khung chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững; đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, của chủ rừng và người làm nghề rừng để lâm nghiệp đóng góp ngày càng tăng vào nền kinh tế”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

4 vấn đề trọng tâm

Có 4 vấn đề trọng tâm được đưa ra xin ý kiến đóng góp.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh và tên Luật. Theo dự thảo, luật này qui định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thị trường lâm sản, so với Luật năm 2004 có sự bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với các hoạt động “kinh doanh, chế biến và thị trường lâm sản” nên đề nghị lấy tên Luật Lâm nghiệp. Luật năm 2004 chưa coi lâm nghiệp là một ngành kinh tế – kỹ thuật đặc thù gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ, trong khi chế biến lâm sản hàng năm đóng góp kim ngạch xuất khẩu 6-7 tỷ USD.

Hầu hết ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo đều đồng nhất với tên gọi Luật Lâm nghiệp.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ phân tích: Thực tiễn 10 năm qua chứng minh tên gọi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng không còn phù hợp nữa, phải xác định lại, phát triển chính là động lực thúc đẩy bảo vệ.

Con người phải gắn bó lợi ích máu thịt với rừng thì lúc đó mới chịu ra sức bảo vệ rừng. Chính vì vậy, cần phải đưa thêm các vấn đề tín dụng rừng, bảo hiểm nghề rừng vào luật để ngành lâm nghiệp sinh lợi nhiều hơn.

Chung quan điểm, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng: Từ trước đến nay chúng ta quá tập trung vào bảo vệ và phát triển rừng mà quên mất vấn đề hưởng lợi từ rừng. Không hưởng lợi thì lấy sức đâu mà bảo vệ? Thế nên phải đưa vấn đề hưởng lợi từ rừng lên làm chủ thể, trọng tâm để bảo vệ và phát triển rừng.

Cần xã hội hóa ngành lâm nghiệp, đảm bảo cuộc sống người dân gắn với rừng

Thứ hai, các hình thức sở hữu rừng được qui định: Rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, gồm rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư.

Rừng sở hữu riêng gồm: Rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư, nhận chuyển nhượng rừng từ chủ rừng khác.

Rừng sở hữu chung gồm: Rừng trồng được hình thành từ nhiều nguồn vốn của nhiều chủ thể khác nhau; rừng trồng do cộng đồng dân cư thôn đầu tư, nhận chuyển nhượng rừng từ chủ rừng khác… Nội dung này, ông Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN góp ý, không nên chia rừng thành 3 loại mà chia rừng theo 2 loại và chia theo sở hữu gồm rừng nhà nước và rừng theo sở hữu kinh tế. Bởi, việc quản lý và bảo vệ rừng cần tính theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ rừng.

Thứ ba, vấn đề giao rừng cho cộng đồng dân cư. Theo dự thảo Luật, các cộng đồng dân cư có cùng phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng; cộng đồng dân cư gắn bó với rừng; có qui ước, hương ước phù hợp với pháp luật thì được Nhà nước giao rừng để sử dụng ổn định lâu dài, cụ thể: Rừng đặc dụng (khu bảo vệ cảnh quan gắn với tín ngưỡng như rừng ma, rừng thiêng…), rừng phòng hộ, rừng sản xuất…

Theo GS Đặng Hùng Võ, nên mở rộng biên cộng đồng dân cư từ thôn bản thành xã phường: “Chúng ta tồn tại đến hôm nay đều nhờ cộng đồng. Việc giao rừng cho cộng đồng thậm chí còn tốt hơn là giao cho chính quyền địa phương. Tất nhiên là cộng đồng ấy phải thuần túy và có quyền chủ rừng”.

Thứ tư là Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm. Theo dự thảo Luật, Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Kiểm lâm có thể được tổ chức theo 2 phương án, ngoài các chức năng nhiệm vụ cụ thể, có thể được công nhận là thương binh, liệt sĩ theo qui định nếu bị thương, hi sinh trong khi thi hành công vụ. Được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và các phương tiện chuyên dùng…

Dự kiến, sau khi hoàn chỉnh Hồ sơ xây dựng Luật, Bộ NN-PTNT sẽ gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước ngày 30/12/2016. Dự kiến, ngày 15/1/2017, trình Chính phủ hồ sơ dự án Luật, tháng 3/2017 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tháng 10/2017 trình Quốc hội xem xét thông qua.

* Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk: Lâu nay chúng ta thường đánh giá công tác quản lí nhà nước về lâm nghiệp một cách chung chung, thường là chưa hoàn thành nhiệm vụ. Việc sửa đổi Luật cần phải cụ thể hóa trách nhiệm của từng cấp chính quyền cụ thể.

* Chuyên gia lâm nghiệp Nguyễn Ngọc Lung: Các nước thế giới làm tăng giá trị rừng bằng cách làm dịch vụ môi rừng như Nhật Bản, Thụy Sỹ… Trong Luật sửa đổi phần về dịch vụ môi trường rừng vẫn còn mờ nhạt. Cần có hẳn một chương về dịch vụ môi trường rừng.

* Ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Khi Luật hiện hành không còn phù hợp thì cần mạnh dạn đổi tên để phù hợp, bao quát được nội hàm, nội dung của Luật.

Việc sửa đổi tên Luật Lâm nghiệp là phù hợp. Trong Luật cần quan tâm đến chủ thể rừng. Hiện chủ thể rừng rất khác nhau, quá trình giao đất, giao rừng của các công ty lâm nghiệp trước đây lại giao khoán cho hộ dân nhưng không loại trừ nhiều nơi việc giao khoán không rõ ràng nên hiệu quả chưa cao, đời sống của người dân được giao đất giao rừng còn khó khăn.

 

Nguồn: