Than ế, ngành than lại “nguy cấp”

ThienNhien.Net – Dù đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại vào khai thác nhằm tăng hiệu suất, giảm lao động, nhưng lúc này TKV vẫn không tránh khỏi những khó khăn về chi phí cao.

Tình trạng kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản VN (TKV) đang tụt dốc do giá bán than trên thị trường giảm mạnh; nhu cầu tiêu thụ loại than chất lượng kém, chất lượng trung bình tăng cao làm dư thừa than chủng loại tốt; tồn kho lớn, gần 10 triệu tấn… khiến doanh thu, lợi nhuận của TKV sụt giảm nghiêm trọng.

Không cạnh tranh nổi với than nhập

Theo đó, các chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu của TKV trong 6 tháng đầu năm đều không đạt kế hoạch như: Doanh thu về than đạt 24.385 tỉ đồng (bằng 43% kế hoạch và bằng 90% so cùng kỳ); sản xuất khoáng sản đạt 38% kế hoạch về doanh thu; điện bán xấp xỉ 47% kế hoạch và bằng 87% so cùng kỳ… Đáng lưu ý là lượng than sạch tồn kho lớn do không tiêu thụ được là gần 10 triệu tấn (chưa kể số tồn than nguyên khai). Cho dù tổng doanh thu toàn tập đoàn trên 48.000 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ khiêm tốn… 150 tỉ đồng (bằng 15% chỉ tiêu và 12,8% so cùng thời điểm 2015), đã khiến TKV gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Như Báo Lao Động đã có nhiều bài viết phân tích, nêu ra thực trạng của ngành than, bởi căn nguyên tồn tại thành “hệ thống” mà không thể tháo gỡ khiến ngành than ngày càng bết bát và chồng chất thêm khó khăn. Yếu tố khiến tiêu thụ gặp khó khăn được TKV lý giải là do một số hộ sản xuất đạm gặp khó khăn về thị trường, một vài nhà máy điện gặp sự cố dẫn đến tiêu thụ giảm,nhiều nhà máy ximăng trong nước quay ra nhập khẩu than 100%.

Nguồn tin từ Cục Hải quan Quảng Ninh: Đến trung tuần tháng 6 này, các đơn vị nhập khẩu đã đưa về xấp xỉ trên 2 triệu tấn than từ các nước vào vùng biển Quảng Ninh, trong khi cả năm 2015 chỉ nhập là 1,4 triệu tấn. Rõ ràng, TKV không thể chống đỡ nổi khi nguồn than nhập khẩu dồi dào, giá thành rẻ so với giá bán của tập đoàn này rất nhiều. Một DN liên quan đến nhập khẩu than cho biết: “Chúng tôi đưa tàu về Quảng Ninh rồi cấp đến các nhà máy điện, xi măng giá luôn thấp hơn giá bán của TKV từ 200-300 ngàn đồng/tấn”.

Trong lần làm việc với Chính phủ mới đây, lãnh đạo TKV nêu ra những khó khăn như: Giá than trên thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu thụ của thị trường giảm mạnh; nhu cầu tiêu thụ loại than chất lượng kém, chất lượng trung bình tăng cao trong khi loại than chất lượng tốt, có giá thành cao bị tồn đọng lớn… đã ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của TKV. Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào trong sản xuất than tăng cao như điều kiện sản xuất xuống sâu, các loại phí và thuế tăng mạnh trong thời gian qua và tiếp tục tăng từ 1.7.2016 sắp tới cũng tạo nên áp lực giá thành hòn than… Do không bán được than, TKV đã thực hiện các giải pháp trước mắt như điều chỉnh giảm sản xuất, giảm chi phí, tiết giảm lao động…

Dù đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại vào khai thác nhằm tăng hiệu suất, giảm lao động, nhưng lúc này TKV vẫn không tránh khỏi những khó khăn về chi phí cao.
Dù đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại vào khai thác nhằm tăng hiệu suất, giảm lao động, nhưng lúc này TKV vẫn không tránh khỏi những khó khăn về chi phí cao.

Mất lợi thế do nhận nhiều ưu đãi

Do là một trong những trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhiều năm trước TKV khá thoải mái với vai trò “một mình một chợ”. Tuy nhiên, do phát triển “nóng” đa ngành nghề, nên TKV không tránh khỏi những hệ lụy phải giải quyết những tồn tại do sự “phình to” về số lượng các Cty dịch vụ vốn dĩ “sống nhờ” hòn than với một lượng lao động đông đảo tại những đơn vị này.

Hiện tại, TKV đã có đội ngũ lên tới 11 vạn lao động, trong đó gần 9 vạn người liên quan trực tiếp tại Quảng Ninh. Do khó khăn vấp phải trong năm 2015 và 2016, tập đoàn này đang dần cho nghỉ và dừng việc gần 1 vạn người. Sự lãng phí, thất thoát trong đầu tư, bộ máy cồng kềnh, nạn trộm cắp, ăn gian chênh lệch phẩm cấp; tác động chi phí sản xuất là chuyện lòng vòng mua bán vật tư, đơn giá thiết bị đôn giá; khai khống số lượng bóc đất đá/km đường vận chuyển vẫn thường xuyên bị phát giác, cho thấy cung cách quản lý của TKV bộc lộ nhiều sơ hở.

Trao đổi với báo giới, một chuyên gia am tường trong lĩnh vực khai khoáng than nhận xét:

“Lâu nay Vinacomin nhận được nhiều ưu đãi trong khi họ chỉ khai thác tài nguyên quốc gia. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Vinacomin đang dần dần tự “đánh mất mình” và trong vài năm tới, vai trò của tập đoàn này trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia sẽ giảm. Khi đó nguồn cung cấp than chủ yếu (trên 50%) của nền kinh tế Việt Nam là nhập khẩu từ Indonesia, Úc, Nga, Nam Phi”.

Cũng theo ý kiến vị chuyên gia này và phần lớn những người có trách nhiệm liên quan đến ngành than cho rằng: Chính phủ nên cương quyết thực hiện cổ phần hóa 100% đối với TKV theo hướng xóa bỏ mô hình tập đoàn, tạo điều kiện để các mỏ và các Cty “con”, “cháu” của Vinacomin hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Vấn đề ở đây – nên chăng Chính phủ cần sớm chỉ đạo ngành than tổ chức đấu thầu quyền khai thác các mỏ đã được cấp phép cho các DN ngoài ngành cùng tham gia hoạt động này? Việc DN bên ngoài tham gia khai thác sẽ giảm giá thành sản xuất, tăng cạnh tranh, đồng thời mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách, trong khi nhà nước không phải hỗ trợ như đã trao nhiều “ưu ái” cho TKV.

Điều khá ngạc nhiên là, trong khi Tổng Công ty Đông Bắc cũng là một đơn vị khai thác, kinh doanh than đang hoạt động khá ổn định, thì TKV với năng lực gấp gần chục lần lại tiếp tục kiến nghị Chính phủ xin điều chỉnh thuế tài nguyên để giảm thuế, phí trở lại như trước đây!