“Đồng loạt làm thủy điện là một sai lầm lớn”

ThienNhien.Net – Vụ việc mới đây thủy điện Hố Hô (Hương Khê, Hà Tĩnh) xả lũ góp phần làm cho tình cảnh người dân vùng lũ càng thêm khốn khổ đang khiến dư luận có nhiều bức xúc.

GS. TS Vũ Trọng Hồng
GS. TS Vũ Trọng Hồng

Để trả lời cho những câu hỏi như: Trong vụ việc này, trách nhiệm các bên như thế nào? Nguyên nhân sâu xa của sự cố ra sao hay đâu là giải pháp lâu dài để không tái diễn các vụ việc tương tự…, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với GS. TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT.

Ông có đánh giá như thế nào về trách nhiệm của các bên trong vụ việc xả lũ tại thủy điện Hố Hô mới đây?

Hố Hô là thủy điện nhỏ, vốn đã có khá nhiều rủi ro, trong khi đó lại chưa có quy trình nào rõ ràng cho việc xả lũ nên DN vin cớ là đã xả lũ đúng quy trình khi có thông báo xong mới tiến hành xả. Bao nhiêu hậu quả người dân phải gánh chịu. Tuy nhiên, trong vụ việc này cũng không thể hoàn toàn đổ hết trách nhiệm cho đơn vị xả lũ. Bởi, nếu không xả lũ để vỡ đập thì mức độ còn nguy hiểm hơn nhiều. Ở chừng mực nhất định, có thể xem xét, thông cảm với DN.

Ở một góc độ khác có thể thấy, nếu đặt ra quy trình, thủy điện trước khi xả lũ phải báo trước cho người dân khoảng 2 ngày thì đơn vị xả lũ phải được đơn vị dự báo khí tượng thủy văn thông báo trước từ 7-10 ngày, đặc biệt là thông báo về tình hình lũ lớn bao nhiêu, lượng nước như thế nào… Khi nhận được thông báo sớm, thủy điện bắt đầu xả nước sớm, cửa van nhỏ nên phải xả từ từ. Ví dụ, muốn hạ mức nước xuống 1m, thủy điện phải xả mất 1 ngày. Tương đương đó, muốn hạ 10m nước thời gian xả là 10 ngày. Trường hợp gấp rút muốn xả nhanh, mở van lớn có thể gây vỡ đập. Tuy nhiên, đối với thủy điện Hố Hô, do không được báo trước, khi lũ đến, dung tích thủy điện không chứa nổi nên buộc phải xả tràn để cứu đập.

Hố Hô chỉ là một trong nhiều vụ “lùm xùm” đã diễn ra liên quan tới việc xả lũ trong mùa lũ làm người dân thêm khốn khó. Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn gốc sâu xa bắt nguồn từ sai lầm trong quy hoạch khi phát triển quá nóng các thủy điện quy mô nhỏ, dẫn tới khó quản lý và gây ra nhiều hệ lụy. Quan điểm của ông như thế nào?

Tôi cũng cho rằng, khi có vụ việc xảy ra, không thể hoàn toàn đổ lỗi cho DN làm thủy điện. Lỗi ở đây bắt nguồn từ quy hoạch. Chưa có một đất nước nào phát triển thủy điện nhanh như Việt Nam, quy hoạch hàng nghìn thủy điện chỉ trong vòng 20 năm. Xây dựng thủy điện lẽ ra phải cân nhắc rất kỹ xem vùng hạ du dùng nước như thế nào. Những tỉnh, thành có sông suối cùng đồng khởi làm thủy điện là sai lầm quá lớn và bây giờ phải khắc phục hậu quả.

Từ trước tới nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ tập trung làm các thủy điện lớn, còn thủy điện nhỏ để cho các DN, thậm chí là DN tư nhân tham gia. Hiện nay, thủy điện lớn chiếm chưa đến 10% trên tổng số thủy điện của cả nước, còn lại là hàng trăm thủy điện nhỏ. Điển hình như riêng tại Quảng Nam đã có tới 40 thủy điện nhỏ. Những việc đó làm cho khâu phê duyệt quy trình xả lũ tại các thủy điện trở nên phức tạp.

Thủy Điện Hố Hô xả lũ vào ngày 17-10 mức 150m3/s Ảnh: S.T
Thủy Điện Hố Hô xả lũ vào ngày 17-10 mức 150m3/s Ảnh: S.T

Theo ông, về lâu dài có nên “xóa sổ” các thủy điện nhỏ?

Rõ ràng, các thủy điện nhỏ thì không nên phát triển mới nữa. Ở nhiều nước trên thế giới, điển hình như ở Mỹ, thủy điện nhỏ như Hố Hô không làm để đóng góp điện năng mà chủ yếu là phục vụ điện sinh hoạt trong xóm thậm chí gia đình nhằm mục đích chạy máy móc, thắp sáng… Hiện nay, một số địa phương như Ninh Thuận cũng không làm thủy điện nhỏ nữa mà chuyển sang làm hồ chứa.

Quan trọng nhất lúc này là đối với những thủy điện nhỏ đã hoàn thành, đang hoạt động, Chính phủ cũng nên có hướng giải quyết, giúp dự án nhanh chóng hoàn vốn, sau khi hoàn vốn thì cho dừng hoạt động, xóa bỏ thủy điện. Đây là cách làm đã được áp dụng tại Mỹ, thậm chí Mỹ còn xóa bỏ cả thủy điện quy mô vừa.

Xóa bỏ các thủy điện nhỏ là “câu chuyện” lâu dài, vậy trước mắt, xin ông cho biết, đâu là giải pháp khả thi kiểm soát tốt hoạt động của hàng trăm thủy điện nhỏ, tránh tiếp diễn tình trạng như tại thủy điện Hố Hô vừa qua mỗi mùa lũ tới?

Theo tôi, Nhà nước cần phải thường xuyên rà soát lại hệ thống thủy điện nhỏ xem đã vận hành đến đâu, rủi ro như thế nào để có giải pháp ứng phó kịp thời chứ không thể lơ là như hiện nay. Thực tế, tuổi thọ của các thủy điện nhỏ khá thấp.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải có chính sách hỗ trợ, chia sẻ rủi ro cùng DN. Thủy điện nhỏ cũng coi là DN nhỏ nên cũng phải có chính sách để được hưởng ưu đãi nhất định vì trước đây đã để cho hình thức này phát triển. Ví dụ như, nếu yêu cầu thủy điện xả gấp dẫn tới không còn nguồn nước thì sau đó Nhà nước phải có chính sách giảm thuế hoặc hỗ trợ kéo dài thời hạn vay vốn cho DN để DN từ từ hoàn vốn đầu tư ban đầu…

Bộ Công Thương là đơn vị trực tiếp quản lý hệ thống thủy điện. Trách nhiệm của Bộ Công Thương cần được củng cố như thế nào trong vấn đề quản lý hoạt động của thủy điện nhỏ, thưa ông?

Hiện nay, mặc dù là đơn vị trực tiếp quản lý hệ thống thủy điện, song Bộ Công Thương thực chất không có chuyên gia giỏi trong vấn đề khí tượng thủy văn hay quy trình xả lũ. Để không lặp lại sự việc như tại thủy điện Hố Hô, Bộ Công Thương cần chủ động rà soát, đánh giá, lập các trạm thủy văn tại các địa điểm cần thiết chứ không thể trông chờ, ỷ lại vào hệ thống dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, Bộ Công Thương không hề đầu tư vấn đề này.

Việc rà soát các hồ thủy điện phải được tiến hành trước mùa lũ, đồng thời có quá trình tuyên truyền, giảng dạy cho đơn vị quản lý các thủy điện về quy trình ứng phó khẩn cấp trong mùa lũ thế nào, mức độ xả ra sao cho phù hợp… Việc này có thể được tiến hành thông qua việc, Bộ Công Thương chủ động, tích cực mở các khóa đào tạo, mời chuyên gia có kinh nghiệm về thủy lợi, hồ chứa tham gia giảng dạy.

Ngoài cấp Nhà nước, ông có cho rằng, các địa phương cũng không thể lơ là trong công tác quản lý các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn cũng như tăng cường diễn tập nâng cao khả năng ứng phó cho người dân trong mùa mưa lũ?

Theo tôi, cấp địa phương cũng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là Ban chỉ huy phòng chống lụt bão ở địa phương phải tham gia phê duyệt quy trình ứng phó khẩn cấp xả lũ hồ đập và bảo vệ nhân dân. Khi lũ dâng thì thủy điện phải mở cửa nào, đóng cửa nào cho khỏi vỡ đập mà vẫn bảo vệ được người dân hạ du…

Cấp tỉnh cũng phải tiến hành mở lớp giảng dạy, đào tạo, mời chuyên gia đi kiểm tra hồ đập. Địa phương phải xây dựng được bản đồ ngập lụt, gắn mốc cảnh báo để mỗi khi lũ về hoặc thủy điện xả lũ người dân biết phải chạy trú lên vùng nào trên mực cảnh báo. Việc tổ chức diễn tập cho người dân ứng phó với các tình huống khẩn cấp cũng rất quan trọng. Nếu đã rà soát hồ đập, xây dựng bản đồ ngập lụt và được diễn tập trước, khi lũ tràn về chỉ cần được báo trước 1 tiếng là người dân có thể chạy kịp, đảm bảo an toàn cho bản thân, dù khó bảo toàn tài sản.

Xin cảm ơn ông!