Mỹ xử lý các khu vực ô nhiễm như thế nào?

ThienNhien.Net – Các chất thải thương mại và công nghiệp nguy hại không được quản lý hiệu quả tạo nên hàng ngàn khu vực chứa chất thải nguy hại trên khắp nước Mỹ đã được xử lý như thế nào?

Sự ra đời của cơ chế xử lý chất thải Superfund

Năm 1980, Quốc hội Mỹ xây dựng Đạo luật về Trách nhiệm pháp lý, Bồi Thường và Phản ứng toàn diện về môi trường (Comprehensive Environmental Response, Compensation, and Liability Act  – CERCLA) để đáp ứng những lo ngại ngày càng tăng về ảnh hưởng của các khu vực chất thải nguy hại đối với sức khỏe con người. Đạo luật này được ban hành trong bối cảnh nhiều bãi chất thải độc hại như Love Canal và Thung lũng Drums được phát hiện trong những năm 1970.

Về sau, CERCLA được biết đến với tên chính thức là Superfund. Các chương trình Superfund do EPA (Cơ quan Môi trường Hoa Kỳ) và chính quyền các tiểu bang hợp tác quản lý. Superfund giúp EPA loại bỏ các bãi chất thải độc hại bằng việc buộc các bên chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả môi trường hoặc bồi hoàn để cơ quan chính phủ (do EPA chủ trì) làm sạch các khu vực bị ô nhiễm.

Lựa chọn khu vực Superfund

Các khu vực Superfund được “nhận diện” khi có dấu hiệu xuất hiện của chất thải nguy hại căn cứ theo các tiêu chí đánh giá của EPA. Sự tồn tại của các chất ô nhiễm thường do cư dân địa phương, chính quyền tiểu bang, liên bang hoặc các doanh nghiệp phát hiện và báo cáo. Trong một số trường hợp, khu vực chứa chất thải nguy hại do chính EPA phát hiện trong quá trình kiểm tra hoặc điều tra khiếu nại.

Đường dây nóng của Trung tâm Ứng phó Quốc gia (NRC) hoạt động liên tục để tiếp nhận các cuộc gọi báo cáo phát hiện về chất thải nguy hại, hóa chất, chất phóng xạ, chất độc sinh học hoặc sự cố tràn dầu. Người dân có thể thông báo nguy cơ phát thải các chất độc hại tới NRC hoặc chính quyền địa phương.

Một hệ thống đánh giá được thành lập để đánh giá sự nguy hiểm của các khu vực chất thải nguy hại – Hazard Ranking System (HRS). EPA sử dụng thông tin thu thập được trong suốt quá trình đánh giá để chấm điểm cho các khu vực theo mức độ nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe con người.

Nếu một khu vực có điểm số đủ cao trên HRS và đáp ứng các tiêu chí khác, EPA sẽ đề nghị đưa khu vực này vào danh sách Khu vực ưu tiên thực hiện Chương trình Superfund. Kiến nghị này được công bố chính thức với chính phủ và đưa ra để công chúng bình luận. EPA sẽ đưa ra kết luận và công bố trên Cục Văn thư Liên bang.

Sau khi một khu vực được đưa vào danh sách Khu vực ưu tiên, EPA sẽ tiến hành các cuộc tham vấn cộng đồng và xây dựng Kế hoạch tham gia của cộng đồng (CIP). EPA cũng thiết lập và duy trì một kho dữ liệu, hồ sơ hành chính và công khai với công chúng những dữ liệu sẵn có về Khu vực.

Hoạt động làm sạch môi trường của EPA

EPA có hai hình thức phản ứng cơ bản để xử lý tình trạng ô nhiễm.

Hoạt động loại bỏ: Được áp dụng để ứng phó với các sự cố tràn dầu hoặc hóa chất phát sinh trong ngắn hạn. Một loạt hành động khẩn cấp sẽ được thực hiện để loại bỏ những rủi ro trước mắt và đảm bảo an toàn công cộng.

Hoạt động khắc phục hậu quả: Được áp dụng để xử lý các khu vực ô nhiễm phức tạp, lâu dài. Các chất thải không đe dọa cấp bách đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường, không cần hành động ngay lập tức. Hoạt động khắc phục hậu quả thường áp dụng cho các khu vực phức tạp và ô nhiễm nặng, đòi hỏi nhiều năm mới để tìm hiểu vấn đề và phát triển một giải pháp dài hạn để làm sạch các chất ô nhiễm. Các khu vực ô nhiễm này có thể được lựa chọn làm sạch theo Chương trình Superfund (Khu vực Superfund).

Một khu vực superfund (Ảnh: newsday.com)
Một khu vực superfund (Ảnh: newsday.com)

Trách nhiệm làm sạch các khu vực Superfund

Đối tượng chịu trách nhiệm (PRP): Khi một khu vực ô nhiễm bị phát hiện, EPA sẽ cố gắng xác định đối tượng phát thải và chủ sở hữu/người điều hành các khu vực này. Những cá nhân/tổ chức/thành phố này được gọi là Đối tượng chịu trách nhiệm và bị yêu cầu tiến hành/hoặc trả tiền cho việc tiến hành nghiên cứu mức độ và xử lý tình trạng ô nhiễm. Nếu các Đối tượng chịu trách nhiệm từ chối tham gia, EPA sẽ chủ động xử lý khu vực bị ô nhiễm và khởi kiện đối tượng chịu trách nhiệm để đòi bồi thường chi phí.

Chính quyền: các cơ quan chính phủ gắn bó hơn với các hoạt động của Chương trình Superfund trong những năm qua, chính quyền các bang/tiểu bang đã tham gia vào hầu hết các giai đoạn của quá trình dọn dẹp, xử lý ô nhiễm.

Huy động sự tham gia của cộng đồng

Các cá nhân và cộng đồng có thể tham gia vào các chương trình Superfund bằng cách cung cấp thông tin các cá nhân bị ảnh hưởng tại các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng và cũng có thể đóng góp ý kiến cho các quyết định có thể gây ảnh hưởng tới cộng đồng của họ. Cộng đồng luôn có tiếng nói trong suốt quá trình thực hiện Superfund, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ EPA thu thập thông tin về khu vực bị ô nhiễm. Cộng đồng có cơ hội và quyền tham gia, nhận xét/bình luận các công việc đã hoàn thành của quá trình làm sạch các khu vực ô nhiễm.

Superfund luôn nỗ lực cung cấp thông tin thường xuyên cho cộng đồng về các hoạt động đang diễn ra và dự kiến thực hiện; cho phép và khuyến khích cộng đồng tham gia; tích cực lắng nghe ý kiến từ phía cộng đồng; phối hợp với cộng đồng để cùng giải quyết vấn đề; kết hợp với cộng đồng để xây dựng các kế hoạch hành động; giải trình về các hoạt động được triển khai.

Quá trình xử lý ô nhiễm

Kiểm tra/đánh giá sơ bộ (PA/SI): Khi xác định được một khu vực bị ô nhiễm, EPA sẽ kiểm tra các thông tin hiện có, đánh giá toàn diện khu vực và có thể phỏng vấn người dân quanh khu vực để tìm hiểu lịch sử khu vực cũng như ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm tới người dân và môi trường. EPA cũng sẽ kiểm tra mẫu đất, nước và không khí của của khu vực để xác định các chất độc hại và mức độ nghiêm trọng, rủi ro có thể có đối với môi trường và sức khỏe con người.

EPA có thể sẽ thực hiện Hành động ngay lập tức tại một khu vực bị ô nhiễm để giảm tối đa những thiệt hại, kể cả trường hợp chưa có đầy đủ thông tin và dữ liệu. Ví dụ, EPA sẽ ngay lập tức cung cấp nguồn nước thay thế cho những người dân đang phải sử dụng nguồn nước được xác định là ô nhiễm bởi vì hoạt động như khôi phục nguồn nước ngầm bị ô nhiễm đòi hỏi những hoạt động phức tạp và có thể kéo dài trong nhiều năm.

Tùy thuộc vào tình hình, cộng đồng có thể tham gia nhiều hoạt động khác nhau của quá trình Kiểm tra/đánh giá sơ bộ bao gồm: tham gia đóng góp ý kiến tại các cuộc họp, trả lời các cuộc phỏng vấn của cộng đồng hoặc lên kế hoạch tổ chức các cuộc họp cộng đồng chính thức.

EPA cũng sẽ chuẩn bị các tờ rơi, liên hệ với cơ quan truyền thông địa phương, thiết lập một kho thông tin và chỉ định một Điều phối viên các hoạt động cộng đồng. EPA luôn sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ thông tin nào về các khu vực ô nhiễm.

Nhân viên hỗ trợ kỹ thuật cho cộng đồng sẽ giúp cộng đồng hiểu các kỹ thuật liên quan tới khu vực ô nhiễm từ danh mục các chất độc hại và kết quả lấy mẫu. Hỗ trợ kỹ thuật sẽ giúp cộng đồng xem xét và thu thập thông tin tại hiện trường trong suốt quy trình Superfund, bắt đầu từ khâu Kiểm tra đánh giá.

Thiết kế hoạt động khắc phục hậu quả (RD) là giai đoạn thiết kế tỉ mỉ các hoạt động theo phương pháp làm sạch được lựa chọn. Trong đó, phương pháp làm sạch sẽ được phát triển và xem xét, các mẫu sẽ được lấy nhiều hơn để xác định vị trí và mức độ ô nhiễm. EPA có thể tổ chức một cuộc họp báo để công bố kế hoạch làm sạch chi tiết.

Hành động khắc phục hậu quả (RA) quả sẽ được tiến hành tại khu vực. Nếu miêu tả quá trình làm sạch như xây một ngôi nhà thì hoạt động RD chính là thiết kế và chuẩn bị mặt bằng, vật liệu xây dựng, RA chính là giai đoạn thi công. Trong giai đoạn RA, cộng đồng phải được thông báo về thời gian làm việc, tình hình giao thông vận tải và biện pháp phòng ngừa an toàn cho sức khỏe.

Superfund hướng tới quá trình làm sạch “xanh”

Quá trình làm sạch một khu vực chất thải nguy hại cần sử dụng năng lượng, nước, tài nguyên thiên nhiên và các loại vật liệu khác, do vậy sẽ tạo ra “dấu chân carbon” cho môi trường. EPA luôn muốn bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giảm phát sinh chất thải, giảm tiêu thụ năng lượng để cải thiện chất lượng môi trường trong các Chương trình Superfund. Ý thức, kèm với hành động giảm thiểu ô nhiễm và tối đa hóa hiệu quả môi trường của hoạt động dọn dẹp tồn tại trong suốt dự án với các hành động như sử dụng năng lượng tái tạo, hạn chế sử dụng các loại máy móc có động cơ.

Superfund tái sinh khu vực ô nhiễm

Khi quá trình làm sạch diễn ra thuận lợi, EPA sẽ làm việc với cộng đồng, thông qua truyền thông, hợp tác để khu vực đã được làm sạch được sử dụng hiệu quả. Khu vực này có thể trở thành nơi xây dựng nhà máy hoặc trung tâm mua sắm, xây dựng nhà ở, cơ sở y tế, giao thông và các công trình công cộng khác. Các khu vực này cũng có thể được tái phát triển thành các khu vui chơi giải trí như sân golf, công viên và sân bóng hoặc cho các khu du sinh thái như bảo tồn động vật hoang dã và các vùng đất ngập nước. Có khu lại được sử dụng để lắp các tuabin gió, đặt các tấm pin năng lượng mặt trời để sản xuất năng lượng tái tạo.

Đảm bảo khu vực Superfund sạch trong dài hạn

Sau khi xác định một khu vực ô nhiễm đã được làm sạch, EPA vẫn phải tiến hành kiểm tra định kỳ khu vực 5 năm một lần. Điều tra 5 năm này gồm kiểm tra dữ liệu về khu vực, lấy mẫu mới, khảo sát người dân bị ảnh hưởng về các vấn đề và mối quan tâm của họ. EPA sẽ thông báo với cộng đồng địa phương và các bên liên quan bản đánh giá này.

Loại một khu vực khỏi danh sách ưu tiên

EPA có thể xóa một khu vực hoặc một phần khu vực ra khỏi danh sách cần làm sạch nếu các mục tiêu dọn dẹp đã đạt yêu cầu và không cần thiết một hoạt động làm sạch nào nữa. EPA sẽ thông báo kế hoạch loại bỏ một khu vực ra khỏi danh sách với liên bang và công bố công khai để công chúng bình luận. EPA sẽ ghi nhận ý kiến từ công chúng và có phản hồi chính thức các ý kiện nhận được.

Sau thời gian góp ý chính thức, nếu các khu vực ô nhiễm vẫn đủ điều kiện để được loại ra khỏi danh sách, EPA sẽ gửi công bố chính thức tới Cục Văn thư Liên bang và có báo cáo chính thức về việc xóa khu vực khỏi danh sách bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.