Đà Nẵng gồng mình chống ô nhiễm – Bài cuối

Bài cuối: Thở chung với nhà máy

ThienNhien.Net – “Thử hỏi có nơi nào nhà máy công nghiệp nặng lại nằm ngay trong khu dân cư (KDC) chung với người người dân như ở đây không?”-ông Phan Văn Thanh, Trưởng thôn Vân Dương (xã Hòa Liên, H. Hòa Vang), đặt câu hỏi. Theo lời ông, hơn 300 hộ dân của thôn sống bao quanh các nhà máy liên tục bị tra tấn về tiếng ồn, bụi, khói. Xe chở phế liệu về liên tục, mỗi lần thả container xuống tạo âm thanh ầm ĩ, khói bụi tràn ra KDC.

“Chúng tôi kiến nghị nhiều lần, TP cũng giải tỏa dân sát nhà máy, tạo khoảng cách vành đai từ 50-100 m. Nhà máy thép hứa trồng cây xanh trên đất đó làm vùng đệm nhưng chưa thấy họ trồng”- ông Thanh chia sẻ. Còn ông Huỳnh Văn Tân-Chủ tịch HĐQT Cty thép Dana Ý cho biết, hiện còn một số hộ dân chưa di dời, giải tỏa nên DN chưa thể tiến hành trồng cây xanh.

Nhà máy thép Dana Úc sát với KDC.
Nhà máy thép Dana Úc sát với KDC.

Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng cho biết, theo qui định 2 nhà máy thép phải cách KDC 500m, tuy nhiên thực tế thì Nhà máy thép Dana Úc, Dana Ý không có cách ly, tường rào sát nhà dân. Trước thực trạng đó, TP đã cho chủ trương, vừa rồi 2 DN này tự bỏ tiền ra giải tỏa vành đai quanh nhà máy với diện tích khoảng 6,3 ha. Diện tích này chỉ dùng trồng cây xanh, tạo vùng đệm cách ly KDC. Để đảm bảo qui định cách KDC 500m thì 2 nhà máy này phải giải tỏa vành đai diện tích hơn 100 ha nữa. Tuy vậy theo Luật qui định, khi có địa hình che chắn thuận lợi, hoặc có biện pháp xử lý chất độc hại đảm bảo thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để giảm bớt kích thước cách ly KDC. Vì thế, ông Hùng cho biết trước hết đề nghị 2 nhà máy thép này phải hoàn chỉnh trồng cây xanh cách ly, trong đó có tính các biện pháp kỹ thuật công nghệ cao như hàng rào cách âm. Bên cạnh đó, 2 nhà máy phải tiến hành thu gom bụi bằng các túi vải. Đây được coi là các giải pháp trước mắt, nếu triển khai rồi vẫn còn ô nhiễm sẽ tính các giải pháp kế tiếp…

Bên cạnh các nhà máy trong KDC thì tại Đà Nẵng cũng còn hàng trăm cơ sở sản xuất gây ảnh hưởng môi trường xen kẽ trong KDC. Bí thư Q.Thanh Khê Lê Minh Trung cho biết, trên địa bàn quận hiện có trên 50 cơ sở kinh doanh phế liệu trong khi đó Q. Cẩm Lệ có hơn 250 cơ sở sản xuất trong KDC.

Đau đầu với rác thải rắn

Mỗi ngày đô thị Đà Nẵng thải ra hơn 700 tấn rác thải rắn, hơn 90% số đó được chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Với tốc độ rác tăng khoảng 10%/năm thì chưa đầy 4 năm nữa, bãi rác rộng hơn 30ha này bị lấp đầy. Sở dĩ số rác ít ỏi, khoảng 50 tấn/ngày buộc phải xử lý mới chôn lấp gồm rác thải công nghiệp nguy hại và rác thải y tế được TP giao cho Cty Cổ phần môi trường Việt Nam xử lý, tuy nhiên từ đầu năm đến nay Cty này dừng xử lý vì công nghệ không đảm bảo. Mặt khác, mỗi ngày bãi rác Khánh Sơn rỉ ra khoảng 300m3 nước thải, được chuyển cho Cty Quốc Việt xử lý trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, do các hồ đã đầy, nước rỉ không có thời gian lưu, công nghệ xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả nên có nhiều lúc nước rỉ xả ra môi trường, gây ô nhiễm cho người dân trong khu vực, đặc biệt là thủ phạm gây ô nhiễm kênh Phú Lộc. Giám đốc Sở TN&MT Lê Quang Nam cũng thừa nhận công nghệ của Cty Quốc Việt đã xuống cấp, hiện nay Cty triển khai các giải pháp tạm thời như phun chế phẩm, rải vôi để khắc phục mùi hôi. Để xử lý tình trạng này cần  đầu tư xây dựng trạm xử lý nước rỉ mới với công suất 500m3/ngày đêm, với công nghệ mới, kinh phí khoảng 79 tỷ đồng.

 Hơn 90% rác thải rắn của Đà Nẵng hiện đang được chôn lấp ở Khánh Sơn.
Hơn 90% rác thải rắn của Đà Nẵng hiện đang được chôn lấp ở Khánh Sơn.

Từ bài học ở bãi rác Khánh Sơn, về lâu dài, TP đang cấp bách đầu tư xây dựng Khu liên hiệp xử lý rác thải rắn rộng 100 ha ở Hòa Nhơn. Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, bãi rác Khánh Sơn bây giờ chỉ còn 1 hộc để chôn lấp, sẽ hết công suất trong 4 năm nữa. Mà việc chôn lấp sẽ ảnh hưởng đến nước sinh hoạt khiến người dân thường xuyên kêu ca. Các giải pháp ở Khánh Sơn vừa rồi cũng chỉ là trước mắt, về lâu dài phải có một khu xử lý chất thải rắn khác. Với Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn 100 ha ở Hòa Nhơn, Bí thư Nguyễn Xuân Anh cho biết sẽ làm đúng qui định, khoảng cách KDC, có vùng đệm trồng cây, đặc biệt đánh giá tác động môi trường hết sức chặt chẽ. Riêng về công nghệ, TP sẽ đấu giá, chọn công nghệ tốt nhất, trong đó phần lớn rác thải rắn phải qua xử lý chứ không phải chôn lấp như hiện tại.

Đà Nẵng được đánh giá là thành phố xanh sạch đẹp. Điều mà lãnh đạo TP luôn lo lắng là môi trường bị phá vỡ, bởi như đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh từng nói, Đà Nẵng mà mất môi trường là mất hết. Nhưng nay, môi trường Đà Nẵng đang đứng trước nhiều thách thức, việc xử lý các điểm ô nhiễm cũ đã khó, không để phát sinh điểm ô nhiễm mới trong quá trình phát triển của đô thị càng khó hơn. Chưa bao giờ người dân chờ đợi quyết tâm đầu tư, xử lý ô nhiễm môi trường của TP lớn như bây giờ.