Cần quy hoạch tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long

ThienNhien.Net – Ngày 10/11, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế ngành nước với chủ đề “Các giải pháp phát triển cấp thoát nước bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ứng phó với suy thoái nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn”.

Bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề nóng cần được giải quyết tại Việt Nam cũng như ở các nước. Biến đổi khí hậu làm giảm 1,5 – 4,8% kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, đời sống xã hội, vấn đề môi trường. Việt Nam là một trong 10 nước chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, 70% dân số phải chịu ảnh hưởng của hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, nhất là vấn đề nước biển dâng.

Biến đổi khí hậu là nguy cơ tác động lớn nhất của toàn cầu trong năm 2016 (Ảnh minh họa: TTXVN)
Biến đổi khí hậu là nguy cơ tác động lớn nhất của toàn cầu trong năm 2016 (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo bà Phan Thị Mỹ Linh, trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ngân hàng thế giới nghiên cứu dự án cấp thoát nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm nắm rõ thực trạng, nhu cầu về nguồn nước của khu vực này cũng như đề xuất giải pháp.

Để giải quyết vấn đề tài nguyên nước, đảm bảo khai thác, sử dụng bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt là trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia cho rằng cần phải chú ý đến vấn đề cốt lõi là giải quyết trên phạm vi toàn lưu vực, bao gồm 6 quốc gia có chung dòng Mê Kông.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Cục Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, cần kiên trì hợp tác, đấu tranh bằng nhiều hình thức, trên nhiều diễn đàn nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước chung của 6 quốc gia trên lưu vực sông Mê Kông. Đảm bảo việc sử dụng nước ở bất kỳ quốc gia nào cũng không được gây hại đáng kể cho các quốc gia khác theo công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế.

Song song đó, theo nhiều chuyên gia, cần huy động các nguồn lực quốc gia nhằm đàm phán, thuyết phục, đấu tranh để các quốc gia có hồ nước thủy điện lớn cùng hợp tác vận hành phát điện, xả nước xuống hạ du, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông ở mức độ phù hợp.

Bên cạnh giải pháp quy mô các quốc gia lưu vực sông Mê Kông, ông Nguyễn Văn Nghĩa, cho rằng các bộ, ngành và địa phương liên quan cần xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động trong việc khai thác nước của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Kông. Việc điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn là vấn đề cần thực hiện kịp thời. Một giải pháp quan trọng khác là xây dựng các công trình khai thác nước ngầm để cấp nước sinh hoạt và sản xuất nhằm sẵn sàng ứng phó với xâm nhập mặn nghiêm trọng khi cần thiết.

Theo Cục Tài nguyên nước, nguồn nước ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phụ thuộc từ nước ngoài, suy giảm do tác động của El Nino, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu là những thách thức cần có giải pháp kịp thời. Hệ thống sông Cửu Long có hơn 420 tỷ m3 nước sản sinh từ nước ngoài, chiếm 81% tổng lượng nước khu vực này.

Do tác động của biến đổi khí hậu, lượng mưa trên toàn lưu vực suy giảm mạnh. Điển hình mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc trong những năm gần đây bị sụt giảm nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm. Mùa khô năm 2015-2016, mực nước thấp hơn mực nước lịch sử từ 0,2-0,4 m. Số liệu quan trắc mùa khô năm 2015-2016 cho thấy độ mặn lớn nhất đều cao hơn so với trung bình nhiều năm và vượt quá độ mặn lớn nhất cùng kỳ quan trắc được. Ranh giới độ mặn 4g/lít lấn sâu tới 45-65 km trên sông Tiền, 55-60 km trên sông Hậu và 60-65 km trên sông Cái Lớn.

Biến đổi khí hậu làm khu vực thượng lưu Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với lũ gia tăng trên sông vào mùa mưa lũ, đặc biệt là ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước ngọt và bị hạn hán trong mùa khô. Khu vực ven biển phải đối phó với tình trạng nước biển dâng gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, nhất là các vụ lúa.