Một ngày ô nhiễm môi trường biển, chục năm bồi thường

ThienNhien.Net – Tạp chí Forbes cho biết hãng dầu BP khổng lồ đang đối mặt với hàng chục ngàn yêu cầu bồi thường cho dù tính đến giữa tháng 7/2015, hãng này đã phải chi bồi thường 18,7 tỷ USD sau sự cố tràn dầu ra vịnh Mexico năm 2010.

Ngư dân Mỹ yêu cầu BP khôi phục hoàn toàn nghề cá ở vịnh Mexico (Ảnh: isciencetimes.com)
Ngư dân Mỹ yêu cầu BP khôi phục hoàn toàn nghề cá ở vịnh Mexico (Ảnh: isciencetimes.com)

Ô nhiễm biển đòi hỏi quá trình xử lý lâu dài và chuyện bồi thường rất phức tạp, mất nhiều thời gian. NNVN xin được giới thiệu một số vụ điển hình

Cụ thể: BP, hãng dầu mỏ khổng lồ của Anh, phải giải quyết yêu cầu bồi thường từ các nguyên đơn cho rằng công việc làm ăn, kinh doanh của họ bị tổn thất nặng nề từ vụ tràn dầu ngoài khơi vịnh Mexico (Mỹ).

Vụ bồi thường lớn nhất lịch sử Mỹ

Trước đó, hãng đã đạt thỏa thuận đền bù với các bên liên quan từ cấp liên bang đến tiểu bang sau tai nạn của giàn khoan Deepwater Horizon, bao gồm các thỏa thuận với 5 bang trên bờ vịnh Mexico là Alabama, Florida, Louisiana, Mississippi và Texas và hơn 400 chính quyền địa phương. BP còn phải nộp khoản tiền phạt 5,5 tỷ USD trong vòng 15 năm, theo các điều khoản của Luật Nước sạch.

Hồi tháng 7/2015, BP nói theo các phán quyết, hãng sẽ phải chi ra tổng cộng là 53,8 tỷ USD. Nhưng đó chưa phải là con số cuối cùng. Theo báo Financial Times, có thêm 115.000 đơn kiện đòi bồi thường liên quan đến vụ Deepwater Horizon. Đã có hàng ngàn đơn trong số này hoặc đi đến thỏa thuận ban đầu, hoặc bị bác bỏ, nhưng Financial Times nói hơn 60.000 đơn kiện vẫn chưa được xử lý hoàn tất.

BP đã tách riêng một ngân khoảng 10,3 tỷ USD để xử lý các khoản bồi thường phát sinh nhưng tờ báo Anh nói có thể hãng dầu sẽ còn phải chi thêm ít nhất là 2 tỷ USD nữa.

Các quan chức Mỹ nói đây là vụ bồi thường cấp công ty lớn nhất trong lịch sử nước này. Niềm an ủi đối với BP là sau khi thỏa thuận các khoản chi trả được loan tin, giá cổ phiếu của hãng tăng 4,6%. Để đạt được các thỏa thuận kể trên là một hành trình dài, đầy phức tạp. Bốn năm sau sự cố, các vệt dầu vẫn còn loang trên các bờ cát của đảo Lớn, thuộc bang Louisiana. Nhiều người dân trên đảo đã tỏ ra chán ngấy với khẳng định của BP rằng cuộc khủng hoảng đã qua.

Jules Melancon, ngư dân khai thác hàu cuối cùng trên đảo, nói với hãng tin Reuters rằng anh không còn tìm thấy con hàu sống nào ngoài biển kể từ vụ tràn dầu. Nay anh dựa vào trang trại nuôi hàu trên bờ để sống.

Melancon và nhiều người khác ở bang Louisiana, phía nam nước Mỹ, nói tiền bồi thường được chi trả không đồng đều và chi phí luật sư đã lấy đi phần lớn trong số đó. Một số nguyên đơn đòi bồi thường hài lòng với số tiền được chi trả, nhưng những người khác thì tức giận khi BP tìm cách thoái thác thực hiện các cam kết ở nhiều khía cạnh.

“Họ cho phát thông báo trên TV nói họ đã giải quyết xong vụ tràn dầu, nhưng vấn đề của tôi chưa được giải quyết ổn thỏa”, Melancon, người cũng được BP bồi thường nhưng cho rằng số tiền đó là chưa đủ.

Tính đến năm 2014, BP đã chi hơn 26 tỷ USD dọn rửa, nộp phạt và bồi thường cho thảm họa làm chết 11 người trên giàn khoan, làm hàng triệu thùng dầu tràn ra vịnh Mexico trong 87 ngày sau vụ nổ ngày 20/4/2010. Số tiền này là hơn 1/3 doanh thu của BP trong năm 2013 và trong khi dự kiến sẽ phải chi trả thêm khoảng chừng đó tiền nữa, BP vẫn đồng thời phải bác bỏ hoặc trì hoãn các khoản chi trả đối với các cáo buộc mà hãng nói là không có căn cứ, sau khi đã thỏa thuận với các luật sư nguyên đơn trong tháng 3/2012 về chuyện ai sẽ được bồi thường.

