Cần có cơ quan giám định độc lập chất thải nếu đổ xuống biển

ThienNhien.Net – Khi vụ việc Formosa gây ô nhiễm môi trường khu vực biển miền Trung còn chưa lắng xuống, dư luận lại đang lo lắng về việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vĩnh Tân 1 (Tuy Phong, Bình Thuận) nộp hồ sơ xin phép “nhấn chìm” 1,5 triệu mét khối chất thải xuống biển.

Đặc biệt, theo hồ sơ xin phép, với số lượng lớn này, nếu đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền thì phải có diện tích lớn nhưng địa hình tại huyện Tuy Phong phức tạp, không có mặt bằng để thực hiện. Đồng thời việc đổ thải trên đất liền có khả năng nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường…

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên Huế) cho hay, việc đổ chất thải nói chung phải tuân theo luật pháp như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Biển Việt Nam…

Về việc xin đổ chất thải nói trên, ông Nghĩa cho biết, đối với biển phải quản lý nghiêm ngặt và giám sát chặt chẽ. Đó là việc phải xem chất thải ấy có ảnh hưởng nguy hại tới môi trường như thế nào kể cả về trước mắt, lâu dài.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xác định rõ khu vực sẽ đổ (nếu có) và phải giám sát khối lượng đổ bởi đôi khi doanh nghiệp đổ khối lượng nhiều hơn nhiều so với xin phép hoặc xin phép đổ chất thải này nhưng lại đổ thêm loại khác. Việc giám sát này phải giám sát từng chuyến tàu, từng loại chất thải… Bởi lẽ, khi việc đã xảy ra thì chúng ta lại phải bỏ ngân sách để xử lý về môi trường, an sinh xã hội, thậm chí cả an ninh quốc phòng… vì việc đền bù là không đủ.

“Thậm chí, cơ quan chức năng phải mời cơ quan độc lập của nước ngoài để xác định được chất thải có nguy hại hay không,” ông Nghĩa nhấn mạnh.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa khuyến nghị cơ quan chức năng cần cẩn trọng để không có một Formosa thứ hai. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa khuyến nghị cơ quan chức năng cần cẩn trọng để không có một Formosa thứ hai (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Vị đại biểu này cũng khuyến nghị, cơ quan chức năng cần làm theo luật và đừng để một Formosa thứ hai xảy ra tại Việt Nam.

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cũng đã có công văn gửi cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc này.

Công văn nêu rõ việc “nhấn chìm” vật liệu sau nạo vét xuống khu vực biển có diện tích 30ha tiềm ẩn nguy cơ tác động đến môi trường biển rất lớn, nhất là Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Đây là nơi có hệ sinh thái biển phong phú, điển hình của vùng biển nhiệt đới với nhiều loại san hô và thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nạo vét và đổ thải có thể xảy ra các sự cố như bùn thải xả trực tiếp xuống biển; xà lan va đập gây chìm; sự cố cháy nổ, tràn dầu.