Quảng Ngãi nỗ lực khắc phục sau lũ

ThienNhien.Net – Quảng Ngãi là tỉnh bị thiệt hại nặng sau hai cơn lũ liên tiếp cận kề. Đến chiều 7-12, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn tiếp tục có mưa vừa và có nơi mưa to, mực nước trên các sông Trà Khúc, sông Vệ và Trà Câu vẫn duy trì ở mức cao. Nhiều khu dân cư vẫn còn bị ngập sâu trong nước, có vùng đang bị cô lập. Người dân ở vùng rốn lũ đang được chính quyền địa phương hỗ trợ mì tôm, nước suối và thu dọn vệ sinh… để sớm vượt qua cơn khốn khó này.

Lực lượng chức năng đưa các em học sinh qua vùng ngập lụt tại huyện Sơn Tịnh.
Lực lượng chức năng đưa các em học sinh qua vùng ngập lụt tại huyện Sơn Tịnh.

 

Theo báo cáo bước đầu của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, đến chiều 7-12, toàn tỉnh có khoảng 925 hộ dân vùng trũng đã di dời đến nơi an toàn; có 17 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 75 nhà ở bị hư hỏng và có 780 nhà bị ngập nước sâu hơn 1m. Thiệt hại sản xuất lúa Đông Xuân sạ sớm khoảng 613 ha, hơn 1.500 ha rau màu và hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, hàng chục cầu bị cuốn trôi, hàng chục km kênh mương bị lũ xói lở…

Đi theo đoàn công tác của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi sáng nay, PV Nhân Dân điện tử đã ghi nhận những cơn lũ dữ trên các dòng sông Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu vẫn đang cuồn cuộn tràn vào các khu dân cư ở ven sông làm hàng trăm ngôi nhà của dân bị chìm sâu trong nước. Hiện tại, khu vực cầu kênh N8 qua địa bàn xã Hành Thuận (huyện Nghĩa Hành) vẫn bị lũ chia cắt. Chính quyền xã đã phân công lực lượng dân quân tự vệ ứng trực, không cho người và phương tiện qua lại.

Nơi địa phương nằm giữa hai dòng sông Trà Khúc và sông Vệ đang hứng chịu nặng nề cơn lũ dữ là huyện Tư Nghĩa. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ để ứng phó khẩn cấp đưa hàng chục gia đình ở các xã rốn lũ đến nơi an toàn. Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành cho biết, hiện nay, mưa lũ vẫn dâng cao gây chia cắt nhiều khu dân cư, các tuyến đường giao thông chìm sâu trong nước lũ. Tuy không cao bằng đỉnh lũ của cơn lũ lịch sử, nhưng do mưa lũ kéo dài trong nhiều ngày đã gây thiếu nước ngọt, lương thực trầm trọng tại các vùng ngập. “Sáng nay, huyện đã tổ chức các lực lượng đi phân phát thức ăn, nước ngọt cho các hộ dân nằm trong vùng bị chia cắt ở các xã Nghĩa Phương, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Điền… Bên cạnh đó, chúng tôi còn huy động tất cả các xuồng, ca nô đến tận nhà các hộ dân trong vùng ngập để hỏi thăm, hỗ trợ mì tôm và tổ chức đưa các trường hợp người dân bị đau ốm đến bệnh viện kịp thời”, ông Thành nói.

Lực lượng chức năng huyện Tư Nghĩa đưa người dân bị nước lũ cô lập đến nơi an toàn.
Lực lượng chức năng huyện Tư Nghĩa đưa người dân bị nước lũ cô lập đến nơi an toàn.

Với phương châm nước lũ rút đến đâu, người dân tập trung khắc phục đến đó, ngay từ chiều nay, tuy nhiều khu dân cư trong tỉnh vẫn bị ngập mức nước cao, nhưng chính quyền địa phương và người dân đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau lũ. Tại bờ Bắc sông Trà Khúc đoạn taluy âm, đường bờ kè bị sạt lở lớn, khoét sâu vào móng đường đê bao khoảng hơn 1m, những bụi tre lớn người dân trồng để chống sạt lở cũng bị lũ cuốn trốc gốc đổ xuống sông và uy hiếp tuyến đường trên bờ kè. UBND TP Quảng Ngãi đã xuất kinh phí tạm ứng mua cọc tre, cát và các vật dụng khác hỗ trợ địa phương và chỉ đạo kịp thời phường Trương Quang Trọng khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ với hàng trăm dân quân, thanh niên và người dân khu phố tiến hành đóng cọc tre, thả lưới B40, dùng bao cát kè chống sạt lở.

Ở các huyện miền núi, chính quyền xã huy động người dân khắc phục sạt lở, thông các tuyến đường liên thôn, liên xã. Ngay xã Sơn Dung (huyện Sơn Tây) đã sạt lở tại nhiều điểm, đất đá từ bờ, vách núi nằm ven tuyến đường, ước tính lên đến hàng nghìn m3 đất đá đang gây ách tắc giao thông. Để có đường từ rẫy về nhà, già làng đã huy động hàng trăm người dân trong bản ra thu dọn đất, đá sạt lở và bảo đảm thông đường đi lại thuận lợi. Anh Đinh Xuân Sơn, xã Sơn Dung cho biết: “Sau những cơn mưa lớn trút xuống liên tục đã làm sạt lở núi gây tắc đường, bà con đã cùng nhau mang cuốc, xẻng ra thu dọn đất sạt lở nên giờ có đường về nhà”. Hiện nay, huyện Sơn Tây đang tập trung khắc phục sự cố sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt. Ông Đinh Văn Treo, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết, để bảo đảm an toàn cho người dân khi qua lại các tuyến đường bị ngập, sạt lở, cùng với việc đưa phương tiện đến thu dọn, chính quyền xã đã chỉ đạo lực lượng chức năng trực thuộc đến chốt chặn, hướng dẫn cho người dân qua lại an toàn.

Tại Trường tiểu học Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, ngay trong sáng nay, các thầy cô đã tập trung dọn dẹp 9 phòng học. Tất cả bàn ghế, đồ dùng dạy học được thầy cô vệ sinh, sắp xếp trở lại. Đợt mưa lũ này, tám trường học với gần 50 phòng của huyện Tư Nghĩa bị ngập sâu. Nhờ chủ động phòng tránh lũ nên thiệt hại tài sản tại các trường không lớn. Hiện, các trường tập trung vệ sinh để học sinh sớm trở lại trường học tập.

Các cô giáo Trường tiểu học Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa đang dọn vệ sinh sau lũ.
Các cô giáo Trường tiểu học Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa đang dọn vệ sinh sau lũ.

Tại Huyện Sơn Hà, đã có một người bị lũ cuốn trôi tử vong khi lội qua con suối và đã tìm được thi thể. Nạn nhân là Hồ Văn Lâm (SN 1971, ở thôn Bầu Sơn, xã Sơn Nham). Đây là nạn nhân thứ hai tử vong trong đợt lũ này và là trường hợp thứ tám ở Quảng Ngãi tử vong, mất tích trong hai đợt mưa lũ vừa qua. Chính quyền địa phương đã kịp thời đến thăm hỏi động viên và hỗ trợ tiền cho gia đình mai táng nạn nhân.

Nước rút đến đâu, ngành y tế Quảng Ngãi triển khai khắc phục hậu quả đến đó. Hiện, các Trung tâm y tế huyện và Trạm y tế xã đã tiến hành kiểm tra giếng nước bị ngập và làm vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng lũ. Đặc biệt, mưa lũ đã làm ngập hàng nghìn giếng nước của người dân ở các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành. Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng các huyện tập trung xử lý nguồn nước sau lũ. Hàng chục nghìn viên Aquatabs được cấp đến cho từng hộ dân trong vùng có giếng khơi bị ngập. Cán bộ y tế dự phòng cũng đã trực tiếp hướng dẫn người dân cách khử khuẩn nguồn nước bằng Aquatabs, đồng thời cấp thêm Cloramin B bột để các hộ khử khuẩn giếng nước sau khi lũ rút. Các trường học ở huyện Nghĩa Hành, Đức Phổ và TP Quảng Ngãi đã bị nước lũ tràn vào làm hư hại bàn ghế và phủ bùn trong nhà trường cũng đã được chính quyền địa phương và nhà trường huy động nhân lực khẩn trương khắc phục để sớm cho học sinh trở lại học tập…

Công nhân điện lực Quảng Ngãi khắc phục đường đây điện bị hư hỏng sau lũ.
Công nhân điện lực Quảng Ngãi khắc phục đường đây điện bị hư hỏng sau lũ.

