Tuyên bố của Liên minh cứu sông Mê Kông gửi Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông nhân phiên họp lần thứ 23 của Hội đồng

ThienNhien.Net – Nhân Phiên họp lần thứ 23 của Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông (MRC), Liên minh cứu sông Mê Kông nhấn mạnh mối quan ngại sâu sắc đối với các hoạt động phát triển thủy điện đang diễn ra trên dòng chính sông Mê Kông, bất chấp thực tế rằng các tác động tích lũy, xuyên biên giới của những dự án đang được triển khai chưa hề được giải quyết, và quá trình ra quyết định chung của toàn khu vực đang bị chia rẽ. Liên minh đồng thời cũng lo ngại về tình trạng của Nghiên cứu Hội đồng MRC (MRC Council Study) – vốn có mục tiêu cung cấp thông tin cho các quyết định liên quan đến vấn đề phát triển trên sông Mê Kông – đồng thời yêu cầu MRC cung cấp thông tin về tình trạng của nghiên cứu này, cũng như đánh giá lại các Quy tắc của Hiệp định Mê Kông năm 1995.

Quy trình ra quyết định đối với đập Xayaburi và Don Sahong, hiện đang được xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông thuộc lãnh thổ CHDCND Lào, đã châm ngòi cho nhiều tranh cãi trong khu vực Mê Kông và cả cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên các yêu cầu công bố thông tin cũng như các quan ngại về tác động của dự án được đưa ra trong suốt quá trình Tham vấn trước đã không hề được tiếp nhận và giải quyết một cách chính thức, trong đó bao gồm lời kêu gọi gia hạn quá trình tham vấn, cung cấp toàn diện thông tin nền, và nghiên cứu các tác động xuyên biên giới. Cả hai dự án đều đã được tiến hành dù không hề có sự đồng thuận hay phản hồi các mối quan ngại ở cả cấp Ủy ban Liên hợp và Hội đồng MRC.

Ảnh: International River

Theo báo cáo, Đập Xayaburi hiện đã hoàn thành 70% tiến độ. Trong khi đó, bất chấp việc các Đối tác Phát triển của MRC liên tục yêu cầu, thiết kế hoàn chỉnh của con đập vẫn chưa được công bố, cũng như không hề có bằng chứng nào chứng minh dự án đã tuân thủ theo ‘Hướng dẫn thiết kế ban đầu đối với các Đập được đề xuất trên dòng chính’[1] được đưa ra. Đến nay cũng chưa có thông tin về việc giải đáp các mối lo ngại và yêu cầu bổ sung các nghiên cứu sâu hơn từ phía các Chính phủ Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đối với đập Don Sahong, trong khi hoạt động xây dựng dự án vẫn đang được đẩy mạnh xúc tiến.

Từ kết quả của quá trình Tham vấn trước đối với đập Xayaburi và nhận định tầm quan trọng của dòng sông Mê Kông, phiên họp tháng 12/2011 của Hội đồng Ủy hội đã thống nhất thực hiện một nghiên cứu về phát triển và quản lý bền vững sông Mê Kông, trong đó bao gồm nghiên cứu tác động của các đập trên dòng chính Hạ lưu vực sông Mê Kông (hay còn gọi là ‘Nghiên cứu Hội đồng’). Trong bản tuyên bố TP Hồ Chí Minh tại Hội nghị thượng đỉnh Mê Kông lần thứ hai năm 2014, Nghiên cứu Hội đồng được các lãnh đạo Mê Kông xác định là một hoạt động ưu tiên và coi việc thực hiện nghiên cứu là bước tiến “mang lại những khuyến nghị hợp lý về phát triển bền vững trong Lưu vực.” Tuy nhiên, nghiên cứu đã nhiều lần bị trì hoãn và thông tin về kết quả, tình trạng của nghiên cứu cũng như quá trình tham vấn cộng đồng trong thực hiện nghiên cứu được công bố còn rất hạn chế. Việc hoàn thành Nghiên cứu này cần phải được ưu tiên trên hết để có thể hỗ trợ quá trình ra quyết định, cùng với Nghiên cứu Châu thổ Mê Kông do Chính phủ Việt Nam thực hiện đã hoàn thiện vào đầu năm nay.

Tháng trước, chính phủ Lào đã thông báo với MRC về ý định xây dựng con đập thứ ba trên dòng chính sông Mê Kông – đập Pak Beng tại tỉnh Oudomxay. Ban Thư ký MRC đã xác nhận rằng thông báo này một lần nữa sẽ khởi động Quy trình Tham vấn trước (Thông báo, tham vấn và thỏa thuận trước – PNPCA). Trong khi MRC đã cam kết xem xét lại các quy trình (của Hiệp định Mê Kông), bao gồm quy trình Tham vấn trước, thông tin về tình trạng của quá trình đánh giá này hoặc cách thức mà quá trình này cung cấp thông tin cho Quy trình tham vấn của các dự án dự án sắp tới vẫn còn rất hạn chế.

Hiện nay, việc các Chính phủ Mê Kông rút ra các bài học kinh nghiệm từ các dự án thủy điện đang được xây dựng trên sông Mê Kông và đưa bài học đó vào các quyết định liên quan đến con sông trong tương lai là vô cùng cần thiết. Trước khi các quy trình hiện có thúc đẩy các dự án thay đổi vĩnh viễn hệ sinh thái của sông Mê Kông và phá hủy các dịch vụ sinh thái của nó, MRC cần ưu tiên cải cách tổ chức và xác định rõ tầm nhìn về vai trò của Ủy hội trong tương lai, cũng như tầm nhìn về Hiệp định Mê Kông, với sự đồng thuận và hỗ trợ từ người dân Mê Kông.

