Băn khoăn tăng trưởng

ThienNhien.Net – Trong báo cáo của Chính phủ chuẩn bị trình ra Quốc hội, Chính phủ nhấn mạnh “phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra”. Đây là thông điệp mới nhất của Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng, trước những băn khoăn cho rằng khó đạt tốc độ như kỳ vọng.

Ảnh minh họa: Diễn đàn Doanh nghiệp
Ảnh minh họa: Diễn đàn Doanh nghiệp

Ngân hàng Thế giới (WB) kỳ vọng tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6%, giảm 0,2% so với nhận định của cơ quan này hồi đầu năm.

Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32% và thấp hơn mục tiêu cả năm 6,7%.

GDP đạt thấp, nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng. Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đều giảm. Riêng khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ là 6,35%, nhưng lại chưa có sự cải thiện mạnh mẽ.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng 6 tháng qua. Trong đó, phải kể đến như thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển; giá dầu giảm sâu và kéo dài. Khu vực dịch vụ mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước, nhưng nếu không có sự cố ô nhiễm môi trường biển gây cá chết hàng loạt tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch của 4 tỉnh miền Trung thì sẽ đóng góp thêm vào tăng trưởng khu vực này có thể đạt được tốc độ cao hơn.

Đây cũng là những lý do ngăn đà tăng trưởng của Việt Nam được WB nhắc đến.

Trong khó khăn đó, mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 5,52% là tích cực. Bởi có thể, nếu không có tác động xấu do nguyên nhân bất khả kháng nêu trên thì tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2016 cũng đạt mức tương đương cùng kỳ năm 2015.

Nỗ lực trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ đã có tác dụng, thúc đà tăng trưởng.

Vì sao nhiều ý kiến băn khoăn khó đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra? Gánh nặng dồn lên nửa cuối năm là rất lớn. Để đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%, 6 tháng cuối năm tăng trưởng GDP phải đạt 7,6%.

Dư địa vẫn còn. Những tháng đầu năm, nhiều dấu hiệu cho thấy đã có những cải thiện trong tổng cầu và sức mua của thị trường trong nước, tổng đầu tư toàn xã hội, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao, sự phục hồi của công nghiệp chế biến và tăng trưởng cao của khu vực dịch vụ,… Đây là những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn những tháng cuối năm.

Việc ký kết và thực hiện các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu. Mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang được thực hiện quyết liệt…

Những yếu tố thuận lợi nêu trên sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.

Có cái nhìn khả quan hơn, ADB dự báo Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng GDP 6,7% trong năm nay. Ngân hàng Thế giới trong tháng 6 vừa qua đã nhận định rằng Việt Nam và Philippines là 2 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao, sẽ góp phần bù đắp đà tăng trưởng chậm lại của các nước trong khu vực…

Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo đà tăng trưởng. Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020…

Nhiều mục tiêu cụ thể được đề ra như: Kiên quyết xóa bỏ các giấy phép về điều kiện kinh doanh (giấy phép con) không cần thiết; xây dựng khung pháp lý về đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh, góp phần nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh; Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh…

Chính phủ cũng đã chủ động xây dựng các kịch bản khác nhau về khả năng tăng trưởng và lạm phát trong 6 tháng cuối năm để có các giải pháp điều hành phù hợp trong mọi tình huống.

Dù còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng việc quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng như đã định của Chính phủ là có cơ sở.