Quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả

ThienNhien.Net – Từng là một trong những “điểm nóng” về tình trạng phá rừng làm nương rẫy, từ khi thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý và bảo vệ rừng, hàng chục năm nay gần 300 ha rừng thông tại bản Hịa, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La được giữ vững, góp phần hạn chế được mưa lũ và đất đá gây bồi lấp ruộng nương vào mùa mưa.

Chúng tôi đến nhà văn hóa bản Hịa, xã Mường Chanh đúng vào dịp ban quản lý và bảo vệ rừng của bản đang họp bàn về những phương án bảo vệ diện tích rừng thông khi mùa hanh khô sắp tới. Ông Tòng Văn Sắn, Bí thư Chi bộ bản Hịa cho biết: Vào mùa hanh khô, thời tiết trên này diễn biến phức tạp, thường xuyên xảy ra tình trạng cháy rừng. Một trong những nguyên nhân là do người dân đốt nương để lửa bén vào rừng, vì vậy chính quyền bản họp bàn, để có hướng tuyên truyền các phương án bảo vệ rừng tới người dân.

Lực lượng liên ngành Sơn La tuần tra bảo vệ rừng.
Lực lượng liên ngành Sơn La tuần tra bảo vệ rừng.

Bản Hịa có 55 hộ, với 256 nhân khẩu, diện tích đất tự nhiên của bản là 574 ha trong đó chủ yếu là đất rừng với độ dốc lớn, hay bị xói mòn vào mùa mưa, diện tích đất canh tác lại rất hạn hẹp, đời sống của người dân trong bản vẫn mang tính thuần nông chủ yếu là trồng lúa, cà phê và chăn nuôi nhỏ lẻ, nên còn gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn từ năm 2006 – 2009, được sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong bản đã trồng được 257 ha rừng thông phủ xanh diện tích đất trống, đồi trọc của bản.

Theo Trưởng bản Hịa Cầm Văn Phấn, để đối phó với tình trạng phá rừng làm nương rẫy rất phổ biến tại vùng cao này, chính quyền bản đã tăng cường công tác tuyên truyền về những lợi ích mà rừng mang lại trong các cuộc họp của bản; phạt nặng những trường hợp cố tình vi phạm, đồng thời thành lập 6 tổ tuần tra thay nhau quản lý, bảo vệ rừng.

Tuyên truyền công tác bảo vệ rừng tới người dân.
Tuyên truyền công tác bảo vệ rừng tới người dân.

Vào mùa đốt nương rẫy, ngoài sự kiểm tra giám sát của cán bộ kiểm lâm địa bàn, bản Hịa còn quy định rõ và tổ chức ký cam kết với từng hộ về việc đốt nương rẫy đúng giờ quy định, hay ra vào rừng phải xin phép Ban quản lý rừng cộng đồng của bản. Các nội dung cam kết còn được lồng ghép trong hương ước của bản, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm. Đặc biệt, khi người dân đốt nương làm rẫy đều có cán bộ bản và Tổ phòng cháy, chữa cháy rừng tham gia giám sát, hướng dẫn cách làm đường băng cản lửa.

Anh Lường Văn Phong, người dân trong bản, cho biết: “Trước đây người dân thường xuyên phá rừng làm nương rẫy, nhưng từ khi được ban quản lý rừng của bản và cán bộ kiểm lâm huyện tuyên truyền, chúng tôi đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của rừng trong cuộc sống nên không còn tình trạng phá rừng bừa bãi như trước kia nữa”.

Theo Chủ tịch UBND xã Mường Chanh Lò Văn Bók: Mường Chanh là xã khó khăn của huyện Mai Sơn, xã có diện tích đất lâm nghiệp gần 1.900 ha. Được sự tuyên truyền của các cấp chính quyền xã cũng như kiểm lâm huyện, những năm gần đây, ý thức của người dân về công tác quản lý, bảo rừng đã được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, bản Hịa là bản đi đầu trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Những năm gần đây, bản lại được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng nên việc duy trì hoạt động thường xuyên của Ban quản lý rừng cộng đồng bản, cũng như Tổ phòng cháy, chữa cháy rừng, rất hiệu quả.