Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh

ThienNhien.Net –  Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mục tiêu mà Quy hoạch đặt ra là phấn đấu đưa công nghiệp, thương mại Tuyến phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, góp phần nâng cao tỷ trọng của ngành công nghiệp – thương mại trong cơ cấu kinh tế; tạo công ăn việc làm, giải quyết vấn đề xã hội và nâng cao mức thu nhập bình quân của người dân trong khu vực.

Cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2020 về giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 14,5% – 15,5%/năm, giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 14,0% – 15,0%/năm.

Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016 – 2020 đạt khoảng 17,5% -18,5%/năm, giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 18,5% -19,5%.

Định hướng phát triển đối với ngành công nghiệp tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như: công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, năng lượng, chế biến nông, lâm, thủy sản và sản xuất vật liệu xây dựng.

Phát triển một số dự án quy mô lớn tại các khu công nghiệp đã được thành lập để hình thành mối liên kết trong sản xuất theo mô hình các công ty vệ tinh, kết hợp với kêu gọi đầu tư các dự án chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị tăng thêm của ngành và gắn sản xuất với vùng nguyên liệu.

Đối với ngành thương mại, phát triển hệ thống hạ tầng thương mại một cách hợp lý để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Trong đó tập trung phát triển hệ thống kho, bãi, chợ đầu mối, chợ bán buôn để liên kết hình thành mạng lưới sản xuất và phân phối hàng hóa một cách đồng bộ.

Giải pháp ngắn hạn và dài hạn

Quyết định nêu rõ, đối với giải pháp ngắn hạn, tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu cụm công nghiệp và hạ tầng thương mại nhằm đáp ứng yêu cầu của phát triển. Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn nhằm đảm bảo cung cầu một cách hợp lý. Đồng thời kết hợp chặt chẽ sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí và gắn sản xuất với cung ứng nguồn nguyên liệu.

Tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ, tổ chức phân phối hàng hóa một cách hợp lý và có cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành dịch vụ vận tải, kho bãi, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu vực.

Về dài hạn, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thông thoáng trong đầu tư và trong các hoạt động thương mại. Đổi mới công tác điều phối vùng để phát huy được lợi thế của từng địa phương và nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư.

Tập trung nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường bao gồm cả thị trường đầu vào và thị trường đầu ra kết hợp với xây dựng, sửa đổi cơ chế phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại.