Nỗi đau điện và rừng

ThienNhien.Net – Đã có bao nhiêu hecta rừng đầu nguồn bị phá cho một công trình thủy điện? Con số ấy là không nhỏ, theo các dẫn chứng sau đây.

Thủy điện Sông Bung 2 xảy ra sự cố khiến 2 người mất tích
Thủy điện Sông Bung 2 xảy ra sự cố khiến 2 người mất tích (Ảnh: Lao Động)

Trong tất cả các phê duyệt về tác động môi trường đối với một dự án thủy điện đều quy định chủ đầu tư sẽ phải trồng lại một diện tích rừng tương đương. Tuy nhiên, hầu như từ trước đến nay chưa thấy công trình nào báo cáo minh bạch việc này, cũng chưa thấy các bộ – ngành hữu quan hay địa phương nào kiểm tra, thông báo cụ thể. Thành ra, việc mất hàng chục triệu hecta rừng như thông tin vừa qua trên các báo là dĩ nhiên.

Để biết được có bao nhiêu hecta rừng đầu nguồn bị phá để làm thủy điện, chúng ta hãy xem các con số biết nói: Khi xây dựng nhà máy thủy điện Trà Xom (Bình Định), 633,7 ha diện rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu và đất rừng nằm trên địa bàn 2 xã Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) biến mất. Thủy điện Tiên Thuận cũng lấy đi của huyện Tây Sơn 90 ha rừng đầu nguồn; đó là chưa kể các thủy điện khác như Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5. Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh từng nói với báo chí: “Hiếm có một con sông nào lại phải gánh đến hơn chục công trình thủy điện như sông Kôn. Sự chen chúc của những công trình thủy điện này đã làm dòng sông biến dạng. Những cánh rừng nguyên sinh đầu nguồn cũng bị xóa sổ”…

Tại tỉnh Phú Yên, hiện có 3 thủy điện lớn là Sông Hinh, Sông Ba Hạ và Krông H’Năng với tổng công suất 354 MW. Để làm các thủy điện này, tỉnh mất hơn 10.000 ha đất, trong đó phần lớn là đất rừng và rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết: “Qua giám sát, chúng tôi nhận thấy diện tích rừng mà các chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh thủy điện trồng lại là không đáng kể so với tổng diện tích rừng đã mất để thực hiện dự án thủy điện”.

Trong khi đó, đầu năm 2016, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam thông tin từ khi triển khai xây dựng thủy điện đến nay, hơn 7.650 ha rừng đã bị thu hồi, cho thuê và chuyển đổi để đầu tư 22 công trình thủy điện trên địa bàn. Trong tất cả các báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng đều nêu việc trồng bồi hoàn rừng bị mất khi xây dựng công trình thủy điện nhưng thời gian qua, nhiều đơn vị vẫn chưa thực hiện. Chẳng lẽ… huề cả làng!?

Vậy là, để có thủy điện, bằng mọi giá để có thủy điện, hàng triệu hecta rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ đã bị xóa sổ. Được điện thì mất rừng và mất nhiều hơn thế. Lụt lội, lũ quét, sạt lở từ sông đến biển, môi trường sống bị thay đổi, ô nhiễm… là những hậu quả tiếp theo và lâu dài trên đất nước này mà chưa thấy ai chịu trách nhiệm! Nghiêm trọng nữa là mất rừng, hàng triệu đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, dọc Trường Sơn sẽ khốn khó bội phần. Người Cơtu, Êđê, Bana… từ xưa đã có một triết lý sống rất nhân văn: Hễ trước khi đốn hạ một cây rừng để làm nhà, họ phải trồng một cây khác để thay thế. Họ trả lại rừng những gì mà họ lấy đi, như một lẽ công bằng. Còn chúng ta, vì lợi ích trước mắt, đã phá đi không thương tiếc những cánh rừng bạt ngàn mà không hề cảm thấy mắc nợ. Liệu chúng ta có văn minh hơn không?…