Hạn hán khốc liệt tại Thái Lan: Chính quyền và nông dân cùng xoay xở

ThienNhien.Net – Đại diện chính quyền và người dân cùng nhau bàn bạc và tìm ra các mô hình, giải pháp để vượt qua hạn hán khốc liệt.

Trong bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến tình trạng hạn hán gay gắt liên tiếp trong vòng 2 năm trở lại đây tại Thái Lan. Hạn hán kéo dài dẫn đến cạn kiệt nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc trồng lúa nước đã khiến hàng triệu nông dân Thái Lan lâm vào hoàn cảnh khó khăn bởi trồng lúa là nguồn thu nhập chính của họ.

Chính quyền Thái Lan đang khẩn trương áp dụng các giải pháp nhằm giúp đỡ nông dân khắc phục hậu quả của hạn hán kéo dài. Bên cạnh đó, bản thân những người nông dân cũng đang tự thân vận động để có thể thích nghi và đảm bảo cuộc sống cho mình.

Mô hình trồng lúa xen canh với các loại cây trồng chịu hạn khác tại xã Nakhon Sawan tây, huyện Muang, tỉnh Nakhon Sawan. 
Mô hình trồng lúa xen canh với các loại cây trồng chịu hạn khác tại xã Nakhon Sawan tây, huyện Muang, tỉnh Nakhon Sawan.

Chương trình chống hạn 8 điểm và 1 tỷ bath để đối phó hạn hán

Theo thông tin từ Cục Thuỷ lợi Hoàng gia Thái Lan (RID), tổng lượng nước trong các đập ở 22 tỉnh dọc theo lưu vực sông Chao Phraya là 4,2 tỷ m3. Phần lớn các nguồn cung cấp nước trong khu vực này đang được sử dụng cho tiêu dùng công cộng và duy trì hệ sinh thái, nước được sử dụng để duy trì các hoạt động nông nghiệp còn lại rất ít.

Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan hiện đang thực hiện một chương trình chống hạn hán trị giá 1 tỷ baht để giải quyết vấn đề tại 22 tỉnh dọc theo sông Chao Phraya. Chương trình chống hạn hán này gồm 8 biện pháp, trong đó khuyến khích người nông dân cố gắng không trồng cây trái mùa, giới thiệu các loại cây trồng chịu hạn hán thay thế, vật nuôi hoặc nuôi cá.

Các biện pháp khác bao gồm gia hạn thanh toán nợ, tạo việc làm tạm thời cho nông dân ở các đơn vị công lập và thiết lập một dự án giảm thiểu tình trạng hạn hán khẩn cấp tại mỗi cộng đồng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, các quan chức chính phủ cũng tìm cách nâng cao hiệu quả sử dụng nước trong xã hội, tăng nguồn cung cấp nước, cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người trong khu vực bị hạn hán và thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhỏ khác.

Ông Apisun Sangasri, Phó tỉnh trưởng tỉnh Nakhon Sawan cho biết hiện tỉnh cũng đang áp dụng chương trình chống hạn hán mà chính phủ đưa ra, trong đó có việc cấp tiền từ ngân sách cho mỗi làng vay 500.000 bath để người dân mua vật tư, giống cây trồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, sau khi bán các sản phẩm thu hoạch được người dân sẽ trả lại cho chính quyền. Tuy nhiên, số tiền này không phải được phát trực tiếp cho người dân mà thông qua một cán bộ của chính quyền dùng số tiền đó đi mua các loại vật tư, phân bón, giống… và phân phát cho người dân sử dụng.

“Trong trường hợp mùa màng thất bát, người nông dân có thể được gia hạn nợ và mùa sau vẫn được vay tiếp để có thể sản xuất. Về lâu dài nhiệm vụ của chúng tôi là tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức để ứng phó với sự biến đổi của thời tiết”, ông Apisun Sangasri cho biết.

Chăn nuôi gia cầm kết hợp với trồng trọt tại Trung tâm học tập và nông trại cộng đồng, xã Nakhon Sawan tây, huyện Muang, tỉnh Nakhon Sawan.

Ở quy mô cấp huyện, tỉnh cũng đang áp dụng chính sách kích thích kinh tế của chính phủ, theo đó mỗi huyện sẽ được vay 5 triệu bath. Số tiền này sẽ được các huyện thuê nhân công trong sản xuất nông nghiệp, sửa chữa đường sá… phục vụ cộng đồng.

Người dân được trực tiếp chọn lựa và tham gia vào các dự án khắc phục hạn hán
Người dân được trực tiếp chọn lựa và tham gia vào các dự án khắc phục hạn hán

Trong các giải pháp đối phó với hạn hán mà chính phủ Thái Lan đưa ra, người dân có quyền lựa chọn tham gia vào những giải pháp nào mà họ thấy phù hợp với điều kiện của mình. Trong chuyến đi thực tế tại một số huyện, xã của 2 tỉnh Nakhon Sawan và Phitsanulok vừa qua, chúng tôi nhận thấy rằng, có rất nhiều mô hình do người dân tự bàn bạc và đề xuất, trên cơ sở đó chính quyền sẽ có sự trợ giúp cụ thể để thực hiện mô hình thành công.

Có mặt tại Trung tâm học tập và nông trại cộng đồng, xã Nakhon Sawan tây, huyện Muang, tỉnh Nakhon Sawan, chúng tôi được ông Nuttakit Khongtip – Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Nakhon Sawan cho biết, chương trình mà Trung tâm đang thực hiện nhằm phục vụ riêng cho những người nông dân không thể trồng lúa do ảnh hưởng của hạn hán. Tham gia chương trình này có cả đại diện của chính phủ và người dân, họ cùng nhau bàn bạc và tìm ra hướng đi đúng từ đó người dân thực hiện với sự trợ giúp của chính phủ.

Chị Pannada Choenyu, đại diện cho những người dân tham gia chương trình cho biết: Trước khi thực hiện chương trình, chúng tôi có thành lập một ủy ban gồm 18 người đại diện cho người dân và chính phủ, thảo luận một cách thẳng thắn về biện pháp thực hiện tốt nhất.

“Chúng tôi phải tự mình xây dựng dự án cho phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương mình, chọn cây trồng gì để có hiệu quả cao nhất từ đó trình lên chính quyền phê duyệt và nhận kinh phí từ chính phủ để thực hiện dự án”, chị Pannada Choenyu chia sẻ.

Ông Somchai Phuochin – một nông dân tham gia chương trình cho biết: “Bình thường chúng tôi vẫn làm nông nghiệp nhưng do hạn hán nên nguồn nước cho sản xuất rất khó khăn. Khi có dự án này, tôi đã tham gia và nhận được 300 bath/ngày tiền thuê nhân công. Hiện cả xã có 10 làng, mỗi làng có hàng chục người tham gia dự án. Tham gia dự án này chúng tôi được nhiều thứ như phân bón, giống cây… chúng tôi đều được nhận từ chính phủ. Dự án này sẽ tiếp tục được triển khai chứ không dừng lại khi chính phủ ngừng giúp đỡ”.

 Nông dân tham gia lớp học tại Trung tâm hướng dẫn tăng sản xuất hàng hóa, trao đổi về kinh nghiệm trồng trọt tiết kiệm nước.

Nông dân tham gia lớp học tại Trung tâm hướng dẫn tăng sản xuất hàng hóa, trao đổi về kinh nghiệm trồng trọt tiết kiệm nước.

 

Trong khi đó tại Trung tâm hướng dẫn tăng sản xuất hàng hóa tại làng Huai Rong, xã Bung Plathu, huyện Banphot Phisai, tỉnh Nakhon Sawan, hàng chục nông dân đã tham gia các khóa hướng về chọn cây trồng nhằm tăng năng suất cũng như các giải pháp tưới tiết kiệm… Bà Manee Sothat – hướng dẫn viên nông nghiệp của Trung tâm cho biết: Những người nông dân tham gia lớp học này có thể trực tiếp trao đổi kinh nghiệm trồng trọt với nhau. Thông qua việc trao đổi này, những kinh nghiệm trồng trọt tối ưu nhất sẽ được phổ biến tới tất cả nông dân, chính vì vậy các lớp học như vậy đạt kết quả rất tốt.

Anh Mon Pieng Keoping – một nông dân tham gia lớp học cho biết, thông qua các kiến thức thu nhận được từ các buổi trao đổi, anh đã biết chọn những cây trồng sử dụng ít nước mà vẫn cho thu nhập khá, bình quân mỗi tháng được khoảng 7.000-8.000 bath.

Tương tự như vậy, tại tỉnh Phitsanulok, Văn phòng Nông nghiệp tỉnh cũng đã đưa ra bốn giải pháp cho nông dân trong mùa khô: tìm kiếm việc làm ví dụ như công nhân hàng ngày; trồng những loại cây tiêu thụ ít nước; đảm bảo đào tạo các kỹ năng khác; và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp khác để tạo nguồn thu nhập. Bên cạnh đó, các mô hình như chăn nuôi gà đen, trồng rau sạch chịu hạn, chăn nuôi gà chọi… cũng được người dân thành lập với sự hỗ trợ của chính phủ đã giúp người dân có thu nhập ổn định, giúp họ vượt qua thời điểm khó khăn khi không thể trồng lúa do hạn hán.