Ký sự chuyển nước Mê Kông

ThienNhien.Net – Nhắc đến Mê Kông dễ thường chỉ liên tưởng đến câu chuyện phát triển thủy điện ở Lào và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hạn hán như hiện nay, những đại dự án chuyển nước ở Thái Lan và Campuchia cũng rất đáng quan ngại bởi nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ khu vực ĐBSCL của Việt Nam.

Chuyện ghi ở Thái Lan

Klang là một ngôi làng cổ 400 tuổi ở huyện Chiang Khan, tỉnh Loei, Thái Lan. Ngôi làng có hơn 1.000 cư dân, nằm cạnh cửa sông Loei, nơi nối phụ lưu với dòng chính sông Mê Kông. Vốn nổi tiếng là một điểm đến thanh bình cho du khách nhưng nếu tới làng trong thời gian gần đây, hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy những biểu ngữ treo đầy trước cửa nhà người dân với khẩu hiệu: “Ở đây không cần cửa nước Si Song Rak” hay “Người dân Klang không cần cửa nước Si Song Rak”.

Si Song Rak là tên một cửa nước dự kiến được xây dựng tại làng Klang. Đây là công trình nằm trong đại dự án đầy tham vọng mang tên Kông – Loei – Chi – Mun. Ngoài Si Song Rak, đại dự án tưới tiêu này còn dự định xây hệ thống đường hầm dẫn nước đấu nối trực tiếp với sông Loei qua cửa Si Song Rak.

Vốn là một nhánh của sông Mê Kông, sông Loei nằm uốn lượn như một dải lụa mỏng vắt ngang qua Klang. Tiếc là nó khó có thể giữ mãi được vẻ đẹp mềm mại như vốn có bởi sắp có một cuộc “đại phẫu” diễn ra nơi đây.

Theo Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan (RID), Dự án Kông – Loei – Chi – Mun dự kiến sẽ chuyển 4 tỉ mét khối nước mỗi năm từ sông Mê Kông qua cửa sông Loei để phục vụ hoạt động tưới tiêu của người Thái, thậm chí, có thông tin cho hay con số này có thể lên tới 40 tỷ mét khối mỗi năm. Theo đó, mặt sông Loei sẽ được mở rộng tới 450 mét, lòng sông nới đến 250 mét và bị đào sâu khoảng 5 mét dọc theo chiều dài gần 28 km của con sông.

Không chỉ tiến hành “đại phẫu” sông Loei, một kênh đào nhân tạo khác song song với sông cũng sẽ được xây dựng và chuyển nước vào 24 đường hầm dưới lòng sông, mỗi đường hầm có đường kính lên tới 10 mét và toàn bộ nguồn nước quý báu này sẽ được đổ về hồ chứa Huai Luang ở Nong Khai và hồ Ubol Rattana ở Khon Khaen, dự kiến cung cấp nước tưới cho khoảng 30 triệu rai tức gần 5 triệu ha ở 17 tỉnh, thành và 113 huyện của Thái Lan.

Tại sao người Klang phản đối dữ dội đại dự án này? Bởi sinh kế của họ chủ yếu dựa vào trồng ngô, trồng sắn (những loại cây trồng vốn không cần nhiều nước) và đánh bắt cá ven sông. Một khi cửa nước Si Song Rak mọc lên, người Klang lo ngại nguồn tôm, cá của họ sẽ bị ảnh hưởng và sinh kế của họ sẽ mai một.

Thêm điểm khiến người Klang bài trừ dự án là RID không hề thông báo về dự án tới họ mặc dù tài liệu giai đoạn I đã được công bố từ tháng 3/2016. Đặc biệt, người dân nơi đây cũng không được tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường với lý do RID đưa ra là số hộ trong bản dưới 500 nên theo pháp luật Thái Lan không cần tham vấn.

Trước những bất đồng khó có thể dung hòa, người dân Klang cho hay họ kiên quyết không rời khỏi làng dù tiền đền bù có cao đến đâu. Đó cũng là lý do tại sao họ in và treo nhiều khẩu hiệu phản đối đến thế. Công tác khảo sát dự án vì vậy hiện đang bị tạm ngưng.

… ở Campuchia

Không chỉ Thái Lan quyết tâm thực hiện đại dự án chuyển nước, Campuchia cũng đang dốc sức giải bài toán nước tưới cho quốc gia mình bằng những dự án lấy nước trực tiếp từ sông Mê Kông.

Cửa nước Dom Nak Prean thuộc huyện Koh Sotin, tỉnh Kampong Cham, Campuchia trông khá bắt bắt dưới cái nắng hè gay gắt. Dòng chảy lấp lánh phía sau cửa nước hoàn toàn đối lập với dải đất khô nứt nẻ ở phía trước. Dòng nước được bơm từ Preah Samdei, một nhánh của sông Mê Kông và tại cửa nước này, một cặp van điều tiết đã được thiết kế nhằm ngăn không cho dòng nước chảy ngược về sông Mê Kông. Nhờ đó, nước tự chảy từ Preah Samdei sang hồ Krapik, hồ có dung tích hoạt động 100 triệu mét khối. Trong mùa khô, nước từ hồ chảy qua hai kênh đào rộng 44 – 55 mét và sâu từ 18 – 25 mét rồi đổ về các tỉnh Kampong Cham, Prey Veng và Svay Reng.

Cửa nước Dom Nak Prean là một khâu quan trọng của Dự án Vaico – dự án tưới tiêu lớn nhất ở Campuchia. Theo ước tính, dự án này sẽ tiêu tốn 200 triệu USD từ nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc và tưới tiêu cho 300.000 ha lúa ở Kampong Cham, Prey Veng,  Svay Rieng.

Khi chúng tôi đến hồ chứa Krapik, lán trại của công nhân và các trang thiết bị xây dựng phục vụ dự án vẫn hiện hữu bờ kênh. Ông Charn Chan, 49 tuổi, một người dân địa phương được thuê làm nhân viên bảo vệ cho biết dự án đã đi vào hoạt động từ năm 2014.

Cũng giống như ở vùng đông bắc Thái Lan, Campuchia trồng lúa độc canh vào mùa mưa. Chính vì vậy, Chính phủ Campuchia đặt nhiều kỳ vọng rất nhiều vào Dự án Vaico, trong đó, riêng pha I đã tiêu tốn gần 100 triệu USD và ước tính sẽ tưới tiêu cho khoảng 108.300 ha lúa trong mùa mưa cùng 27.100 ha trong mùa khô. Điều này cũng có nghĩa là Campuchia canh tác được hai vụ lúa mỗi năm so với một vụ trước kia. Đây là bước vô cùng quan trọng để đất nước chùa tháp này hiện thực hóa tham vọng của Thủ tướng Hun Sen khi muốn biến Campuchia thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Kể từ năm 2003, với khẩu hiệu “chính phủ thủy nông”, ông Hun Sen đã nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn từ các cơ quan viện trợ quốc tế để khôi phục và xây dựng hệ thống thủy lợi ở Campuchia. Tới tháng 6/2014, thành tựu đạt được là 1 hồ chứa, 4 trạm bơm và 117 km kênh đào đã hoàn thành tại các tỉnh Takeo, Kampot và Kampong Thom.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), diện tích lúa hiện đang được tưới tiêu ở Campuchia là 261.000 ha và chỉ 16.700 ha có thể canh tác ba vụ mỗi năm. Tuy nhiên, trong 20 năm tới, con số này có thể tăng lên lần lượt là 378.000 ha và 21.100 ha. Đến năm 2019, Campuchia sẽ đầu tư vào 13 dự án thủy lợi.

Mặc dù chất chứa nhiều tham vọng và đã hoàn thiện nhiều hạng mục, trong đó có 117 km kênh đào, song đi dọc hai con kênh chính của Dự án Vaico, chúng tôi thấy mực nước trong kênh khá thấp, không đủ để chảy vào những ruộng lúa dọc bên bờ. Dường như cả hai con kênh đã khô hạn khá lâu.

Ông Son Rarit, 43 tuổi, một cảnh sát địa phương vùng Risengsay, huyện Sithor Kandal, tỉnh Prey Veng cho biết những con kênh chỉ có thể cung cấp nước tưới tiêu từ tháng Tám đến tháng Hai năm sau. Ông thở dài nói: “Trời không mưa nhiều tháng rồi. Con kênh cũng không giúp được gì nhiều. Chúng tôi vẫn phải canh tác một vụ như trước kia!”.