Hiện nay, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang diễn biến khó lường; đồng thời, việc xả lũ đồng loạt ở các hồ chứa nước và thủy điện ngày càng lớn nên nguy cơ gây lũ kéo dài. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, các huyện, xã nơi rốn lũ khẩn trương hỗ trợ người dân trong vùng bị ngập. Trước mắt, các huyện xuất kinh phí dự phòng hỗ trợ cho người dân sản xuất, đồng thời cung cấp mì tôm, nước uống cho các hộ dân trong vùng bị nước lũ cô lập.

Tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ khẩn cấp bảy tỷ đồng để mua 270 tấn giống lúa, hoa màu hỗ trợ người dân vùng ngập tổ chức gieo sạ ngay khi nước rút nhằm đuổi kịp lịch thời vụ sản xuất Đông Xuân; hỗ trợ 300 tấn gạo để cứu trợ nhân dân vùng ngập vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; hỗ trợ thuốc men, dung dịch khử trùng tiêu độc… để khắc phục hậu quả môi trường sau lũ.

* Ngày 7-12, Đoàn công tác của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (NHCSXH) đã về thăm hỏi, động viên và tặng quà hỗ trợ cho đồng bào tại một số địa phương tỉnh Quảng Ngãi bị ảnh hưởng nặng do mưa lũ gây ra.

Theo đó, buổi sáng, đoàn đã tổ chức trao 325 suất quà cho 325 gia đình bị thiệt hại do mưa lũ tại ba xã: Hành Tín Đông, Hành Tín Tây và Hành Thiện (huyện Nghĩa Hành); chiều cùng ngày, đoàn đã về xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa) để trao 135 suất quà cho các hộ dân bị thiệt hại do mưa lũ tại hai xã Nghĩa Hiệp và Nghĩa Mỹ.

Tổng cộng, đoàn đã trao 460 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho 460 hộ dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại tỉnh Quảng Ngãi. Đoàn công tác của NHCSXH Việt Nam còn tổ chức thăm hỏi, chia buồn và trao năm suất quà (ba triệu đồng/suất) cho năm trường hợp tử vong do mưa lũ tại tỉnh này.

Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Bùi Quang Vinh cho rằng, những thiệt hại mà hai trận lũ liên tiếp gây ra cho người dân Quảng Ngãi là rất lớn và không thể thống kê hết được. Nhằm chia sẻ phần nào những khó khăn, thiếu thốn với bà con vùng lũ, toàn thể người lao động của NHCSXH Việt Nam đã cùng chung tay đóng góp để đồng hành cùng bà con vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Những suất quà ý nghĩa đã đến tận tay bà con vùng lũ Quảng Ngãi.
Những suất quà ý nghĩa đã đến tận tay bà con vùng lũ Quảng Ngãi.
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam trao quà hỗ trợ bà con vùng lũ.
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam trao quà hỗ trợ bà con vùng lũ.

* Chiều cùng ngày, chuyến hàng cứu trợ gần 300 thùng mì tôm và nước uống đã được Tỉnh đoàn Quảng Ngãi vận chuyển và phân phát cho người dân vùng ngập sâu nhất của hai xã Nghĩa Phương và Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa.

Tại khu vực thôn Vạn An 1, xã Nghĩa Thương, 100 thùng mì tôm và 40 thùng nước đã được các đoàn viên, thanh niên của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi nhanh chóng đưa xuống thuyền, chở vào phân phát cho bà con. Hiện, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo cho lực lượng đoàn viên, thanh niên các địa phương sẵn sàng hỗ trợ cho người dân trong trường hợp khẩn cấp cần di dời, khắc phục hậu quả sau khi mưa lũ rút.