Hội nghị về biến đổi khí hậu COP22 đánh dấu Ngày hành động về Nước

ThienNhien.Net – Ngày 9/11, Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) đang diễn ra tại thành phố Marrakech của Maroc đã đánh dấu Ngày hành động về Nước.

Đây là sự kiện nằm trong Chương trình nghị sự Hành động Khí hậu Toàn cầu với mục đích tăng cường chú trọng nguồn nước như một giải pháp giúp triển khai Hiệp định Paris.

Chương trình trên thúc đẩy hợp tác giữa các chính phủ, thành phố, doanh nghiệp, nhà đầu tư và công dân để giảm lượng phát thải khí ô nhiễm, giúp những quốc gia dễ bị ảnh hưởng thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu đồng thời tự phát triển nguồn năng lượng sạch và xây dựng tương lai bền vững.

Các quốc gia đã xác định nguồn nước là một giải pháp then chốt để thích ứng với tác động của biến đối khí hậu trong 93% kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu.

Người dân Ấn Độ xếp hàng lấy nước sạch tại một điểm phân phối nước miễn phí của Chính phủ ở Chennai ngày 22/3 (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người dân Ấn Độ xếp hàng lấy nước sạch tại một điểm phân phối nước miễn phí của Chính phủ ở Chennai ngày 22/3 (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng phụ trách nguồn nước của Maroc, bà Charafat Afilal cho biết nước này cùng các đối tác sẽ phát hành “Sách Xanh về Khí hậu và Nguồn nước.”

Phối hợp với Chính phủ Pháp và Hội đồng Nước Thế giới, việc phát hành ấn bản này là kết quả của Hội nghị Quốc tế về Khí hậu và Nguồn nước, được tổ chức tại thủ đô Rabat hồi tháng 7/2016.

Bà Afilal nhấn mạnh: “Giờ đây, chúng ta cần nhận ra điều gì cần chú trọng, bởi mất an ninh về nước sẽ dẫn đến xung đột, căng thẳng gia tăng giữa các cộng đồng, cũng như kéo theo dòng người di cư, đe dọa sự ổn định chung.”

Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng Nước Thế giới Benedito Braga nhấn mạnh, nước trở thành một trong những nguồn tài nguyên bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong bối cảnh loài người đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng về nhân khẩu học và kinh tế-xã hội.

COP22 diễn ra từ ngày 7-18/11 với sự tham dự của 43 nguyên thủ quốc gia và 32 người đứng đầu chính phủ các nước trên thế giới. Ngoài các phái đoàn chính thức còn có đại diện của 3.300 tổ chức.

Hội nghị dự kiến tập trung vào các hành động nhằm triển khai những ưu tiên trong Hiệp định khí hậu Paris trong đó có chuyển giao công nghệ, tính minh bạch và xây dựng năng lực./

Nguồn: