Trả lại bản chất du lịch sinh thái

ThienNhien.Net – Từ nhiều năm trở lại đây, tấm biển “du lịch sinh thái” đã được trưng lên khắp nơi, từ vài ao câu ven đô cho đến những nẻo miệt vườn, sâu tít trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên cả nước. Du lịch sinh thái được phổ cập và phát triển theo kiểu “nhà nhà làm du lịch”, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thiên nhiên, môi trường và làm sai lệch bản chất của du lịch sinh thái (DLST).

Theo Hiệp hội du lịch sinh thái quốc tế, DLST là loại hình du lịch có trách nhiệm tới các khu vực tự nhiên với mục đích hướng đến bảo vệ môi trường, giữ gìn đời sống của người dân địa phương, có các hoạt động diễn giải và giáo dục, trong đó, hoạt động giáo dục bao hàm cả cho những người thực hiện và du khách.

Hai khía cạnh quan trọng của DLST là môi trường và cộng đồng. Theo đó, DLST phải mang lại kết quả tích cực cho môi trường, góp phần vào bảo vệ, giữ gìn những giá trị của thiên nhiên. DLST cũng phải giúp cho người dân địa phương được hưởng lợi, giúp đời sống và văn hóa của họ không bị thương mại hóa hoặc thay đổi do các tác động từ hoạt động du lịch.

Tuy nhiên, trái với mục đích và ý nghĩa tốt đẹp của loại hình du lịch đặc biệt này, thực tế DLST tại Việt Nam phần lớn mang tính “dán nhãn”, thậm chí không khác du lịch đại trà là mấy. Ngoài mảng xanh do thiên nhiên ban tặng, giá trị gia tăng từ chữ “sinh thái” không có là bao. Quanh đi quẩn lại vẫn là bê tông hóa cảnh quan, mở rộng đường ô tô vào sâu trong rừng, nhà hàng đặc sản, dịch vụ giải trí… như bao nhiêu khu khác. Đó là chưa kể đến những tác động tiêu cực về mặt môi trường, xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tập tục của người dân địa phương.

Khu đất ngập nước Vân Long (Ảnh: PanNature)
Khu đất ngập nước Vân Long (Ảnh: PanNature)

Một tệ nạn khác nữa là các nhà hàng gần khu DLST thường phục vụ thói quen ẩm thực rất phản cảm của du khách nội địa với các món thiên hướng “đặc sản thú rừng”. Báo chí đã không ít lần phản ánh về việc nhiều nhà hàng bán thịt động vật hoang dã ngay dọc lối vào vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Thậm chí, những chốn tôn nghiêm như Chùa Hương cũng không tránh khỏi nạn thịt thú rừng. Không chỉ gây mất mĩ quan và tâm lý phản cảm, tệ nạn này còn góp phần tận diệt những quần thể động vật hoang dã tại nơi trú ngụ cuối cùng của chúng!

Điều đáng nói là không ít vườn quốc gia hiện nay phát triển rầm rộ mảng DLST, thậm chí nhiều vườn còn lập riêng ra Trung tâm hoặc Ban DLST rồi phát triển đơn vị này thành đơn vị kinh doanh riêng. Gần đây, nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu tính toán đầu tư vào mảnh kinh doanh này ở các khu vực còn lưu giữ nhiều giá trị thiên nhiên, đặc biệt kể từ khi có chính sách cho thuê rừng và dịch vụ môi trường rừng. Các khu resort “sinh thái” vì thế mọc lên như nấm ở ven bìa rừng nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn.

Có thể nói, với các hình thức DLST “trá hình”, việc trải nghiệm thiên nhiên, thế giới hoang dã và nhu cầu tận hưởng cái đẹp đang được giản tiện tối đa với sự góp sức của tiền bạc và công nghệ. Đặc biệt, gần đây, mốt cáp treo cũng phát triển nở rộ nhằm hỗ trợ cho sự lười biếng, ít vận động của con người.

Dễ nhận thấy hệ quả của lối phát triển thương mại hóa, tầm thường hóa DLST là những giá trị của thiên nhiên ban tặng dần bị mai một. Tác động từ DLST được phổ biến ở hầu hết mọi nơi: rác thải, phá hoại cảnh quan, vặt hái, mua bán cây cối, sản vật, di vật… và tất cả đã “góp phần” làm dị dạng nơi lẽ ra phải được giữ gìn để phục vụ cho mục đích của bản thân ngành du lịch.

Nếu đánh giá một cách khắt khe từ khía cạnh tác động lên môi trường, sinh thái cũng như cuộc sống của người dân địa phương thì hầu hết các dự án hiện nay không thể gán nhãn “sinh thái”. Thay vì đại trà hóa, những bên thực sự mong muốn phát triển DLST cần nhìn vào bản chất của loại hình du lịch này và đầu tư một cách nghiêm túc. Hãy nhìn vào những quốc gia bên cạnh chúng ta như Lào, Thái Lan để học hỏi. Xa hơn chút là Bhutan với tầm nhìn xây dựng ngành công nghiệp không khói phục vụ sự thịnh vượng của đất nước!

Các nguyên tắc của DLST

  • Giảm thiểu các tác động vật lý, xã hội, hành vi và tâm lý.
  • Hình thành thái độ tôn trọng và nhận thức về môi trường, văn hóa.
  • Mang lại trải nghiệm tích cực cho cả du khách và cộng đồng sở tại.
  • Mang lại các lợi ích kinh tế phục vụ bảo tồn thiên nhiên.
  • Tạo ra lợi ích kinh tế cho cả người dân địa phương và khu vực doanh nghiệp.
  • Cung cấp trải nghiệm đáng nhớ cho du khách thông qua các hình thức hướng dẫn diễn giải nhằm giúp họ hiểu được tính nhạy cảm về chính trị, môi trường và xã hội của quốc gia sở tại.
  • Thiết kế, xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng ít tác động lên môi trường.
  • Ghi nhận quyền và tín ngưỡng của người bản địa; hợp tác với các cộng đồng này để trao quyền cho họ.

Hiệp hội du lịch sinh thái quốc tế, 2015 (www.ecotourism.org)