Thông báo của BP trên TV cuối năm 2011 đã khiến Dean Blanchard, người sau này là chủ công ty tôm lớn nhất nước Mỹ, nổi giận. Ông chủ công ty kinh doanh hải sản ra đời năm 1982 đã “điên tiết” khi BP nói “mọi bãi biển và vùng nước đã được xử lý xong”.

Tại thời điểm đó, các hoạt động đánh cá trong vùng biển gần 130km2 thuộc bang Louisiana bị dừng, theo lệnh của Bộ Ngư nghiệp và Thiên nhiên hoang dã Mỹ. 7 vùng đánh cá phải “đóng cửa”, trong đó có ba vùng chính cung cấp hải sản cho công ty của Blanchard.

Thiếu công bằng

Chuyện thiếu công bằng trong phân chia tiền bồi thường giữa người được nhận và người không được đã làm chia rẽ cộng đồng nhỏ trên đảo Lớn, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cá cá nhân và công ty lớn dễ dàng hơn trong việc đòi bồi thường do mất thu nhập hoặc thiệt hại tài sản so với những công ty nhỏ hoặc những người vì lý do nào đó không có các ghi chép chi tiết về hoạt động của mình.

“Dân chúng ở đây rất bức xúc vì có những người được bồi thường rất nhiều tiền, những rất nhiều người khác không được gì”, phục vụ bàn Jeanette Smith ở Starfish, nhà hàng duy nhất trên đảo Lớn hoạt động 7 ngày/tuần sau sự cố, nói.

Melancon nói các yêu cầu bồi thường kinh tế anh đưa ra bị bác bỏ bởi rất nhiều giao dịch của anh thông qua tiền mặt. Anh được đề nghị bồi thường hơn 1 triệu USD thiệt hại tài sản nhưng nói anh mất gấp hơn 6 lần chỗ đó và cho đến nay mới chỉ nhận được 400.000 USD. Nhưng cũng có một số dân trên đảo nói việc bồi thường là công bằng. Terry Pazane, một người đánh bắt tôm lâu năm ở đảo Lớn nói anh chỉ được bồi thường 300.000 USD.

“Anh có giấy tờ chứng minh thiệt hại, họ trả tiền cho anh. Nếu anh không chứng minh được gì, anh không nhận được một xu”.

Gần hai năm sau vụ tràn dầu, ngư dân tìm thấy nhiều con tôm ở vịnh Mexico hoặc không có mắt, hoặc không có hốc mắt (Ảnh: theweek.com)
Gần hai năm sau vụ tràn dầu, ngư dân tìm thấy nhiều con tôm ở vịnh Mexico hoặc không có mắt, hoặc không có hốc mắt (Ảnh: theweek.com)

Nhưng rõ ràng có những thiệt hại không thể tính được trên giấy tờ. Nhiều cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ ở thành phố New Orleans, thủ phủ bang Louisiana nói họ thất thu nhiều từ vụ tràn dầu bởi nhiều du khách không đến đây nữa do không tin tưởng vào chữ ký đảm bảo an toàn hải sản của chính quyền thành phố, cho dù dầu chỉ tràn vào vùng biển gần cửa sông Mississippi, không thể tới được New Orleans.

Đối với những đối tượng này, thỏa thuận bồi thường không chi trả tất cả. Chỉ 20 trong số 3.000 nguyên đơn kiện về chuyện hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng được bồi thường, tính đến nay.

Và tất nhiên thiệt hại cũng không thể được “chia đều”. Trong các ngành nghề, hoạt động khai thác, kinh doanh hàu nằm trong số chịu thiệt hại nặng nhất. Hàu không thể tự di chuyển để tránh đám dầu tràn và chúng cũng không thể sống sót khi người ta đổ nước từ thượng nguồn sông Mississippi để bảo vệ vùng ngập nước quý giá ở Louisiana khỏi đám dầu tràn. Sự thay đổi môi sinh, môi trường do tỷ lệ nước ngọt/mặn thay đổi khiến hàu không còn khả năng tồn tại.

Blanchard nói anh chỉ thu mua lượng tôm địa phương bằng 15% so với thời điểm trước khi vụ tràn dầu xảy ra. Tôm hoặc đi nơi khác, hoặc chết vì ô nhiễm dầu, hoặc có sống cũng bị biến thái. Anh đang kiện BP đòi bồi thường 111 triệu USD.

Một số khoản mà BP phải chi trả:

5,5 tỷ USD tiền phạt trách nhiệm dân sự, theo Luật Nước sạch Mỹ, chi trả trong vòng 15 năm.

7,1 tỷ USD bồi thường cho chính phủ Mỹ và 5 bang bao gồm Florida, Alabama, Mississippi và Louisiana trong vòng 15 năm, với hành vi phá hoại tài nguyên thiên nhiên.

4,9 tỷ USD chi trả trong vòng 18 năm để giải quyết các hậu quả kinh tế và những cáo buộc khác từ 5 bang trên bờ vinh Mexico.

1 tỷ USD giải quyết các đơn kiện của hơn 400 chính quyền địa phương.

(Nguồn: BBC)