Giảm ô nhiễm không khí từ nông nghiệp bằng cách nào?

ThienNhien.Net – Hiện có nhiều tranh luân về những tác động tiêu cực tới môi trường của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi. Tuy nhiên, một chủ đề thường thiếu vắng trong các cuộc tranh luận là làm thế nào để có thể nuôi sống cả thế giới theo cách bền vững nhất khi mà nông nghiệp cũng đang góp phần làm ô nhiễm không khí.

Một nghiên cứu công bố mới đây trên Tạp chí Geophysical Research Letters cho thấy hầu hết nguyên nhân ô nhiễm không khí ở phương Tây đều bắt nguồn từ canh tác nông nghiệp.

“Đây thực sự là một phát hiện đầy bất ngờ. Nông nghiệp là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí trên diện rộng. Tôi đã từng hy vọng ô nhiễm không khí là do sản xuất công nghiệp hoặc phát thải của ở các khu dân cư” – Ông Kostas Tsigaridis, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Ảnh minh họa: conservationmagazine.org
Ảnh minh họa: conservationmagazine.org

Chất thải chăn nuôi và phân bón có chứa Nitơ ở các trang trại là nguồn phát thải khí ammoniac. Tuy nhiên, để hình thành nên sol khí(*) nguy hại, phải có quá trình đốt cháy chất thải. Do vậy, nếu không thể giảm khí thải ammoniac nông nghiệp thì có thể hạn chế quá trình đốt cháy chất thải để cải thiện chất lượng không khí.

Sự tồn tại của các sol khí trong không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Những sol khí vô cơ còn được gọi là PM2.5 (có đường kính nhỏ hơn 2.5 micromet) là thành phần chính gây ô nhiễm không khí. Các hạt PM2.5 là nguyên nhân gây ung thư phổi và các bệnh dễ tử vong liên quan tới tim phổi.

Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng Mô hình hệ thống Trái Đất của NASA để theo dõi các sol khí. Hệ thống cho phép các nhà khoa học khai thác dữ liệu khí hậu và khí thải để tính toán ô nhiễm sol khí trên khắp thế giới trong năm tiền công nghiệp (1850), hiện tại (2010) và tương lai (2100).

Đồng thời, các nhà khoa học chạy mô hình cho hai giả thiết: một là tất cả các khí thải do con người tạo ra bằng không và hai là khí thải nông nghiệp bằng không. Theo cách này, các nhà khoa học đã cô lập 3 nguồn gây ô nhiễm: tự nhiên, nông nghiệp và nguồn gây ô nhiễm do con người mà không có nông nghiệp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, khí thải nông nghiệp phải chịu trách nhiệm cho khoảng một nửa nguyên nhân ô nhiễm do con người gây ra ở Mỹ. Nói cách khác, sản xuất lương thực, không tính đến quá trình chế biến và vận tải, đã thải ra lượng PM2.5 bằng tất cả các hoạt động khác của người dân Mỹ gộp lại. Còn tại châu Âu, phát thải nông nghiệp phải chịu trách nhiệm cho 55% các hoạt động khiến không khí bị ô nhiễm do con người gây ra.

Nghiên cứu này cũng đưa ra một số thông tin tích cực. Cụ thể, nhóm tác giả cho hay tính đến cuối thế kỷ này, PM2.5 do con người phát thải sẽ giảm, ngay cả khi khí thải ammoniac nông nghiệp tăng gấp đôi vào thời điểm này. Lý do cho phát hiện có vẻ mâu thuẫn này là ammoniac cần các phát thải nitric oxide để hình thành sol khí, song việc phát thải loại khí này được dự đoán sẽ giảm ở Mỹ, châu Âu và khu vực phía Đông Trung Quốc.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, việc gia tăng sản xuất lương thực sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng không khí nếu chúng ta có thể kiểm soát được quá trình đốt chất thải nông nghiệp.


*chất lơ lửng phân tán trong không khí với kích thước vô cùng nhỏ, dạng keo, tương đối bền và khó lắng (Theo voer.edu.vn)