Phát triển điện gió- Vẫn là giá thành

ThienNhien.Net – Mục tiêu được Chính phủ đặt ra là đến năm 2020 tổng công suất điện gió đạt 800 MW. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 3 dự án điện gió nối lưới vào vận hành với tổng công suất lắp đặt chỉ đạt 153,2 MW.

Hiện mới chỉ có 3 dự án điện gió nối lưới vào vận hành. Ảnh internet.
Hiện mới chỉ có 3 dự án điện gió nối lưới vào vận hành. Ảnh internet.

Tiềm năng nhưng chưa phát triển

Tại tại hội thảo “Năng lượng gió Việt Nam” tổ chức ngày 29-11, ông Chris Beaufait, Chủ tịch Vestas Châu Á Thái Bình Dương và Trung Quốc đánh giá, Việt Nam là quốc gia có trữ lượng gió lớn- thuộc nhóm lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Sự giàu có về loại năng lượng này là tín hiệu tích cực đối với Việt Nam khi gió là nguồn năng lượng miễn phí giúp Việt Nam đảm bảo tốt hơn vấn đề an ninh năng lượng thông qua việc giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu và những biến động trên thị trường than đá và khí quốc tế.

Mặt khác, điện gió có thể giúp loại bỏ một số thách thức mà thủy điện gặp phải liên quan đến hiện tượng thay đổi khí hậu theo mùa. Gió tạo ra nguồn điện tái tạo và không phát thải khí các-bon, qua đó giúp Việt Nam đảm bảo và duy trì tương lai tăng trưởng bền vững và thực hiện những cam kết mà Việt Nam đã đưa ra khi thông qua Hiệp định Paris- văn bản có hiệu lực trên toàn cầu kể từ ngày 31-10-2016.

Trên thực tế, để thúc đẩy phát triển năng lượng gió, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, trong đó quy định giá điện FIT cho điện gió và quy định bên mua điện phải bao tiêu toàn bộ sản lượng điện gió phát lên hệ thống.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hang Tái thiết Đức (KfW) đang tiến hành chương trình đo gió tại khoảng 30 điểm trên toàn quốc nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu tiềm năng gió đầy đủ và cập nhật bản đồ gió Việt Nam.

Tuy nhiên, thời điểm này mới chỉ có 3 dự án điện gió nối lưới vào vận hành với tổng công suất đặt là 153,2 MW, chưa đáp ứng được mục tiêu khi ban hành chính sách về trợ giá.

Trong khi đó, theo Quy hoạch điện quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt mục tiêu phát triển điện gió được đặt ra: Tổng công suất điện gió đạt 800 MW vào năm 2020, đạt 2.000 MW vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020 khoảng 1% vào năm 2035 và khoảng 2,1% vào năm 2030.

Tăng giá mua điện gió?

Nguyên nhân chủ yếu được ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu ra là do: Suất đầu tư dự án điện gió cao so với các nguồn điện truyền thống, giá mua điện gió chưa đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, nguồn cung cấp linh kiện, thiết bị và dịch vụ trong nước còn hạn chế, nguồn nhân lực kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, thị trường vốn còn hạn chế…

Song theo giới chuyên gia, vấn đề giá thành chưa hấp dẫn là nguyên nhân chính khiến cho điện gió chưa thể phát triển.

Theo đánh giá của ông Vượng, cùng với sự tăng trưởng mạnh về kinh tế của Việt Nam trong những thập kỷ qua, nhu cầu về điện năng trong những năm tới sẽ rất lớn. Dự báo tốc độ tăng trưởng điện sản xuất bình quân trong giai đoạn 2016-2020 là 10,7%/năm và giai đoạn 2021-2025 là 8,6%/năm.

Trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống (than, dầu, khí) gặp khó khăn thì việc phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió được Chính phủ đặc biệt lưu ý. Chính phủ đang tiếp tục hoàn chỉnh khung chính sách pháp lý, trong đó có việc chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, sưa đổi cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Quyết định 37.

“Dự thảo quyết định thay thế Quyết định 37 đề xuất sửa đổi giá bán điện gió ở các mức khác nhau cho các khu vực dự án trong đất liền và trên biển để thống nhất áp dụng cho tất cả các dự án điện gió trên phạm vi cả nước theo hướng tăng giá mua điện gió quy định tại Quyết định 37”, ông Vượng cho biết.