Đà Nẵng gồng mình chống ô nhiễm – Bài 2

Bài 2: Sống trong sợ hãi

ThienNhien.Net – Bụi bặm, ô nhiễm nguồn nước, ruộng đồng bị bồi đắp và thon thót với những tiếng nổ mìn… Đó là những gì người dân ở  thôn có tới 9 mỏ đất đá với ngàn hàng chuyến xe ben quần thảo mỗi ngày đang phải gánh chịu.

Bài 1: Xẻ núi, gọt đồi nham nhở

Bao giờ tới ngày xưa?

Chỉ tay ra dãy núi trước mặt, ông Đinh Ngọc Ngô (60 tuổi, thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang), nói: “Trên đó có một con suối rất đẹp, gọi là Suối Mơ, thuở nhỏ tui hay cùng đám bạn lên đó chơi. Nước trong vắt, không khí trong lành, khung cảnh thanh bình lắm. Nhưng bây giờ chỉ còn là ký ức thôi”. Theo dòng hồi tưởng của ông Ngô, khoảng 15 năm trước, cuộc sống người dân trong thôn an lành lắm, bước xuống ruộng còn bắt được con cá con cua, nước thì cứ múc dưới giếng lên là uống được. Bây giờ thì cua, cá nào sống nổi khi mấy cái mỏ đá khai thác đá thải ra biết bao nhiêu hóa chất mỗi ngày? Sợ nói suông không đủ sức thuyết phục, ông Ngô dẫn tôi ra giếng nước sau nhà, múc lên 1 gàu, nói: “Chú ngửi thử đi, có dám uống không? Vậy mà nhà tui phải cắn răng uống mỗi ngày. Làng trên xóm dưới người ta có nước sạch hết, còn cái thôn này cứ bảo chờ giải tỏa, chờ đến bao giờ không biết nữa”.

Sống ở Phước Thuận mấy chục năm qua, ông Ngô hiểu rõ từng khe suối, vạt cây, mảnh ruộng. Tất cả những gì thuộc về thung lũng này đã đi vào ký ức ông cùng bao dân làng. Xưa, nó thanh bình, yên ả, môi trường trong lành. Thế rồi, người ta mang máy móc đến khoan núi, đánh mìn, từng đoàn xe rầm rập ra vào thôn trên con đường độc đạo khói bụi mịt mù. Ông Ngô than vãn: “Sáng nay, tôi dắt con bò qua đường thôn chỉ rộng mấy mét mà 15 phút không xong. Cứ chiếc xe này vào, chiếc xe kia ra, lớp lớp nối tiếp”. Chưa dứt lời, bỗng một tiếng nổ lớn từ trong núi phát ra. “Đấy, trưa nào chẳng thế, cứ 11 rưỡi mìn phá đá lại nổ. Khách nơi khác tới, không quen, cứ giật mình thon thót chú ạ”-ông Ngô phân bua.

Ông Ngô cho biết nước giếng bị ô nhiễm nhưng vẫn phải dùng sinh hoạt.
Ông Ngô cho biết nước giếng bị ô nhiễm nhưng vẫn phải dùng sinh hoạt.
Bà Bốn trước đám ruộng nhà mình bị bồi lấp không thể sản xuất được.
Bà Bốn trước đám ruộng nhà mình bị bồi lấp không thể sản xuất được.

Khổ đủ đường

Trò chuyện với chúng tôi, bà Hà Thị Bốn (55 tuổi), than vãn: nhà có 3,5 sào ruộng, bị đất, đá bồi đắp từ chục năm nay không trồng cấy gì được. Kiến nghị mãi, mấy Cty khai thác đá mới chịu hỗ trợ, được 2,4 triệu đồng/năm, mà cũng chỉ được 3 năm nay. Các con bà phải phiêu dạt đi làm thợ hồ, vá xe ngoài phố để mưu sinh. 4 đứa con, khi đi hiến máu nhân đạo mới phát hiện bị viêm gan B. Rồi bà nói, không hiểu sao trong thôn gần đây nhiều người phát bệnh, chết trẻ quá. Cứ hít bụi, uống nước này, sớm muộn cũng mang bệnh… Trong lúc đang chuyện trò với bà Bốn thì chị hàng xóm Đặng Thị Bé đi vào, bực tức ca cẩm: “Theo cam kết từ 11 rưỡi trưa đến 1 rưỡi chiều xe ben phải ngừng chạy để cho dân nghỉ ngơi, thế mà trưa nay nó cứ chạy ầm ầm. Xót mấy đứa con đang chơi đùa ngoài sân hít phải bụi, tui vác thang ra chắn ngang đường, ai dè lái xe nó cán gãy thang luôn. Bực quá, tui tiếp tục mang ghế nhựa ra rải ngang đường, bắt xe ben nó dừng lại để… đền cái thang. Tội là tội đám nhỏ, nó hít biết bao nhiêu bụi si-líc”…

Những ngày này tới Phước Thuận, cảnh tượng dễ bắt gặp nhất là nhà nhà khoan giếng. Để có nguồn nước phục vụ sinh hoạt, mỗi hộ dân phải bỏ ra 3 triệu đồng cho một mũi khoan, song không phải gia đình nào cũng may mắn khoan gặp mạch nước. Điều đáng nói, hệ thống cấp nước sạch đã được kéo về thôn từ 4 tháng nay song nước thì vẫn không có một giọt. Hạn, khát, nhiều gia đình phải chạy quanh trong thôn tới những nhà may mắn có giếng khoan để gánh nước về sinh hoạt. Không ít ngày, người dân phải nghỉ làm để đi gánh nước về phục vụ gia đình. Chủ tịch xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát nói, tuy có đường ống dẫn nước sạch về, song nước yếu không thể đẩy tới thôn được, phải chờ xây trạm trung chuyển. Ông Phát cũng cho biết, toàn xã có gần 30 ha ruộng đồng bị bồi lấp do khai thác đất đá không sản xuất được đẩy người dân vào tình trạng khó khăn. Trước thực trạng đó, ông Phát cho biết TP sẽ làm đường công vụ để dành vận chuyển đất đá khai thác từ các mỏ, không để ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân. Về lâu dài, TP sẽ di dời hơn 100 hộ dân ở Phước Thuận để biến cả khu vực trong thôn thành khu công nghiệp khai thác mỏ. Tuy vậy, đến khi nào di dời thì ông Phát không trả lời được.