ĐBSCL: Tìm giải pháp trước thách thức toàn cầu và khu vực

Kỳ 1: Dễ tổn thương như “vựa lúa quốc gia”

ThienNhien.Net – Trong khi những mối lo thời hội nhập TPP, AEC còn đang canh cánh, thì những mối đe dọa của biến đổi khí hậu và các đập thủy điện trên dòng Mê Kông đang ngày một khốc liệt. ĐBSCL như nằm trong “thế gọng kìm” với hàng loạt những khó khăn cần được nhanh chóng giải quyết…

Năm 2016, nông nghiệp Việt Nam lần đầu tiên tăng trưởng âm. Nó như một hệ lụy tất yếu minh chứng cho sự “dễ tổn thương” của một nền nông nghiệp với những bất cập nội tại lâu nay – vốn đã âm ỷ như một “quả bom” và chỉ chờ đến lúc “bùng nổ”…

Lỏng lẻo như… liên kết nông nghiệp

Đợt hạn mặn lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại khốc liệt đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của hàng triệu cư dân vùng ĐBSCL, khiến nền nông nghiệp lần đầu tiên tăng trưởng âm sau hơn 1 thập kỷ. Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nông – lâm – thủy sản trong nước giảm 0,18%.

Sự liên kết trong nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn còn rất lỏng lẻo (Ảnh: Thu hoạch lúa ở ĐBSCL).
Sự liên kết trong nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn còn rất lỏng lẻo (Ảnh: Thu hoạch lúa ở ĐBSCL).

Theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, ngoài yếu tố khách quan do thiên tai, còn có nguyên nhân chủ yếu do chất lượng các mặt hàng chủ lực như: Gạo, càphê, caosu… không cao; chuỗi giá trị bị đứt đoạn; thiếu thương hiệu có uy tín. Nền nông nghiệp đến nay vẫn thiên về chiều rộng hơn là chiều sâu, tập trung vào số lượng hơn là chất lượng, ở đó, cây lúa vẫn là chủ lực, trong khi giá gạo Việt Nam luôn “đội sổ” và liên tục giảm từ năm 2011 – 2014.

Đã mấy thập kỷ sau ngày đất nước đổi mới, nhưng đến nay, sản xuất nông nghiệp vẫn dựa trên quy mô nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết. Hiện nay, có 34,7% hộ sử dụng đất nông nghiệp dưới 0,2ha/hộ và đến 69% số hộ có quy mô dưới 0,5ha/hộ. Giáo sư Võ Tòng Xuân nêu thực trạng: Nông nghiệp hiện đại đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị, nhưng đến nay, chúng ta vẫn phát triển theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Nhà nước quy hoạch rồi bỏ mặc, nông dân tự do trồng và chặt, DN thì dựa vào thương lái, làm ăn chụp giựt, ép giá… Ông Phạm Thái Bình – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Cty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) – không ngần ngại nói thẳng: DN trong nước thường có gì bán nấy, đa phần chào bán những loại gạo khách hàng không cần, trong khi gạo khách hàng cần thì DN không có!

Yếu công nghệ, mãi nghèo trên “vựa lúa”

Lâu nay, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) được xem là yếu tố tiên quyết để hạ giá thành, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp. Thời hội nhập, vấn đề này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hơn. Nói như Giáo sư Võ Tòng Xuân thì sẽ chẳng ai quan tâm đến chuyện “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà họ chỉ chọn mua những sản phẩm rẻ nhất có chất lượng tốt nhất. Thực tiễn là vậy, nhưng đến nay, ứng dụng KHCN trong nông nghiệp ĐBSCL vẫn chỉ là… “điểm nghẽn”.

Theo báo cáo của Bộ KHCN trong năm 2015, cả nước có trên 33.000 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, có trên 93% là DN nhỏ và vừa, mức đầu tư của DN cho đổi mới KHCN chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trên tổng số doanh thu; 90% trong tổng số này có doanh thu dưới 10 tỉ đồng. Kết quả điều tra của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KHCN) cho thấy: Trong hơn 1.500 DN có hoạt động KHCN thì có 350 DN có tiềm năng phát triển thành DN KHCN, và trong số đó chỉ có 28 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (chỉ 8%).

Ông Nguyễn Văn Tốn – Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Nông thôn – Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Hiện nay, các sản phẩm nghiên cứu KHCN chuyển giao còn phân tán, thiếu tính đột phá và tính ứng dụng không cao. Số công bố quốc tế của Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Malaysia và 1/6 của Singapore. Nhiều công trình nghiên cứu khó chuyển giao kết quả ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, do đó, hàm lượng KHCN trong sản phẩm nông nghiệp thấp, hiệu quả không cao. Những so sánh đưa ra khiến người ta “giật mình” là Nhật Bản với chỉ 5% dân số làm nông nghiệp nhưng vẫn đủ cung cấp thực phẩm và xuất khẩu cho thế giới với chất lượng rất cao, giá trị gia tăng lớn. Trong khi ở Việt Nam có đến 70 – 80% dân số tham gia vào nông nghiệp, nhưng hiệu quả thì ngược lại. Còn tại Israel, đất nước có đến 70% diện tích là sa mạc, người nông dân trồng cà chua đạt năng suất đến 250 – 300 tấn/năm… Những sự khác biệt trên đều do ứng dụng KHCN tạo ra…