FDI chuyển dịch dòng vốn vào ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên

ThienNhien.Net – Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường ngày 24-8 cho thấy, FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường như: Luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm…

Cá chết gây thiệt hại nặng cho người dân miền Trung
Cá chết gây thiệt hại nặng cho người dân miền Trung

Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết Khu vực FDI hiện đóng vai trò đầu tàu xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 71% xuất khẩu và 59% nhập khẩu của Việt Nam. FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường như: Luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm…

Chính vì vậy đã gây nên những tác hại rất lớn đối với môi trường, ví dụ: Xả thải của công ty Miwon, sự cố biển do Formosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung, khói bụi ô nhiễm của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhà máy giấy gây ô nhiễm ở Hậu Giang… Đặc biệt, sự cố môi trường biển miền Trung tháng 4 vừa qua diễn ra trên diện rộng, gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài; đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, làm muối, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch; làm xáo trộn, gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân.

Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng những hạn chế của Việt Nam về các quy chuẩn kỹ thuật để tuồn những công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên, thâm dụng năng lượng và lao động nhằm tối đa hoá lợi nhuận.

Theo Bộ Tài nguyên- Môi trường, tính đến nay, cả nước có 283 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó chỉ có 212 khu công nghiệp đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 75%. Đồng thời, 615 cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có khoảng hơn 5% đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn lại hoặc tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường, dẫn đến nước thải không đạt yêu cầu quy chuẩn Việt Nam. Nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường.

Bộ Tài nguyên- Môi tường nhân định môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ phát triển kinh tế – xã hội trong nước, theo dòng thương mại quốc tế và tác động xuyên biên giới.