Đại biểu Quốc hội: Tội phạm môi trường chỉ xử tối đa 7 năm tù là không thỏa đáng

ThienNhien.Net – Đại biểu Quốc hội Sóc Trăng đề nghị tăng mức hình phạt và tăng mức xử tù đối với tội phạm môi trường gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 26/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Góp ý tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Thể – Sóc Trăng nêu vấn đề  hiện nay các tội phạm liên quan đến môi trường thường phạm vi ảnh hưởng rất lớn, ảnh hưởng cả cộng đồng và ảnh hưởng có thể gây bức xúc, gây điểm nóng trong xã hội. Do đó, đại biểu Thể cho rằng muốn phát triển bền vững thì phải đặc biệt quan tâm đến môi trường. Tuy nhiên, xem Chương XIX về môi trường có 12 điều, ông Thể thấy các hình thức xử phạt không mang tính răn đe.

271016-hopqh
Đại biểu Nguyễn Văn Thể – Sóc Trăng phát biểu tại hội trường ngày 26/10

“Tội gây ô nhiễm môi trường có thể dẫn đến chết người mà không phải chết ngay tức thì mà cũng có thể chết lâu dài, 10 năm, 20 năm, do đó tội gây ra ô nhiễm môi trường tôi nghĩ rằng đây là tội rất nghiêm trọng”, đại biểu Nguyễn Văn Thể bày tỏ.

Như vậy một số sự cố về môi trường chúng ta thấy hậu quả không chỉ là con người mà kể cả môi trường sống lâu dài cho các thế hệ mai sau.

“Tuy nhiên, Điều 35 tội gây ra ô nhiễm môi trường hình phạt nặng nhất chỉ phạt 10 tỷ đồng và 7 năm tù. Tôi nghĩ như thế chưa thỏa đáng, bởi lẽ mình không có khung giới hạn bao nhiêu, có nghĩa gây bao nhiêu ô nhiễm môi trường cũng tối đa chỉ có 7 năm và 10 tỷ đồng”, đại biểu Thể nói.

Do đó, ông Thể đề nghị nghiên cứu lại để làm sao tăng mức hình phạt và tăng mức xử tù để mang tính chất răn đe nếu không rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, vị đại biểu Sóc Trăng cũng góp ý về Điều 239 liên quan đến tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam.

“Chúng ta sản xuất, kinh doanh tạo ra ô nhiễm môi trường thì chúng ta chấp nhận. Tuy nhiên những đối tượng, những cá nhân mang chất thải từ nước ngoài đem về làm ô nhiễm môi trường Việt Nam thì chúng ta không được lợi gì về kinh tế mà chúng ta còn phải chịu hậu quả nghiêm trọng, giống nòi cũng như cộng đồng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đối với Điều 239 này thì hình phạt cao nhất vẫn là 2 tỷ đồng và 10 năm tù. Tôi nghĩ nếu như thế không khéo, nước ta trở thành bãi rác vì có thể nhập công nghệ lạc hậu, có thể nhập những chất thải các nước không cho phép xử lý ở nước người ta. Tôi nghĩ nên nghiên cứu và có thể nâng mức hình phạt lên 10 năm tù hay 20 năm tù”, đại biểu Thể kiến nghị.

Người dân mong muốn không mang rác thải về Việt Nam, do đó cần đưa hình phạt cao thì những người này sẽ không dám đem về Việt Nam. Đại biểu Thể cũng đề nghị nên nghiên cứu mức hình phạt làm sao cho tương xứng.

Cuối cùng, vị đại biểu Sóc Trăng góp ý Điều 193, liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, tội sản xuất buôn bán hàng giả, lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.

Đã là hàng giả, hàng kém chất lượng và ăn những thứ này chắc chắn lâu dài sẽ bị bệnh và cơ thể mình cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Tuy nhiên, tôi thấy ở Khoản 1, Điều 193 ghi người nào sản xuất và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì bị phạt tù từ 2 đến 5 năm tù.

Có nghĩa là ta phát hiện ra sản xuất hàng giả nhưng ta không phát hiện ra ai bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì chúng ta phạt chỉ có 2 đến 3 năm tù”, đại biểu tỉnh Sóc Trăng dẫn chứng.

Đại biểu Thể cho rằng quy định như vậy không đảm bảo mức răn đe. Việc sản xuất hàng giả, dù chưa bị phát hiện nhưng đã ảnh hưởng đến cộng đồng rất nghiêm trọng.

“Do đó, tôi đề nghị chỗ này cũng nên nâng  có thể 10 năm hay 15 năm để làm sao răn đe người ta sợ, người ta không dám sản xuất và như thế thì nó đảm bảo cộng đồng hơn”, đại biểu Nguyễn Văn Thể kiến nghị.