300716_mekong1
Con kênh chính của Dự án Vaico cạn trơ đáy (Ảnh: Nhật Anh)

… và mối quan ngại đối với ĐBSCL

Nhóm chuyên gia về Mê Kông của Việt Nam đều đồng thuận cho rằng các dự án chuyển nước trong khu vực chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ĐBSCL, thậm chí, ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo ông Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia quản lý nguồn nước, việc chuyển nước từ sông Mê Kông thông qua hệ thống kênh dẫn chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới ĐBSCL, ngay cả trong mùa mưa. Thậm chí, tác động tích lũy còn nghiêm trọng hơn nếu Thái Lan chuyển nước từ phụ lưu sông Mê Kông tới các hồ chứa và nếu Thái Lan cùng Campuchia quyết tâm lấy nước trong mùa khô.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Cựu Trưởng nhóm đánh giá tác động môi trường đối với các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông thì lo ngại về vấn đề phù sa đối với ĐBSCL. Theo ông, các đập thủy điện ở thượng nguồn cùng các dự án chuyển dòng ở Mê Kông chắc chắn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ĐBSCL bởi ngoài nước, dòng Mê Kông còn mang lại hàng triệu tấn phù sa cho ĐBSCL. Phù sa vốn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và tạo cốt nền đất của vùng đồng bằng, do đó, nếu các đập và hồ chứa chặn dòng chảy, lượng phù sa cũng bị chặn lại và vùng ĐBSCL sẽ chìm dần.

Cùng chung mối quan ngại, ông Kỷ Quang Vinh, Trưởng Văn phòng Biến đổi khí hậu Cần Thơ chia sẻ: El Nino là một trong những lý do gây ra hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong năm nay. Tuy nhiên, các đập thủy điện và các dự án tưới tiêu cũng là những nhân tố quan trọng. Trong nhiều năm qua, các nước Tiểu vùng Mê Kông mở rộng chỉ sử dụng nước theo nhu cầu riêng mà không hề đếm xỉa tới các nước láng giềng. Điều quan trọng là lợi ích từ sông Mê Kông phải được chia sẻ công bằng trong cả lưu vực, làm giảm bớt sự căng thẳng trong khu vực.

Theo ông Vinh, đã đến lúc cả sáu nước trong lưu vực sông Mê Kông cần phải ngồi lại cùng nhau để xây dựng một cơ chế quản lý nguồn nước sao cho quả. Đặc biệt, quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi kèm với trách nhiệm và nghĩa vụ dựa trên tinh thần hợp tác cùng nhau phát triển.

Chia sẻ thông tin và hợp tác cởi mở có lẽ là giải pháp quan trọng nhất cần thúc đẩy nhằm giải quyết câu chuyện chuyển nước. Đây cũng là vấn đề được các chuyên gia thảo luận và nhấn mạnh tại Tọa đàm “Rủi ro tiềm ẩn từ các dự án chuyển nước Mê Kông đến ĐBSCL” vừa được Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức vào sáng 20/7/2016 tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Hồng Toàn, Chuyên gia Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, việc chia sẻ thông tin giữa các nước trong Ủy hội rất quan trọng trong câu chuyện chuyển nước. Mặc dù vậy, không thể chỉ dùng kênh Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) mà cần phải qua nhiều kênh hỗ trợ khác như ASEAN, chương trình hợp tác Việt Nam – Lào – Campuchia, sự tham gia của các tổ chức ngoài nhà nước… Hợp tác về nước phải được lồng ghép trong hợp tác tổng hợp nhiều lĩnh vực khác, trong đó có cả chính trị, kinh tế.

Đồng thuận trong quan điểm hợp tác, chia sẻ, ông Đào Trọng Tứ, Chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam khẳng định hợp tác xuyên quốc gia là không thể né tránh nếu muốn phát triển. Trong câu chuyện hợp tác tài nguyên nước, cần củng cố tiếng nói từ Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam (VNMC) mạnh mẽ hơn nữa, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát và chi phối thông qua Sáng kiến hợp tác Mê Kông – Lan Thương. Bên cạnh đó, cần tích cực hợp tác với các nước trong khu vực và đây là con đường duy nhất để cải thiện câu chuyện chuyển nước.

Trong các tháng đầu năm 2016, tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về ĐBSCL thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-40% nên mực nước các trạm chính đều ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Vùng cửa sông chịu ảnh hưởng từ xâm nhập mặn cao hơn, sớm hơn và sâu hơn cùng kỳ của mùa khô năm 2015 và so với trung bình nhiều năm.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho hay đợt hạn hán, xâm nhập mặn đầu năm nay đã khiến tổng diện tích trồng lúa bị thiệt hại trực tiếp tại ĐBSCL lên tới hơn 160.000 ha, trong đó, có hơn 86.000 ha thiệt hại trên 70% năng suất. Các tỉnh có diện tích bị ảnh hưởng nhiều nhất là Cà Mau với gần 50.000 ha; Kiên Giang với trên 34.000 ha; Bến Tre trên 13.000 ha; Bạc Liêu, Trà Vinh trên 11.000 ha. Các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Hậu Giang, Tiền Giang… cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.