Xây dựng thủy điện trên sông Mê Kông sẽ gây nhiều hệ lụy cho hạ lưu

ThienNhien.Net – Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái Đồng bằng sông Cửu long: Ngoài các dự án thủy điện dòng chính trên thượng nguồn sông Mê Kông mà Trung Quốc đã, đang và sẽ xây dựng thì ở hạ lưu sông Mê Kông các quốc gia cũng có kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện dòng chính, trong đó, 9 đập dự kiến ở Lào và 2 đập Campuchia.

Đồng bằng Sông Cửu long sẽ ảnh hưởng nặng nề từ các dự án thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông. Ảnh internet.
Đồng bằng Sông Cửu long sẽ ảnh hưởng nặng nề từ các dự án thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông. Ảnh internet.

Ngày 4-11, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức Hội thảo “Cơ hội sử dụng hiệu quả nguồn nước trong lưu vực Mê Kông và gợi ý chính sách cho Việt Nam”. Ông Thiện nhận định: Nếu tất cả 11 đập ở hạ nguồn được xây dựng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và vĩnh viễn đối với Đồng bằng Sông Cửu Long về phù sa, dòng chảy, thủy sản, cùng các hệ lụy kéo theo về kinh tế, xã hội, sinh thái.

Ngoài ra, theo đánh giá của Trung tâm Con người và Thiên những con đập thủy điện đầu tiên đang được xây dựng trên hạ nguồn dòng chính Mê Kông. Cùng với đó, là hàng loạt dự án bơm nước, chuyển nước sông Mê Kông phục vụ nông nghiệp đã được khởi động trở lại trên lãnh thổ Campuchia và Thái Lan. Hiện nay, khi Lào mới khởi động dự án đầu tiên, Thái Lan và Campuchia đang trong giai đoạn khởi động các dự án chuyển nước.

Việt Nam là quốc gia nằm cuối nguồn sông Mê Kông chắc chắn sẽ chịu nhiều rủi ro nhất từ hoạt động sử dụng nguồn nước của các nước thượng nguồn, bất kể vì mục tiên gì thủy điện hay tưới tiêu nông nghiệp.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia độc lập về quản lý lưu vực sông cũng cho rằng: Việc các nước thượng lưu xây dựng các dự án chuyển nước từ sông Mê Kông sang các lưu vực khác là đáng quan ngại cho Đồng bằng sông Cửu long. Nếu các dự án chỉ lấy nước mùa mưa thì cùng với điều kiện thời tiết của các đập thủy điện sẽ không còn “lũ đẹp” cho Đồng bằng Sông Cửu long.

Ông Nguyễn Minh Việt, Viện trưởng Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: Có rất nhiều thông tin liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh sông củ sông Mê Kông bị hạn chế rất nhiều. Từ đó nảy sinh ra nhiều vấn đề như tình trạng ngập mặn trong năm 2015-2016 ở Đồng bằng Sông Cửu long.  Ngoài ta, trong thời gian qua, thủy điện ở Lào phát triển rất mạnh với quy mô vừa trên dòng nhánh của sông Mê Kông và phần lớn nguồn đầu tư đều các từ Trung Quốc.

“Do đó, Việt Nam nên chú ý cho các vấn đề quan hệ quốc tế để có thông tin, số liệu rõ ràng, minh bạch các dự án xây dựng trên sông Mê Kông của các quốc gia. Thông qua đó, Việt Nam đầu tư những phương tiện kỹ thuật và xây dựng kịch bản để có giải pháp thích nghi với việc các quốc gia xây dựng các dự án trên dòng chính và dòng nhánh sông Mê Kông”, ông Việt nhấn mạnh.