Quảng Nam: Bất an với công tác vận hành các hồ thủy điện trong mùa lũ theo quy trình 1537

ThienNhien.Net – Sau khi quy trình 1537 ra đời, nhiều hồ thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia- Thu Bồn phải vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa. Thế nhưng, kinh nghiệm trải nghiệm thực tế vận hành quy trình này lâu nay là ít vì không có lũ lớn những năm qua. Trong khi đó, chỉ qua một đợt lũ đầu tháng 11, việc vận hành các hồ thủy điện theo quy trình 1537 đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập từ lý thuyết của quy trình và cả trong thực tiễn vận hành xả lũ của các hồ thủy điện…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu (đứng) chủ trì cuộc họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu (đứng) chủ trì cuộc họp.

Xả lũ trái quy trình

Ngày 22.11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã chủ trì cuộc họp thường trực ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam về công tác vận hành các hồ thủy điện mùa lũ, giảm rủi ro thiên tai.

Tại cuộc họp, nhiều đại biểu trong ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam đã thừa nhận, việc vận hành xả lũ tại các thủy điện trong đợt mưa lũ đầu tháng 11 vừa qua là trái với quy trình 1537.

Ông Trương Xuân Tý- Chánh văn phòng ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam- cho biết, hiệu quả của bản tin dự báo thời tiết rất quan trọng trong công tác vận hành, xả lũ vừa qua. Căn cứ theo tình hình thực tế, ban chỉ huy đã ra quyết định xả lũ trái quy trình, nhằm mục đích cắt lũ cho hạ du và giữ nước lại hồ, phòng cho mùa khô.

Theo quy định của quy trình 1537, chủ hồ thủy điện thực hiện dự báo lũ về hồ. Tuy nhiên, do năng lực không đủ, các hồ này hợp đồng với các đài khí tượng thủy văn để phục vụ việc dự báo và cảnh báo mưa lũ. Cho đến khi ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Nam nhận được bản tin dự báo thì tại thời điểm đó đã xuất hiện lũ về hồ. Chính thực tiễn này cho thấy công tác dự báo, cảnh báo còn chậm dẫn đến việc tham mưu vận hành xả lũ còn bị động. Trường hợp lũ về nhanh sẽ không vận hành kịp thời về mực nước hồ đón lũ.

Ông Huỳnh Tấn Đức- Giám đốc sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam – cho biết, việc xả lũ vừa qua là trái quy trình, anh em trong cơ quan đã rất cân nhắc trước vấn đề này. Tuy nhiên, vì phục vụ cho mục đích sản xuất lâu dài thì buộc phải làm trái quy trình để giữ nước lại hồ. Về tương lai, công tác quan trắc, dự báo cần được chú trọng, đầu tư. Theo đó, kiến nghị quy hoạch về kế hoạch hệ thống khí tượng thủy văn dùng riêng cho Quảng Nam. Thực hiện được vấn đề này mới có cơ sở điều hành theo quy trình 1537.

Tại cuộc họp, nhiều đại biểu còn đề cập rất nhiều đến việc xây dựng bản đồ ngập lụt riêng cho từng vùng ở hạ du. Kiến nghị điều chỉnh quy trình 1537 vì lý thuyết đã sai, thực tiễn thì chồng chéo. Bên cạnh đó, cần lắp đặt các trạm đo mưa tại các hồ thủy điện, lấy chuẩn chung của hồ Phú Ninh là 40- 50km2 một trạm. Trên thực tế, các hồ thủy điện hiện nay có mật độ các trạm rất thưa thớt…

Thành bại tại công tác dự báo thủy văn

Tại cuộc họp, nhiều đại biểu nhấn mạnh rất nhiều lần đến công tác dự báo khí tượng thủy văn. Đó là vấn đề mấu chốt mật thiết, được đề cập và kiến nghị không chỉ lúc này mà từ nhiều năm về trước. Theo đó, việc vận hành các hồ thủy điện theo quy trình 1537 thành bại tại công tác dự báo thủy văn và tình hình thực tế, ranh giới giữa đúng và sai là rất mong manh.

Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết, đồng ý giao cho Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp các cơ quan liên quan lấy ý kiến để tham mưu cho ủy ban tỉnh về quy hoạch về kế hoạch hệ thống khí tượng thủy văn dùng riêng cho Quảng Nam, trình HĐND tỉnh thông qua và triển khai thực hiện. Trên cơ sở này, sẽ phối hợp với hệ thống khí tượng thủy văn Trung ương để nâng cao công tác dự báo, cảnh báo.

Bên cạnh đó, thống nhất chủ trương về xây dựng các trạm đó mưa tại các hồ thủy điện, đề nghị các hồ thủy điện triển khai lắp đặt thêm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến người dân, chính quyền các địa phương, báo chí. Vấn đề quan trọng nhất vẫn phải là an toàn trong tất cả các tình huống.

Về kiến nghị xây dựng bản đồ ngập lụt gắn với tình huống thủy điện xả lũ, giao Sở NNPTNT từng bước thực hiện để có thông tin tuyên truyền kịp thời đến người dân. Đơn cử như, nước sông hạ du đang ở báo động nào, thủy điện xả lũ lưu lượng bao nhiêu thì nước về đến hạ du khu vực nào, ngập đến đâu để người dân chủ động trong mọi tình huống.

Về quy trình 1537, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu yêu cầu phải chấp hành chủ trương. Tuy nhiên, cần có sự linh hoạt trong phạm vi nhất định và phù hợp với tình hình thực tế. Về lâu dài, phải cập nhật thường xuyên, đề xuất để chỉnh sửa quy trình. Trên thực tế, việc vận hành quy trình này là chưa nhiều vì ít có lũ lớn.

Thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ ngày 4.11 vừa qua.
Thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ ngày 4.11 vừa qua.
Việc ngập lụt một số nơi ở hạ du vừa qua là do mưa lớn, thủy điện xả lũ trái quy trình 1537 cắt lũ cho hạ du.
Việc ngập lụt một số nơi ở hạ du vừa qua là do mưa lớn, thủy điện xả lũ trái quy trình 1537 cắt lũ cho hạ du.
Việc ngập lụt một số nơi ở hạ du vừa qua là do mưa lớn, thủy điện xả lũ trái quy trình 1537 cắt lũ cho hạ du.
Việc ngập lụt một số nơi ở hạ du vừa qua là do mưa lớn, thủy điện xả lũ trái quy trình 1537 cắt lũ cho hạ du.