Việt Nam là một trong những thị trường ngà voi bất hợp pháp lớn nhất thế giới

ThienNhien.Net – Theo báo cáo mới được tổ chức Save the Elephants, một tổ chức của Anh có trụ sở tại Nairobi, công bố, các hoạt động mua bán ngà voi đã tăng gấp hơn 6 lần kể từ năm 2008 cho đến năm 2015. Riêng các sản phẩm từ ngà voi bất hợp pháp của Việt Nam tăng mạnh nhất trong số các ngành công nghiệp ngà voi tại Châu Á.

Hầu hết ngà voi tại Việt Nam đều nhập lậu từ Châu Phi. (Ảnh: Mongabay)
Hầu hết ngà voi tại Việt Nam đều nhập lậu từ Châu Phi. (Ảnh: Mongabay)

Theo báo cáo, điều tra các đường dây buôn bán ngà voi, cửa hàng, làng nghề và thợ thủ công tại Việt Nam cho thấy nguồn nguyên liệu chính tại đây là ngà voi buôn lậu từ Châu Phi. Một số khác được vận chuyển qua Lào, Campuchia và Thái Lan.

Một khảo sát vào năm 2008 chỉ ra rằng có ít nhất 17 thợ chạm khác ngà voi tại Việt Nam, nhưng các nhà nghiên cứu ước tính con số đã tăng ít nhất 10 lần kể từ năm 2008. Song song với đó, số lượng cửa hàng ước chừng tăng gấp gần 3 lần.

Theo tác giả, điểm mấu chốt là sự mở rộng buôn bán ngà voi tại các ngôi làng phía nam Hà Nội. Lượng khách du lịch Châu Á đến miền Trung Tây Nguyên gia tăng khiến nhu cầu ngà voi cũng đồng thời tăng mạnh. Kinh doanh ngà voi từ đó bùng nổ và trở thành mối lời nhanh gọn cho người dân địa phương. Hầu hết người bán hàng thậm chí không phân biệt được sản phẩm ngà voi hợp pháp hay bất hợp pháp. Hơn thế nữa, những đầu mối buôn lậu ngà voi Trung Quốc đã dần chuyển sang các thị trường tại Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc vừa thắt chặt lệnh cấm buôn bán ngà voi.

Ngà voi lậu nguyên chiếc có thể được nhanh chóng chế tác thành nhiều chiếc vòng tay, vòng cổ hay các loại trang sức khác và vận chuyển một cách dễ dàng. (Ảnh: Save the Elephants)
Ngà voi lậu nguyên chiếc có thể được nhanh chóng chế tác thành nhiều chiếc vòng tay, vòng cổ hay các loại trang sức khác và vận chuyển một cách dễ dàng. (Ảnh: Save the Elephants)

Ngà voi lậu nguyên chiếc có thể được nhanh chóng chế tác thành nhiều chiếc vòng tay, vòng cổ hay các loại trang sức khác và vận chuyển một cách dễ dàng. Với chi phí nhân công và máy móc thấp (mỗi thợ thủ công kiếm khoảng 260USD/tháng), các sản phẩm từ ngà voi có giá thành rẻ, hấp dẫn hơn đối với khách hàng Trung Quốc. Theo báo cáo, ¾ người mua đến từ quốc gia này.

Luật pháp Việt Nam cấm mọi hoạt động buôn bán các sản phẩm từ voi hoang dã. Thế nhưng vẫn còn tồn tại một quy định cho phép buôn bán các sản phẩm ngà voi được chế tác trước năm 1992. Lỗ hổng chính sách này đã làm giảm hiệu quả thực thi pháp luật, và tất nhiên, khiến Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia nhập khẩu ngà voi bất hợp pháp lớn nhất.

Chỉ mới đây, tháng 7/2015, bộ đội biên phòng Việt Nam đã bắt giữ một xe tải chở 387 kg ngà voi từ Campuchia qua Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên. Sau đó 1 tháng, thêm 583 kg ngà voi từ Mozambique bị thu giữ tại Cảng Đà Nẵng.

Việc thực thi pháp luật còn chưa hiệu quả tại Việt Nam và Trung Quốc chính là nguyên nhân khiến hoạt động buôn lậu ngà voi ngày càng mở rộng và số phận những con voi tại Châu Phi tiếp tục đi vào bế tắc. Ông Ianin Douglas-Hamilton, Sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành tổ chức Save the Elephants khẳng định, tổ chức cần phải hợp tác cùng các chính phủ để ngăn chặn mở rộng các thị trường như ở Việt Nam, như những thành công đã đạt được tại Mỹ, Hồng Kông hay cam kết cấp thủ tướng mới đây tại Trung Quốc.