Thẩm tra dự án luật: Vẫn nể nang, dễ dãi

ThienNhien.Net – Trong phiên thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 sáng 26-7, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thực tiễn cho thấy vẫn đang có quá nhiều bất cập cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cần có sự cải tiến điều hành linh hoạt trong thảo luận để có thể phát huy được tối đa trí tuệ của các ĐBQH
Cần có sự cải tiến điều hành linh hoạt trong thảo luận để có thể phát huy được tối đa trí tuệ của các ĐBQH

Chằng chịt những ràng buộc vô lý

Cũng theo ĐB Vũ Tiến Lộc, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư được ban hành tạo cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền tự do kinh doanh đã được hiến định. Song, nhiều quy định của pháp luật về doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh đang trong tình trạng “ông chẳng bà chuộc” về cách thức tiếp cận, chồng chéo về nội dung, thiếu tính đồng bộ và nhất quán, không tương thích, thiếu liên thông.

Qua rà soát bước đầu cho thấy, hiện ít nhất có 50 luật và khoảng 150 điều khoản trong các luật này cần được xem xét sửa đổi, đặc biệt là thủ tục về đầu tư đất đai, quy hoạch, môi trường, xây dựng. Đây thực sự đang là những  bức bách cần được tháo gỡ sớm để tạo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bước đầu mới xem xét trong phạm vi 12 luật đang có ảnh hưởng lớn đến kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ cũng đã thống nhất phải sửa đổi tới 58 điều quy định để đảm bảo tính minh bạch, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật,  tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”, luật chồng lên luật, bộ “lấn” lên địa phương.

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, môi trường kinh doanh còn chằng chịt những ràng buộc vô lý. Chỉ riêng danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện vừa được quy định tại Luật Đầu tư năm 2014, cộng đồng kinh doanh đã kiến nghị và các cơ quan chức năng đã thống nhất phải bãi bỏ ít nhất 70 ngành nghề và 10 ngành nghề khác phải được điều chỉnh cho phù hợp. Không ít trường hợp, người dân và doanh nghiệp, thậm chí cả cơ quan quản lý không biết đường nào mà lần, vì các luật khác nhau lại quy định khác nhau.

ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng, để không chậm chân, đạo luật về một luật sửa nhiều luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư, kinh doanh nên được đưa ra xem xét và thông qua ngay tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV vào cuối năm.

Đưa vào bằng được, chất lượng… tính sau?

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP. Đà Nẵng) phát biểu, thời gian qua, tiến độ trình dự án luật khá chậm, chất lượng chuẩn bị chưa tốt. Nguyên nhân chủ yếu do chủ quan nhưng vẫn chậm được khắc phục, phải chăng vì không có ai chịu trách nhiệm? Bên cạnh đó, việc lập dự kiến chương trình chưa sát thực tế, khả năng dự báo chưa cao, thiếu sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa các  cơ quan có liên quan trong quá trình soạn thảo một số dự án luật.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy kiến nghị, trường hợp  dự án luật, pháp lệnh trình không đúng thời hạn, tiến độ hoặc không đảm bảo chất lượng thì Quốc hội kiên quyết không đưa vào chương trình phiên họp thẩm tra, đồng thời sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan trình và cơ quan soạn thảo.“Về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2017, với 29 dự án luật, tôi đề nghị rà soát việc tuân thủ các quy định của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và cân đối quỹ thời gian để lựa chọn các dự án luật đưa vào chương trình cho sát với thực tế,  tránh tâm lý cứ đưa vào bằng được, còn việc xây dựng đến đâu, chất lượng thế nào thì tính sau” – ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đề xuất.

Còn theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận), liên quan đến sai sót của BLHS 2015, cần rút kinh nghiệm về cách thức làm luật, cần có sự cải tiến điều hành linh hoạt trong thảo luận để có thể phát huy được tối đa trí tuệ của các ĐBQH, nâng cao chất lượng xây dựng luật. ĐB Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) cũng thẳng thắn thừa nhận  vẫn còn tình trạng nể nang, dễ dãi trong tiếp nhận, thẩm tra dự án luật.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) “Cần xem xét trách nhiệm đối với ông Võ Kim Cự”
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) “Cần xem xét trách nhiệm đối với ông Võ Kim Cự”

Nói về việc ông Võ Kim Cự  – nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh được bầu vào Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV trong bối cảnh có nhiều ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông này về việc cấp phép cho Formosa, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng, phải có quy trình xem xét trách nhiệm đối với ông Võ Kim Cự.

“Hiện giờ chưa có quy trình nào được khởi động để xem xét trách nhiệm của ông Võ Kim Cự trong việc cấp phép cho Formosa. Do đó, ông ấy vẫn có quyền hoạt động bình thường trên những cương vị hiện có và việc ông Cự được bầu vào Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng là bình thường.Tuy nhiên, việc xem xét trách nhiệm của ông Võ Kim Cự trong vụ cấp phép cho Formosa là cần thiết, cũng để kết luận rõ ràng xem ông Cự có sai phạm hay không và nó có ảnh hưởng tới các cương vị hiện tại hay không. Việc xem xét trách nhiệm này không nên chậm trễ vì nếu chậm trễ có thể gây ra những dư luận bất lợi” – ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nói.

Trả lời về việc ông Võ Kim Cự có nên xin lỗi nhân dân miền Trung hay không sau sự cố do Formosa gây ra, ông Trương Trọng Nghĩa cho biết: “Cần phải có việc xem xét trách nhiệm đã, tuy nhiên, nếu là tôi thì tôi sẽ xin lỗi”.

ĐBQH Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên): Không thể ưu ái “con ông, cháu cha”
ĐBQH Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên): Không thể ưu ái “con ông, cháu cha”

“Cử tri mong muốn những người trong bộ máy lãnh đạo, Chính phủ và các cấp chính quyền phải thực sự là những người liêm chính, trong sạch, có tinh thần đấu tranh chống tham nhũng. Tức là bản thân các thành viên Chính phủ phải là người vô tư, trong sáng, có tinh thần đấu tranh mạnh mẽ thì nhân dân mới tin.

Một bộ máy liêm chính thì phải thể hiện trên cả góc độ con người, góc độ công việc. Như vậy, việc xem xét bổ nhiệm cán bộ phải đảm bảo tính vô tư, khách quan, công bằng, chứ không phải vì con ông này, cháu ông kia mà có sự ưu ái. Sự bố trí nào mà có ưu ái, không vô tư khách quan thì phải được xem xét, xử lý, phải bị loại bỏ.

Trường hợp cụ thể xung quanh vấn đề dư luận đưa về chuyện bổ nhiệm cán bộ của nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, những vấn đề mà báo chí nêu thì cơ quan chức năng cần nghiên cứu. Nếu ai đó có vi phạm pháp luật thì cũng phải xem xét, xử lý trách nhiệm, cho dù còn ở cương vị công tác hay không”.

Nguyễn Phan

 

Nguồn: