Hiệp định VPA/FLEGT: Về lâu dài sẽ có lợi cho các doanh nghiệp chế biến gỗ

ThienNhien.Net  – Mục tiêu đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT với EU là mở rộng thị trường xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU, thông qua việc Việt Nam cam kết xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) phục vụ việc cấp phép FLEGT cho sản phẩm gỗ XK sang thị trường này.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) thuộc Chương trình Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) (gọi tắt là VPA/FLEGT) của Việt Nam, đã cho biết như vậy khi trả lời PV TBTCO bên lề Hội thảo tham vấn quốc gia về Hiệp định VPA/FLEGT do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày 21/10 tại Hà Nội.

PV: Thưa ông, tiến trình đàm phán FVA/FLEGT đến thời điểm này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hà: Hiệp định VPA/FLEGT là hiệp định mà Việt Nam và châu Âu (EU) đã đàm phán nhiều năm nay. Đến nay, đoàn đàm phán Việt Nam do Bộ NN&PTNT chủ trì đã phối hợp với các bộ, ngành, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tiến hành 16 phiên đàm phán kỹ thuật, 8 phiên đàm phán cấp cao và hiện đã bước vào giai đoạn cuối cùng, chuẩn bị kết thúc đàm phán.

Tiến trình đám phán VPA giữa Việt Nam và EU tiến triển rất tốt, hai bên đã thống nhất những quan điểm cơ bản như giải quyết vấn đề về gỗ hợp pháp; kiểm soát gỗ nhập khẩu; xác minh cấp phép và đánh giá độc lập.

Đến ngày 18/11/2016 hai bên sẽ chính thức tuyên bố dừng đàm phán, tiếp theo là tiến trình ký tắt và sau đó sẽ có quá trình ký chính thức giữa hai bên và tiến trình thực hiện. Tóm lại, từ thời điểm tuyên bố kết thúc đàm phán cho đến khi đưa hệ thống này vào vận hành thực tế chắc chắn vẫn còn thời gian.

Việc kết thúc đàm phán và ký kết hiệp định mới là bước mở đầu, sau đó còn rất nhiều việc phải làm vì việc thay đổi thói quen ban đầu của người trồng và khai thác rừng hay khâu sản xuất… không phải đơn giản. Bởi vậy, hai bên cần phối hợp chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm hiệp định được thực thi đúng với các nội dung và mục tiêu đề ra.

“Tôi nghĩ rằng hiệp định VPA/FLEGT được ký kết thành công, về lâu dài có lợi hơn cho Việt Nam và các DN chế biến gỗ”.231016-flegtÔng Nguyễn Văn Hà

PV: Việc hoàn tất đàm phán VPA/FLEGT sẽ mang lại lợi ích gì cho ngành XK gỗ cũng như ngành Lâm nghiệp Việt Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hà: Thứ nhất, chúng ta đã cam kết với thế giới là bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với ngành Lâm nghiệp thì phải bảo vệ rừng tự nhiên và nâng độ che phủ của rừng…nhằm bảo vệ môi trường toàn cầu.

Mặc dù thời gian qua, chúng ta đã có nhiều biện pháp về pháp luật để ngăn chặn việc phá rừng nhưng vẫn chưa xử lý triệt để các vấn đề. Song theo tôi, cách tốt nhất là chúng ta cần phải có “biện pháp mềm”, các DN, hộ gia đình và người dân trong xã hội đều tự nguyện tham gia vào quá trình bảo vệ rừng, thể hiện qua việc tất cả các nguồn gốc gỗ đều được khai thác bền vững, hợp pháp.

Do đó, quá trình đàm phán này thành công sẽ tăng uy tín của Việt Nam trên thế giới, đồng thời sẽ giúp XK gỗ phát triển bởi DN bán gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Đàm phán này cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với thế giới là Việt Nam chống buôn lậu các nguồn gốc gỗ bất hợp pháp.

Tuy nhiên, khi thực hiện một hiệp định nào đó cũng có một chi phí nhất định, đồng nghĩa với DN cũng phải chịu thêm chi phí về thủ tục hành chính như làm đơn xin cấp phép… Tuy nhiên cái lợi lớn hơn đối với DN, là nếu có giấy phép FLEGT, DN XK sang thị trường EU sẽ không phải giải trình nguồn gốc gỗ và không phải mất thêm chi phí ở EU.

Tôi cho rằng đây là nguồn lợi lớn và cũng phù hợp với xu thế thế giới là công khai, minh bạch, rõ ràng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng hiệp định VPA/FLEGT ký kết, về lâu dài sẽ rất có lợi  cho Việt Nam và các DN chế biến gỗ .

PV: Theo ông, Nhà nước cần có giải pháp gì để vận động các DN, người dân tham gia mạnh mẽ vào vấn đề thực thi hiệp định này và để các DN XK gỗ xem đây là cơ hội thực sự ?

Ông Nguyễn Văn Hà: Mục tiêu đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT với EU là mở rộng thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU, thông qua việc Việt Nam cam kết xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), phục vụ việc cấp phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ XK sang EU.

Đồng thời, các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT này sẽ không phải làm trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp theo Quy chế gỗ của EU (EUTR 995/2010) có hiệu lực từ tháng 3/2013.

Nhận thức pháp luật là một quá trình. Ngày 18/11/2016, chúng tôi mới tuyên bố kết thúc đàm phán, sau đó sẽ tăng cường tuyền truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng dưới nhiều hình thức cho người dân, các DN, tổ chức xã hội đều hợp tác để cùng thực hiện hiệp định này.

Để người dân biết và hiểu rõ hiệp định, nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể. Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ có những văn bản hướng dẫn, các tiêu chí rõ ràng, minh bạch, đồng thời kêu gọi người dân tham gia rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng dưới nhiều hình thức để mọi người nắm rõ quy định của EU và nhằm đảm bảo hệ thống của chúng ta sau khi đàm phán được thực thi trên thực tế.

PV: Vì sao ông cho rằng việc thực hiện hiệp định này sẽ hạn chế tình trạng phá rừng và khai thác rừng bất hợp pháp hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Hà: Việc tham gia hiệp định này là phải truy xuất xác minh được nguồn gốc của gỗ. Vì vậy, việc nhập khẩu gỗ từ các nước không có nguồn gốc sẽ bị kiểm soát và  không được đưa vào chuỗi cung để XK. Đặc biệt ở Việt Nam, nếu khai thác trộm rừng tự nhiên cũng không thể đưa vào chuỗi cung, do đó không thể XK…

Bên cạnh đó, việc thực thi hiệp định này cũng khuyến khích quản lý rừng bền vững, yêu cầu người dân phải có sở hữu đất đai rõ ràng, lúc đó người dân sẽ có trách nhiệm với từng lô đất của mình để có nguồn gốc gỗ hợp pháp. Chắc chắn hiệp định VPA/FLEGT cũng sẽ khuyến khích mọi người tham gia vào tiến trình này và Việt Nam rất có lợi.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, giấy phép FLEGT chỉ được các quốc gia đã kết thúc đàm phán Hiệp định VPA với EU cấp. Hiện nay, có 9 quốc gia đang đàm phán hiệp định này với EU, trong đó có 6 quốc gia đã kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định gồm Indonesia, Leberia, Congo, Ghana, Cameron, Cộng hòa Trung Phi. Trong số các quốc gia nêu trên, Indonesia là quốc gia đầu tiên có lô hàng được cấp giấy phép FLEGT vào ngày 15/11 tới. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng vì điều đó có nghĩa là gỗ từ Indonesia là hợp pháp. Việt Nam cũng nhập khẩu gỗ từ Indonesia để sản xuất hàng xuất khẩu hợp pháp vào thị trường EU không cần giải trình về nguồn gốc gỗ.