Thị trường ngà voi nội địa hợp pháp đang “dung túng” cho thị trường chợ đen

ThienNhien.Net – Trong Ngày Quốc tế bảo tồn Voi 12/08 vừa qua, Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới bỏ phiếu ủng hộ việc đóng cửa các thị trường ngà voi nội địa hợp pháp vào Hội nghị lần thứ 17 các bên tham gia Công ước CITES, sẽ diễn ra vào tháng 9 tại Johannesburg. Đây là sự kiện quốc tế lớn nhất về buôn bán động vật hoang dã, thu hút hàng ngàn đại biểu tham gia tranh luận về các phương thức điều chỉnh thương mại quốc tế.

310816_thitruongngavoi

Săn trộm voi lấy ngà vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với quần thể voi hoang dã. Trong giai đoạn 2010-2012, ước tính có khoảng 33.000 con voi đã bị giết mỗi năm. Năm 1979, Châu Phi có hơn 1,3 triệu cá thể voi, nhưng nay chỉ còn lại khoảng 400.000 con.

Hiện nay mua ngà voi có được coi là hợp pháp hay không là tùy theo pháp luật và quy định ở mỗi quốc gia. Một số quốc gia vẫn cho phép buôn bán ngà voi trong nước, trong khi những nước khác lại ban hành chính sách nghiêm ngặt, cấm hoàn toàn việc buôn bán này. Mặc dù việc buôn bán ngà voi quốc tế bị cấm, vẫn có một số ngoại lệ như buôn bán ngà cổ.

Tại sao hoạt động mua bán ngà voi vẫn diễn ra hợp pháp trong khi hàng nghìn con voi bị giết hại để đáp ứng nhu cầu về ngà voi ở thị trường châu Á? Nhu cầu về ngà voi là nguyên nhân chính dẫn đến nạn săn trộm voi và hiện Trung Quốc được thống kê là quốc gia tiêu thụ ngà voi trái phép lớn nhất thế giới. Trớ trêu thay, chính quyết định cho phép bán ngà voi của Công ước CITES nhằm đáp ứng nhu cầu ngà voi nội địa ở Trung Quốc đã khiến nhu cầu về ngà voi tăng vọt và tạo cơ hội cho thị trường chợ đen phát triển. Lần theo các hoạt động buôn bán này, EIA đã vạch trần phương thức tiêu thụ ngà voi bất hợp pháp và khẳng định, 90% ngà voi sẵn bán tại Trung Quốc xuất phát từ các nguồn trái phép. Đây là một trong những lý do khiến EIA ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn việc buôn bán ngà voi nội địa.

Mầu xanh là các quốc gia ủng hộ đóng cửa thị trường ngà voi nội địa. (Ảnh: Chinadialogue)
Mầu xanh là các quốc gia ủng hộ đóng cửa thị trường ngà voi nội địa. (Ảnh: Chinadialogue)

Hội nghị CITES sắp tới là chính cơ hội lớn cho các chính phủ trên thế giới đoàn kết ủng hộ đóng cửa thị trường ngà voi nội địa tại  Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào và nhiều quốc gia khác.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều là thành viên hoặc bên tham gia Công ước CITES. Mỗi bên tham gia Công ước CITES cho dù là một nước nghèo, ít tài nguyên hay là một cường quốc đều có phiếu bầu như nhau. Trong Hội nghị lần thứ 17 các bên tham gia Công ước CITES, 10 quốc gia có nhiều voi ở cả bốn vùng châu Phi – Đông, Tây, Nam và Trung Phi – đã đệ trình đề xuất kêu gọi đóng cửa thị trường ngà voi hợp pháp nội địa. Hơn 80% các quốc gia có voi sinh sống ở châu Phi cũng ủng hộ việc đóng cửa thị trường ngà voi nội địa.

Tuy nhiên, là một trong những thị trường xuất khẩu ngà voi lớn nhất thế giới và bỏ phiếu với tư cách là một khối duy nhất trong cuộc họp CITES, EU có thể phản đối đề xuất này. EU có thể sẽ chỉ ủng hộ đóng cửa thị trường ngà voi trong nước ở những nơi ngà voi trái phép được tuồn vào thị trường hợp pháp, hoặc khi thương mại hợp pháp làm tăng nhu cầu ngà voi trái phép. Nếu vậy, đây quả thực là điều đáng tiếc vì EU có thể đóng vai trò đi đầu trong nỗ lực đóng cửa thị trường ngà voi trên toàn cầu và góp phần thay đổi cho số phận những con voi đang bị đe dọa.

Liệu các thị trường nội địa có thể đóng cửa?

Ấn Độ đã từng có một thị trường ngà voi nội địa hợp pháp rất lớn. Ngà voi từng được người tiêu dùng Ấn Độ coi trọng, coi là món quà tốt lành, sử dụng để chế tác các đồ vật có ý nghĩa tôn giáo và trang sức cưới. Nhưng khi nhận thức được những tác động của việc buôn bán ngà voi, chính phủ Ấn Độ đã quyết định cấm hoàn toàn việc buôn bán ngà voi.

Tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết dừng buôn bán ngà voi trong nước. Gần đây, Mỹ đã công bố lệnh cấm gần như hoàn toàn buôn bán ngà voi nội địa. Trung Quốc vẫn chưa thực hiện tốt lời cam kết nhưng khẳng định cuối năm nay sẽ công bố khung thời gian thực hiện.