Đối phó với biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Hạn hán diễn ra khắp đất nước và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như các vùng ven biển khác trong vụ HT 2016 báo hiệu tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, trầm trọng và ác liệt hơn.

Riêng ở đồng bằng sông Cửu Long, những hệ lụy của biến đổi khí hậu là thiếu nước sản xuất nông nghiệp dẫn đến nhiều vùng nông dân phải thay đổi thời gian gieo sạ. Những ruộng gieo sạ đúng vụ thì gặp hạn kéo dài, ruộng cây bị chết, sau đó chờ có nước mới gieo trồng lại đã gây thiệt hại về công sá và chi phí đầu tư.

Tất cả 13 tỉnh thành đều phải lùi thời vụ chính như HT và TĐ từ 20 ngày cho đến trên 1 tháng. Những vùng bị nước mặn xâm nhập cũng phải lùi thời vụ, chờ có nước mưa đủ để rửa mặn mới dám gieo sạ. Đấy là nói về cây lúa, còn các loại cây ăn trái như xoài, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, măng cụt và bưởi… nhiều vùng không có nước ngọt để tưới. Sử dụng nước nhiễm mặn để tưới đã làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và ra hoa kết trái, dẫn đến làm giảm năng suất và sức khỏe lâu dài của vườn cây.

Cũng có vùng người dân không có nước ngọt dùng cho sinh hoạt, phải đi mua nước ngọt từ các vùng xa để dùng, làm cho cuộc sống đã khó khăn càng thêm vất vả. Đứng trước tình hình như vậy ta cần làm những gì để các vụ sau, năm sau vượt qua được các trở ngại như vậy?

1/ Nước ngọt là nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và sinh hoạt. Về lĩnh vực này, ta cần kết hợp giữa việc xây dựng các công trình thủy lợi của Nhà nước với các biện pháp linh hoạt của từng nông hộ và đặc biệt là hoạt động của từng thôn, xã. Vì biện pháp gieo sạ lúa hay các cây hoa màu khác cần phải tiến hành đồng loạt, ít ra là một vùng hay tối thiểu là 1 xã cùng làm thì mới có thể tránh được các dịch hại do chim chuột hay sâu bệnh phá hại. Dầu vậy, nỗ lực từng hộ trong việc đắp bờ, tu bổ cống bọng để giữ nước ngọt, ngăn mặn cũng là biện pháp rất cần thiết. Những vùng có nước mặn xâm nhập thì nhất thiết phải theo dõi độ mặn, chờ có mưa rửa mặn xuống còn dưới 1 – 2 phần nghìn ổn định mới tiến hành gieo sạ và cũng nên thực hiện đồng loạt.

2/ Với các loại cây ăn trái: Trong những tháng mùa mưa cần chú ý bồi bùn vào gốc cây, đắp thêm đất vào luống hay gốc cây, cuối mùa mưa cần bón thêm phân hữu cơ các loại, bón thêm vôi và silic. Những nơi có điều kiện mua phân Đầu Trâu phèn mặn thì bón mỗi gốc 2 – 3kg, lấp đất, sau đó bón thêm phân NPK có chứa tỷ lệ NPK thích hợp kết hợp với vi lượng đặc biệt là chất kẽm (Zn) để cây khỏe, chống hạn tốt, bộ rễ phát triển và đâm lên lớp đất mới bồi đắp, để phòng khi nước mặn dâng cao cũng không tiếp cận được đến bộ rễ mới. Khi chuẩn bị vào mùa khô cần dùng các loại tàn dư thực vật, lá cây, mùn cưa, trấu để tủ 1 lớp dày vào quanh gốc, chừa phần gốc lại khoảng 20cm mỗi bên. Làm như vậy cũng góp phần giữ cho đất có độ ẩm đủ để cung cấp nước cho cây. Đồng thời để giảm bớt nước bốc hơi qua lá, bà con cần mạnh dạn tỉa bỏ các cành cây vô hiệu, các cành bị sâu bệnh và cành tược, làm cho tán lá thông thoáng và giảm bớt thoát bốc hơi nước.

3/ Với nước ngọt dùng để sinh hoạt và hổ trợ tưới cho cây trong khi gặp hạn kéo dài: Mùa khô năm 2016, ở Bến Tre, nhiều vùng bị mặn xâm nhập sâu vào đất liền, kéo dài nhiều tháng mà không hề có mưa. Một số vùng ven biển của Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang cũng lâm vào tình trạng thiếu nước ngọt để sinh hoạt chưa nói là để tưới cho hoa màu hay cây ăn trái. Một số biện pháp có thể hỗ trợ là:

– Sử dụng các loại dụng cụ đựng nước có thể có để trữ nước ngọt.

– Có thể mua, hay hai 3 hộ chung nhau mua thiết bị biến nước mặn thành nước ngọt để dùng cho ăn uống. Được biết ở Bến Tre có nông dân Phạm Kim Quang, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách sau một thời gian mày mò đã chế ra được thiết bị loại này, máy có công suất tạo ra 400 lít nước ngọt từ nguồn nước mặn trong 1 giờ. Nếu cho máy làm việc trong vòng 8 giờ thì 1 ngày sẽ có 3.200 lít nước ngọt.

Được biết giá cả chỉ có 30 triệu đồng. Các hộ không có điều kiện kinh tế để mua cả máy có thể chia sẻ với các hộ khác cũng góp phần vượt qua khó khăn trong những tình huống hạn, mặn kéo dài. Trong năm qua chương trình hỗ trợ gia đình khó khăn, neo đơn, cũng đã cung cấp cho một số gia đình các thiết bị biến nước mặn thành nước ngọt, bà con có thể hỏi mua để sử dụng.

Một trong những biện pháp quan trọng nhất là, tạo nguồn nước ngọt tưới cho cây ăn trái hay các luống rau nhỏ. Về lĩnh vực này có nhiều cách:

– Những hộ có đều kiện kinh tế và diện tích cây ăn trái lớn nên dùng công nghệ tưới nhỏ giọt để tưới cho cây. Khi thiếu nước, chỉ cần giữ cho cây có độ ẩm tối thiểu để vượt qua thời kỳ hạn mặn cũng là biện pháp rất hữu hiệu.

– Có thể sử dụng công nghệ mới đó là dùng thiết bị bơm điện có từ trường để biến nước mặn thành nước ngọt tưới cho cây. Công nghệ này hiện các nước Trung Đông, nơi có khí hậu khô cằn, nước ngọt rất hiếm mà nước ngầm lại bị nhiễm mặn đang sử dụng. Công nghệ này khá đơn giản: Chỉ có một cái bơm, nhưng chiếc bơm này được thiết kế đặc biệt, khi dòng nước mặn đi qua máy bơm thì nước mặn đó bị từ trường tạo ra thế oxy hóa khử cực mạnh, biến các muối thành loại vật chất khoáng như là các chất dinh dưỡng cung cấp cho cây, cây trở nên tươi tốt, năng suất cao. Công nghệ trên đã xử lý nước ngầm có độ mặn 9,8 phần nghìn tưới cho lúa mì, khoai tây, đại mạch, ngô, cà chua, các loại rau, các loại cây ăn trái như oliu, quýt đã cho năng suất cao hơn so với đối chứng rất rõ. Hiện ở Việt Nam đã có chủ sở hữu phát minh này. Nếu hộ nào muốn tiên phong thử áp dụng có thể liên lạc với TS Nguyễn Phúc Tuân theo số điện thoại: 0981207695.

– Trường hợp quá khó khăn bà con có thể dùng vôi xử lý nước mặn rồi tưới cho cây, cứ khoảng 50gr vôi hòa vào 8 – 10 lít nước mặn (tùy độ mặn), khuấy đều, chất Ca sẽ đẩy Na ra ngoài, làm giảm độ mặn, tưới cho cây cũng khắc phục được trường hợp cây quá thiếu nước.

GS. Mai Văn Quyền

Nguồn: