Xây đập thủy điện đẩy nhiều loài vào nguy cơ tuyệt chủng

ThienNhien.Net – Việc xây dựng các đập thủy điện tác động tiêu cực tới quần thể các loài ở khu vực xung quanh, khiến nhiều loài đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Đây là kết luận từ nghiên cứu do Đại học Stirling, Đại học East Anglia và Viện Nghiên cứu Nhiệt đới Smithsonian phối hợp thực hiện và công bố mới đây trên Tạp chí Biological Conservation.

Hiện thế giới có tới 58. 402 đập đang hoạt động phục vụ cho nhu cầu năng lượng và thủy lợi. Các khu vực hồ chứa nhân tạo từng được coi là “khu bảo tồn” bảo vệ một số loài khỏi các hoạt động phá rừng, săn bắt động vật. Tuy nhiên, nghiên cứu trên cho thấy những “khu bảo tồn” này sẽ chỉ đang khiến các loài tuyệt chủng một cách chậm dãi.

Ảnh minh họa: Deni Williams/Flickr
Ảnh minh họa: Deni Williams/Flickr

Các nhà khoa học đã nghiên cứu dữ liệu về quần thể các loài ở các đảo của khoảng 250 hồ chứa nhân tạo, trong đó có các hồ nhân tạo lớn như Hồ Thiên Đảo (Trung Quốc) và hồ Balbina (Brazil).

Kết quả nghiên cứu cho thấy các đảo ở các khu vực hồ chứa nhân tạo có ít hơn khoảng 35% loài so với mức trung bình ở các khu vực đất liền gần đó. Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu phát hiện ra 87% quần thể một loài chim Nam Mỹ đã biến mất ở các khu vực đảo của một hồ chứa nhân tạo.

Ngập lụt nhấn chìm đất đai và cả các loài sinh vật sống trên đó, những loài sống sót cũng phải chịu nguy cơ tuyệt chủng. Điều này có nghĩa rằng những mất mát ban đầu về số lượng loài sẽ có thể kéo theo sự tuyệt chủng của các thế hệ sau.

Tiến sĩ Isabel Jones, trưởng nhóm nghiên cứu nói: “Không phải vấn đề các đập nằm ở đâu, kích thước các đảo nhân tạo ra sao hay khu vực này đang có những loài nào, nhiều loài đang suy giảm và càng nhiều đập thì càng nhiều loài phải đối mặt với tình trạng tuyệt chủng.”

Những phát hiện của nghiên cứu cho thấy cần nỗ lực hơn nữa trong bảo tồn các loài trong dài hạn. Một vài biện pháp đang được thực hiện như cố gắng biến các đảo của khu vực hồ chứa thành các khu rừng nhiệt đới. Tuy nhiên, giáo sư Carlos Peres (Đại học East Anglia), đồng tác giả nghiên cứu cho rằng đó chỉ là ảo tưởng vì những sinh vật cho dù có thể sống sót khỏi ngập lụt thì cũng bị mắc kẹt trên các đảo nhỏ.