Các tiến bộ của luật pháp quốc tế và trong khu vực cần được phản ánh và đưa vào một cách phù hợp nhằm cải thiện cơ chế quản trị sông Mê Kông. Một trong những tiến bộ này là các nguyên tắc được xác định trong Công ước Liên hợp quốc về luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy (UNWC),[2] trong đó Việt Nam là một bên tham gia, cũng như yêu cầu đối với đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới cho những dự án có tác động xuyên biên giới.[3] Ngoài ra, các chính phủ Mê Kông cần xác định thêm các giải pháp nhằm đảm bảo mục tiêu thúc đẩy bảo tồn và quản trị bền vững Lưu vực sông Mê Kông hơn là chỉ đứng bên lề các quy trình khu vực có thể quyết định tương lai của lưu vực như cơ chế hợp tác khu vực ASEAN.

Trong Phiên họp thứ 22 của Hội đồng MRC hồi tháng 1, các quốc gia thành viên đã đề cập đến các tác động của biến đổi khí hậu đối với sông Mê Kông và các nỗ lực cần có để tìm kiếm các giải pháp quản trị bền vững dòng sông. Để có thể giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu và hướng tới một tương lai thích ứng với biến đổi khí hậu, các Chính phủ Mê Kông cần nhanh chóng thừa nhận các tác động xuyên biên giới của các dự án thủy điện trên sông Mê Kông và thực tế rằng chính các dự án này đã góp phần gây nên những thay đổi rõ rệt như hạn hán, mực nước giao động bất thường, suy giảm nguồn cá và sản lượng nông nghiệp. Các nhà hoạch định trong khu vực Mê Kông cần nhận ra vai trò sống còn của một dòng sông Mê Kông khỏe mạnh đối với việc thích nghi cũng như khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu của toàn khu vực Sông Mê Kông là nguồn tài nguyên chung quan trọng đối với toàn khu vực.

Chính vì vậy, việc thay đổi các quá trình ra quyết định đối với phát triển thủy điện trên Lưu vực sông Mê Kông, nhằm đảm bảo tương lai bền vững cho dòng sông và người dân trên lưu vực Mê Kông là vô cùng cần thiết.

Chúng tôi kêu gọi các chính phủ Mê Kông và Ủy hội Sông Mê Kông:

  • Chú trọng sự tham gia và tham vấn trong Nghiên cứu Hội đồng, xúc tiến hoàn thành Nghiên cứu Hội đồng và công bố các kết quả hiện tại cho công chúng, đảm bảo rằng những kết quả này cùng Nghiên cứu Châu thổ Mê Kông sẽ hỗ trợ cho các quyết định sắp tới có ảnh hưởng đến tương lai của con sông;
  • Ưu tiên cải cách tổ chức, bao gồm đánh giá tương lai của MRC cùng Hiệp định năm 1995, với sự tham gia của công chúng và các cộng đồng Mê Kông. Hiệp định Mê Kông và các quy trình liên quan cần được đánh giá một cách minh bạch, phù hợp với các tiến trình trong khu vực cũng như các tiến bộ của luật quốc tế;
  • Đình chỉ các quyết định liên quan đến việc xây dựng đập trên dòng chính sông Mê Kông cho đến khi các quyết định có đầy đủ thông tin và được tham vấn một cách có ý nghĩa, đặc biệt là đối với các cộng đồng địa phương chịu ảnh hưởng từ dự án; và đến khi có các nghiên cứu toàn diện ở cấp lưu vực cân nhắc đến các tác động tích lũy, xuyên biên giới của các con đập trên dòng chính.

Liên minh Cứu sông Mê Kông 23/11/2016

Gửi tới:
Ngài Lim Kean Hor Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng Campuchia Chủ tịch Ủy ban sông Mê Kông Campuchia Ủy viên Hội đồng MRC của Campuchia Email: mowram@cambodia.gov.kh
Ngài Surasak Karnjanarat Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Chủ tịch Ủy ban sông Mê Kông Thái Lan Ủy viên Hội đồng MRC của Thái Lan Email: tnmc@dwr.mail.go.th
Ngài Sommad Pholsena Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Lào Chủ tịch Ủy ban sông Mê Kông quốc gia Lào Ủy viên Lào của Hội đồng MRC Email: lnmc@lnmc.gov.la
Ngài Trần Hồng Hà Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Việt Nam Chủ tịch Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam Ủy viên Hội đồng MRC của Việt Nam Email: vnmc@hn.vnn.vn
Ngài Phạm Tuấn Phan Giám đốc Điều hành Ban thư ký Ủy hội sông Mê Kông Văn phòng Ban thư ký tại Vientiane (OSV) Email: mrcs@mrcmekong.org
Các Đối tác phát triển của Ủy hội sông Mê Kông
[1] MRC, ‘Hướng dẫn thiết kế ban đầu đối với các Đập được đề xuất trên dòng chính’ 31/08/2009.
[2] ‘Công ước Liên hợp quốc về luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy’, New York, 21/05/1997.
[3] Xem Tòa án Công lý Quốc tế (I.C.J), Vụ việc Nhà máy Bột giấy trên sông Uruguay (Argentina v. Uruguay) đoạn 204-205, Phán quyết, Báo cáo I.C.J. năm 2010, trang 14 (2010).