ĐBSCL: Phập phồng nỗi lo “thủy thần” nuốt đất

ThienNhien.Net – ĐBSCL đang bước vào mùa mưa bão, theo đó, tình trạng sạt lở vốn đã báo động ở vùng này lại diễn ra ngày một trầm trọng hơn…

Hơn một tuần nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất, có nơi giao thông bị chia cắt hoàn toàn, khiến người dân rất lo lắng. Cụ thể, vào sáng 26.5, tại huyện Châu Thành A, đã xảy ra vụ sụp lở đất dài khoảng 50 m tại ấp Phú Thạnh, xã Tân Phú Thạnh làm đổ sụp con đường bê tông ngang 3m xuống sông; đồng thời, cắt đứt giao thông trên tuyến đường này.

Hiện trường sạt lở tại U Minh Thượng, Kiên Giang
Hiện trường sạt lở tại U Minh Thượng, Kiên Giang

Còn tại huyện Châu Thành được xem là nơi có nhiều điểm sạt lở nhất của tỉnh Hậu Giang với gần 30 điểm xảy ra từ đầu năm đến nay. Hiện tại, Phòng NNPTNT huyện này đang đề xuất chủ trương khắc phục các điểm sạt lở với kinh phí gần 1 tỉ đồng. Đồng thời, huyện đã và đang gia cố các điểm sạt lở để người dân đi lại dễ dàng.

Ở Đồng Tháp, tình trạng sạt lở đã xảy ra tại 34 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị, thành phố, với chiều dài trên 38km, với diện tích hàng chục héc-ta. Trong đó, tập trung chủ yếu tại các huyện Hồng Ngự, Lai Vung, Châu Thành, TP Cao Lãnh, Sa Đéc… Mới đây, đường đê bao ngoài rừng Quốc gia U Minh Thượng (tỉnh lộ 965), dài 32 km, thuộc huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đã bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng, ngoài ra, còn có thêm 8 căn nhà của người dân ở địa phương này đã bị hà bá nuốt chửng, khiến các hộ dân sống trong cảnh phập phồng, lo sợ…

Theo thống kê, ĐBSCL có 265 điểm sạt lở với chiều dài trên 450km. Vấn đề nghiêm trọng nhất là hiện nay, sạt lở không chỉ xảy ra vào mùa lũ, mà còn cả mùa khô, và nghịch lý này vẫn đang diễn ra rộng khắp, từ các sông chính cho đến các hệ thống kênh rạch với mức độ sạt lở ngày càng lớn và khốc liệt hơn.

Hiện tại, những khu vực cảnh báo còn lại tuy chưa xảy ra sạt lở mới, nhưng nguy cơ tiếp diễn vẫn đang ở mức “báo động đỏ”, tiềm ẩn hàng loạt mối đe doạ trong thời gian tới. Màu mưa bão năm nay, dự báo các tỉnh thành khu vực ĐBSCL sẽ phải đối mặt với tình trạng sạt lở phức tạp hơn.

Nguồn: