Văn Bàn, Lào Cai: Chính quyền “bất lực” trước nạn khai thác khoáng sản?

ThienNhien.Net – Công trường khai mỏ rầm rập, hàng đoàn xe tải hạng nặng thi nhau chở cát từ các bãi cát ở xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn đi bán kiếm lời mỗi ngày. QL 279 bị băm nát, tài nguyên khoáng sản bị “trộm cắp” không thương tiếc. Điều lạ là cả mấy năm trời bị “đục khoét” như vậy, tại sao lãnh đạo UBND huyện Văn Bàn lại “không hay biết”?

Đoàn xe tải hạng nặng chở cát từ huyện Văn Bàn sang huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu hàng ngày phá nát QL 279.

Có hay không việc ông Đỗ Văn Duy, Chủ tịch huyện “ngó lơ” cho sai phạm để khoáng sản bị chảy máu, rút ruột? Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải sớm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu!

Trụ sở UBND huyện Văn Bàn, Lào Cai.

“Con voi chui lọt lỗ kim”

Trao đổi với phóng viên, anh Hoàng Văn Khánh, trưởng thôn 13 chia sẻ: Khu bãi bồi này trước rất rộng, bà con dùng để trồng màu nhưng bắt đầu bị đào xới, kể từ khi Công ty Ecotech Việt Nam (có địa chỉ ở thôn 3, Khổi Nghè, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn, Lào Cai) đào bới, nạoo hút lòng suối Chăn xong. Theo “lời hứa” thì sau khi đào đãi xong sẽ bàn giao lại mặt bằng cho người dân địa phương. Nhưng sau khi xúc – hút lên, phá nát hết bãi soi thì cũng là lúc doanh nghiệp này “mất hút”, bỏ mặc bãi đất nham nhở. Cách đây 3 năm, có anh tên Quỳnh đến đây thuê đấy ở thôn. Có 2 thôn là 9 và 13 đã ký hợp đồng cho thuê khu bãi này để anh Quỳnh khai thác cát, mỗi năm lấy 50 triệu tiền bãi. Số tiền này được “chia đôi” cho 2 thôn để thôn làm… quỹ. Đến nay, các bên đã ký hợp đồng với nhau được 3 năm.

Ông Hoàng Văn Khánh, trưởng thôn 13 xã Văn Quỳ cho biết: “Chúng tôi cho thuê bãi”.

Xuống bãi cát của ông chủ tên Quỳnh, phóng viên quan sát thấy cả 1 bãi soi ven suối Chăn rộng lớn đang được khai thác ồ ạt. Hàng ngàn khối cát được đào đãi, sàng xảy, phân loại… cứ xe nào vào mua cũng được. Không cần hóa đơn, giấy tờ gì, chỉ cần tiền là xong. Hỏi một người đang làm 1 bãi ở đây, được biết: bãi cát này ngoài của “ông trùm” tên Quỳnh ra, còn có ông Tuấn ở phía trên cách chừng 1km. Rồi vài đầu nậu nhỏ cũng “đóng luật” nên làm ăn theo. Tình trạng khai thác thì vô cùng bát nháo. Lòng suối Chăn bị cày xới tan nát, ô nhiễm môi trường… không theo một quy chuẩn nào cả. Phía ven bờ, người dân vẫn phải kè để phòng sạt lở. Còn trong bãi thì mặc sức xúc…

Bến bãi của ông Quỳnh, một “ông trùm” khai thác cát.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Văn Bàn là khá phổ biến. Điển hình và trâng tráo nhất là khai thác cát ở Dương Quỳ, vàng ở Nậm Xây và Minh Lương. Đã có nhiều người chết ở 2 bãi vàng Minh Lương và Nậm Xây. Tuy nhiên các sự việc này đều nhanh chóng được bịt đi bởi 1 số “nhóm lợi ích”.

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Đông, nhà ở ngay ven QL 279 bức xúc than thở: hàng ngày, đoàn xe của một số doanh nghiệp như Phương Nhung, Huy Hoàng nào đó bên Than Uyên (Lai Châu) cứ kìn kìn chở cát qua đây, đoàn xe này chạy đến đâu, đường rung đến đó. Nhiều đoạn đường đã hỏng. Nhìn con đường cứ đoạn làm, đoạn nát mà nhiều người dân không khỏi xót xa. Anh Đông thẳng thắn đặt dấu hỏi, vai trò của các cơ quan chức năng ở đâu khi để xảy ra tình trạng trên. Các lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông ở đâu khi hàng ngày để tuyến đường QL 279 bị xe tải “băm nát”.

Phút chốc, khoáng sản thì bị mất và nhà nước thất thu vì bị trốn thuế, còn cơ sở hạ tầng thì bị “băm nát”.

Có dấu hiệu bao che, bảo kê?

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ đến số điện thoại của ông Đỗ Văn Duy về một số vấn đề trên địa bàn huyện Văn Bàn như việc xây nhà không giấy phép tại xã Khánh Yên Hạ, quy hoạch chợ và các tồn đọng trong khai thác khoáng sản… Tuy nhiên, ông này lại “vặn vẹo” và cho rằng: nếu đến huyện Văn Bàn thì phải xin phép làm việc với Ban Tuyên giáo Huyện ủy, đây là cơ quan phát ngôn của… huyện. Sau khi đẩy “quả bóng trách nhiệm” sang đây, ông này cúp máy.

Liên hệ với 1 lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Văn Bàn, ông này cho biết: ông sắp được luân chuyển công tác nên không có phát ngôn gì. Ông cũng cho biết: tại khu vực xã Dương Quỳ, có một doanh nghiệp duy nhất mới được cấp phép là doanh nghiệp Quốc Đạt. Còn không cấp cho một đối tượng, cá nhân nào khác. Liên hệ với ông Chính, chủ doanh nghiệp Quốc Đạt, ông này cho biết: mấy điểm khai thác cát mà phóng viên hỏi không phải là của mình mà do người khác họ làm từ trước.

Sau đó phóng viên có trao đổi với ông Quỳnh, chủ bãi cát ở khu vực thôn 9 và 13 về thực trạng khai thác khoáng sản. Ông Quỳnh cho biết mình làm lâu rồi, bãi cát có giấy phép để phục vụ… nông thôn mới. Giờ hết giấy phép rồi và đang chờ cấp mới. Trước những câu hỏi của phóng viên về hoạt động khai thác khoáng sản, mặc dù đã hết giấy phép, phải hoàn nguyên, bảo vệ môi trường mà tại sao doanh nghiệp này vẫn khai thác cát, sỏi mang đi bán, không những thế, hàng ngày có hàng mấy chục xe tải hạng nặng với hàng nghìn khối cát được mang bán trái phép… ông Quỳnh không trả lời được và cũng lấy lý do bận đi đám ma rồi bỏ đi.

Tiếp tục đi lên hướng huyện Văn Bàn, cũng dọc theo suối Chăn, một điểm khai thác cát rầm rộ khác hiện ra trước mặt. Điểm khai thác này được cho là của ông Tuấn, cũng là một “ông trùm” khai thác cát ở đây. Ngay tại điểm bãi này, phóng viên thấy tại lòng suối vẫn còn nguyên máy bơm, máy xúc, ô tô và cả ngàn khối cát được bơm lên chờ tiêu thụ. Liên hệ với ông Tuấn, người đc cho là chủ bãi, ông này thừa nhận là bãi chưa có giấy phép khai thác khoáng sản. Nhưng với lý do đang…. xin phép nên ông có để anh em làm.

Bến bãi của ông Tuấn.

 

“Cát tặc” băm nát lòng suối, bờ sông…

Việc tại địa bàn xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn “sừng sững” mọc lên những bãi cát “khổng lồ” nạo hút lòng suối Chăn đã khiến dư luận nghi ngờ có sự “ăn dơ”, thông đồng, làm ăn bát nháo ở đây. Suốt một thời gian dài, không có cơ quan chức năng nào lên tiếng. Nhà nước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng tiền khoáng sản. Trong khi những kẻ bất chấp quy tắc pháp luật lại được hưởng lợi. Vậy số tiền lớn thu được từ việc bán khoáng sản này sẽ “đi đâu, về đâu”? được “chia chác” cho những ai? Vai trò trách nhiệm của các lực lượng chức năng như Cảnh sát môi trường, kinh tế, tài nguyên môi trường… cũng như người đứng đầu huyện Văn Bàn đến đâu khi để xảy ra nạn “ăn cắp khoáng sản”?

Những “ông trùm” mặc sức nạo, hút, rút ruột tự nhiên.

Tiếp tục điều tra, phóng viên được biết: không chỉ có nạn khai thác cát tại xã Dương Quỳ, tình trạng khai thác, đào đãi vàng ở khu rừng Vầu, rừng Sác tại xã Minh Lương vẫn còn. Về đêm, đứng dưới đường nhìn lên, ánh điện từ các bãi vàng sáng như “sao sa”. Trước đó, tình trạng sạt lở đất tại bãi vàng Nậm Xây gây chết hàng chục người cũng nhanh chóng bị “vùi dập, bưng bít” để sớm chìm vào quên lãng.

Các phương tiện khai thác ngang nhiên, công khai, bất chấp bến bãi hết hạn hoặc chưa được cấp phép.

Đã đến lúc cần sớm làm rõ vai trò, trách nhiệm của địa phương trước nạn chảy máu khoáng sản hơn là viển vông, lòng vòng, bao biện. Dư luận đặt dấu hỏi: Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều văn bản, Chỉ thị nêu rõ: Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, trách nhiệm đó phải thuộc về người đứng đầu. Vậy, trách nhiệm của ông Đỗ Văn Duy, Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn đến đâu khi để xảy ra những tình trạng nêu trên, đặc biệt là vụ sạt lở đất ở bãi vàng Nậm Xây? Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc, làm rõ trách nhiệm.