Nhiều vườn cam khô khát vì dân không dám tưới nguồn nước suối nhiễm độc

ThienNhien.Net – Ngày 4/7, một sự cố nghiêm trọng đã xảy ra khi hóa chất từ bãi tuyển quặng đồng của Cty CP Khoáng sản Đồng An Phú (xã Yên Thượng, huyện Cao Phong, Hòa Bình) chảy tràn ra thượng nguồn suối Màn, đã khiến khúc suối dài 5km bị nhiễm độc…

Lượng axit sunfuric cùng các tạp chất kim loại nặng đã khiến khúc suối dài 5km bị nhiễm độc, cá tôm chết hàng loạt. Hai ao cá thương phẩm của người dân xã Yên Lập cũng mất trắng.

Sau gần 1 tuần xảy ra sự cố, theo ghi nhận của NNVN, người dân các xã sử dụng nguồn nước từ con suối này để phục vụ tưới tiêu vẫn hết sức hoang mang vì lo nguy cơ ô nhiễm.

Không dám tưới

Ông Bùi Văn Thủy, người dân xóm Quà, xã Yên Lập vẫn còn thất thần. Kể lại vụ việc xảy ra vào 4/7, ông bảo: “Hôm đó, tôi xuống suối thì thấy nước có mùi hôi rất khó chịu và nổi váng như bọt xà phòng. Tôm, cá cũng đã chết nổi dạt vào hai bên bờ. Lội ngược lên phía ao cá rộng chừng 100m2, tôi thấy xác cá lềnh bềnh, những con còn sống thì bơi lờ đờ.

Nguồn nước nhiễm độc khiến cá chết nổi lềnh bềnh (ảnh cắt từ clip người dân cung cấp)
Nguồn nước nhiễm độc khiến cá chết nổi lềnh bềnh (ảnh cắt từ clip người dân cung cấp)

Đến chiều cùng ngày, hầu như toàn bộ 6 tạ cá của tôi thả nuôi từ đầu tháng 3 không còn con nào sống. Cách ao của tôi không xa, ao ông Bùi Văn Biên cũng trong tình trạng tương tự”.

Nguyên nhân cá chết được xác định là do Cty CP Khoáng sản Đồng An Phú để rò rỉ hóa chất bãi quặng đồng ra nguồn nước. Ngay sau đó, Cty Đồng An Phú đã đền bù cho ông Bùi Văn Thủy và Bùi Văn Biên tổng cộng 61 triệu đồng.

Cá chết được đền bù. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là suối Màn vốn là nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân ven bờ thuộc các xã Yên Lập, Dũng Phong, Tây Phong. Việc nguồn nước bị đầu độc khiến bà con vô cùng hoang mang, lo lắng.

Ông Bùi Văn Thủy kể lại sự việc xảy ra ngày 4/7
Ông Bùi Văn Thủy kể lại sự việc xảy ra ngày 4/7

UBND huyện Cao Phong cũng buộc phải đưa ra khuyến cáo tới nhân dân các xã ven suối Màn tạm ngừng sử dụng nguồn nước để phục vụ tưới tiêu cho đến khi có kết luận của cơ quan chuyên môn.

“Gia đình tôi có khoảng 1.400 m2 lúa. Đến nay, cùng với hàng trăm hộ dân khác vẫn để nguyên, chưa cày bừa và gieo mạ vì sợ lúa chết. Ngay cả máy bừa cũng không dám xuống ruộng vì sợ axit ăn mòn hỏng máy. Khung thời vụ thì đang trôi qua. Dân lo lắm”, ông Thủy cho biết thêm.

Giải tỏa mối lo nguồn nước

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Ngọc Hòa, Chủ tịch UBND xã Yên Lập cho biết, sự cố ngày 4/7 đã gây ảnh hưởng đến 12ha đất trồng lúa và trồng cam đặc sản của xã. Đến nay người dân vẫn không dám dẫn nước từ suối Màn để tưới tiêu phục vụ canh tác mà chủ yếu chờ… mưa.

Toàn cảnh phần đất chạy dọc suối Màn của xóm Quà có nguy cơ ảnh hưởng bởi sự cố (ảnh cắt từ clip)
Toàn cảnh phần đất chạy dọc suối Màn của xóm Quà có nguy cơ ảnh hưởng bởi sự cố (ảnh cắt từ clip)

Trong khi đó, xã Dũng Phong còn phải hứng chịu hậu quả nặng nề hơn. Theo lãnh đạo xã này, người dân đã ngừng sinh hoạt và tưới tiêu cho cam bằng nước ở suối nhiễm độc. Có nhiều diện tích đất trồng cam Cao Phong đang thiếu nước tưới do không dám dùng nước suối bị ô nhiễm.

Ngày 12/7, ông Nguyễn Trần Anh, PGĐ Sở TN-MT cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu nước bước đầu cho thấy các chỉ số về nước bề mặt tại suối Màn đã ở trong mức an toàn theo tiêu chuẩn cho phép. Người dân có thể an tâm sử dụng.

Sở TN-MT Hòa Bình sẽ gửi kết quả và yêu cầu UBND huyện Cao Phong thông báo đến cho bà con để nhân dân yên tâm và có thể tiếp tục dẫn nước suối Màn về tưới cho cam đặc sản và lúa.

Đoạn suối Màn gặp sự cố ô nhiễm khiến cá chết
Đoạn suối Màn gặp sự cố ô nhiễm khiến cá chết

Sở TN-MT đang tiếp tục phân tích mẫu đất lấy tại khu vực sự cố tràn dung dịch quặng. Dự kiến, kết quả phân tích sẽ có trong 2-3 ngày tới và sẽ được thông tin rộng rãi đến nhân dân.

Ông Nguyễn Trần Anh cho biết thêm, riêng đối với Cty CP Khoáng sản đồng An Phú, căn cứ những vi phạm sau sự việc ngày 4/7, Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình đã đề xuất lên UBND tỉnh Hòa Bình mức phạt hành chính 320 triệu đồng.