Sai phạm nghiêm trọng từ một dự án bảo vệ rừng, tiền tỷ vào túi cá nhân

ThienNhien.Net – Từ chủ trương giao đất, giao rừng để khoanh nuôi, bảo vệ và làm dự án kinh tế của tỉnh Bình Phước, nhiều doanh nghiệp đã được giao hàng trăm ha rừng. Nhưng không ít dự án gây ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. Một trong những điển hình về lãng phí và sai phạm là dự án của Cty Cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco). Nhiều tỷ đồng vào tay cá nhân từ dự án này.

Năm 2006, Sasco được UBND tỉnh Bình Phước giao 545ha rừng và đất lâm nghiệp để khoanh nuôi, bảo vệ và làm dự án kinh tế. Nhưng sau đó, Sasco gần như chẳng làm gì mà “phó thác” cho ông chủ rừng thao túng, đút túi nhiều tỷ đồng.

Sau 2 năm, đã có gần 250ha rừng trong dự án bị “nghèo kiệt”, xin chuyển đổi trồng cao su. UBND tỉnh Bình Phước từng có quyết định thu hồi dự án của Sasco, nhưng không hiểu vì sao, sau đó lại cho tiếp tục.

Đất dự án của Sasco. Mặc dù đã được giao trồng cao su, nhưng nhiều khoảnh nhìn không có vẻ gì là vườn cao su.
Đất dự án của Sasco. Mặc dù đã được giao trồng cao su, nhưng nhiều khoảnh nhìn không có vẻ gì là vườn cao su.

Những hợp đồng chồng chéo

Năm 2004, Sasco được UBND tỉnh Bình Phước thuận chủ trương giao 545ha rừng và đất lâm nghiệp tại TK363, Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung (BQLRKT), xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, Bình Phước, để quản lý, bảo vệ, chăn thả dưới tán và trồng cây nông – lâm – công nghiệp.

Đầu tháng 12/2006, hợp đồng giao khoán rừng và đất rừng giữa đại diện BQLRKT Suối Nhung là ông Trần Tấn Minh và Sasco được ký kết. Trên diện tích 545ha được giao này, có 481,5ha là rừng các loại IIIaI; IIb và rừng có gỗ xen lồ ô. Chỉ có 63,5ha đất không có rừng. Nhưng sau gần 3 năm, Sasco mới chỉ trồng được 18ha cao su, còn trang trại thì chưa đâu vào đâu, không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất rừng của nhà nước. Vì vậy, cuối năm 2008, UBND tỉnh Bình Phước ra quyết định thu hồi 200ha để giao cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước.

Cũng trong năm này, lấy lý do “rừng nghèo kiệt”, Sasco đề nghị UBND tỉnh Bình Phước cho chuyển 105ha trong diện tích 345ha được giao sang trồng cao su, và được chấp thuận. Ngày 2/4/2009, Sasco ký hợp đồng liên doanh trồng cao su với BQLRKT Suối Nhung, do ông Trần Tấn Minh làm đại diện (cũng là chủ rừng) trên diện tích 105ha này, với tỷ lệ ăn chia: BQLRKT Suối Nhung hưởng 10%, Sasco 90%. Nhưng ngay sau khi đại diện cho BQLRKT Suối Nhung ký hợp đồng với Sasco, ông Minh lại lấy tư cách cá nhân ký liền hợp đồng liên doanh với Sasco cũng trên diện tích này. Theo nội dung ký kết, ông Minh sẽ bỏ toàn bộ chi phí khai hoang, cày ủi, trồng mới, chăm sóc và bảo vệ 105ha cao su cho đến khi mở miệng. Phần vốn góp của Sasco là 105ha đất, tỷ lệ ăn chia sản phẩm là ông Minh được hưởng 40% diện tích vườn cao su thực tế sau khi trồng; Sasco được 60% diện tích vườn cao su còn lại.

Đến cuối năm 2009, Saco lại tiếp tục được UBND tỉnh Bình Phước ban hành quyết định chuyển đổi 143,2ha “rừng nghèo kiệt” trong dự án sang trồng cao su.

Đất dự án của Sasco. Mặc dù đã được giao trồng cao su, nhưng nhiều khoảnh nhìn không có vẻ gì là vườn cao su.
Đất dự án của Sasco. Mặc dù đã được giao trồng cao su, nhưng nhiều khoảnh nhìn không có vẻ gì là vườn cao su.

Đầu năm 2010, Sasco tiếp tục ký hợp đồng liên doanh trồng cao su, diện tích 128,8ha (trong số 143,2ha được chuyển đổi trồng cao su) với BQLRKT Suối Nhung (đại diện là ông Minh, chủ rừng) và ngay sau đó lại ký hợp đồng thứ 2 cũng trên diện tích này về việc giao khoán cho cá nhân ông Minh trồng cao su. Theo đó, hình thức góp vốn, tỷ lệ ăn chia giữa Sasco giống hợp đồng 105ha nói trên. Còn hợp đồng giữa Sasco và cá nhân ông Minh thì Sasco phải chia cho ông Minh 48,1% chứ không phải 40% như hợp đồng trước.

Như vậy, với 2 dự án nói trên, ông Minh đã ký với Sasco 4 hợp đồng, 2 lần với tư cách đại diện chủ rừng, 2 lần với tư cách cá nhân. Và ông nghiễm nhiên trở thành “chủ nhân” của 233,8ha đất lâm nghiệp tại chính khu rừng của nhà nước do ông làm giám đốc.

Đút túi tiền tỷ từ đất, rừng

Trong nội dung các bản hợp đồng giữa Sasco ký với cá nhân ông Minh cũng như BQLRKT Suối Nhung đều ghi rõ: “quyền lợi các bên được hưởng sau thời kỳ kiến thiết cơ bản, tức khi mở miệng cao su”. Nhưng trên thực tế, ông Minh đã âm thầm đút túi hàng trăm triệu đồng/năm từ diện tích đất này, chỉ sau khi hợp đồng với Sasco được ký chưa bao lâu bằng cách cho người dân thuê đất trồng khoai mì với giá 4 triệu đồng/ha.

Chưa hết, ông Minh còn chia nhỏ diện tích rồi sang nhượng cho hàng chục người khác dưới hình thức “Hợp đồng giao đất trồng cao su” với giá thấp nhất khoảng 80 triệu đồng/ha. Trong số những người nhận chuyển nhượng với ông Minh, có đến 14 người là cán bộ trong các cơ quan nhà nước của tỉnh Bình Phước.

Ảnh: Phúc Lập
Ảnh: Phúc Lập

Mặc dù, trong quyết định phê duyệt dự án của UBND tỉnh Bình Phước ghi rõ, Sasco phải đầu tư 100% vốn. Nhưng trên thực tế, ngay sau khi được giao dự án, Sasco đã ký hợp đồng giao hết cho ông chủ rừng Trần Tấn Minh. Trong suốt quá trình thực hiện dự án, Sasco chỉ mới trồng được 18ha cao su và xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi, làm một số công trình phụ với chi phí khoảng 3 tỷ đồng. “Tôi sống ở đây mấy chục năm nay nên biết rất rõ, từ khi Sasco có dự án đến giờ, chưa thấy người của họ đến làm bao giờ, vì cả 2 dự án trồng cao su, Sasco đều đã ký hợp đồng giao khoán hết cho ông Minh.

Đang là chủ rừng mà ông Minh lại lấy tư cách cá nhân ra để ký hợp đồng nhận khoán trên diện tích do đơn vị mình quản lý. Như vậy có đúng không? Hồi mới nhận dự án, Sasco cũng đầu tư một khu chuồng trại chăn nuôi, sau đó mua đàn bò cũng cả trăm con lên đây thả nuôi, nhưng chưa được bao lâu thì bò bệnh, chết sạch, nên họ bỏ luôn đến giờ, không làm gì nữa”, ông Ng.Đ., ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, một trong số những nạn nhân của dự án Sasco nói.

Theo tài liệu chúng tôi có được, tháng 5/2006, ông Nguyễn Tấn Minh, với vai trò là giám đốc BQLRKT Suối Nhung, nhận bàn giao hiện trạng rừng Suối Nhung với BQL cũ, khi đó, phần ghi hiện trạng rừng tự nhiên tại TK363: “Tổng diện tích 1.022ha. Rừng bị phá trong các năm 2004 – 2006 gần 97ha”. Như vậy, lúc ông Minh nhận bàn giao, TK363 có đến hơn 925ha là rừng tự nhiên. Nhưng chỉ sau vài năm ông làm chủ rừng, số diện tích thu hẹp dần. Hiện nay chưa có số liệu chính xác về diện tích thực còn lại của rừng tự nhiên tại TK363, nhưng theo ước đoán của người dân địa phương thì “giỏi lắm còn vài chục ha, và trong đó cũng chỉ toàn gỗ tạp”.

Tương tự, trong diện tích 545ha rừng Sasco được giao khoán, chỉ có 63,5ha đất không có rừng, phần lớn diện tích còn lại (481,5ha) là rừng IIIaI; IIb, Sasco phải “khoanh nuôi, bảo vệ”. Nhưng chỉ 2 năm sau, đã có hơn 248ha rừng “nghèo kiệt”. Điều đó cho thấy, việc “khoanh nuôi, bảo vệ” của Sasco như thế nào!

Trước những sai phạm “rõ như ban ngày” của ông Trần Tấn Minh và Sasco, Phòng An ninh Kinh tế (PA81), Công an tỉnh Bình Phước đã vào cuộc điều tra, sau đó kết luận và đề xuất: tiếp tục điều tra làm rõ những sai phạm của các cá nhân, tập thể nói trên, đề nghị thu hồi 345ha dự án đã giao cho Sasco. Tuy nhiên, tháng 10/2013, UBND tỉnh Bình Phước có quyết định cho Sasco và 2 doanh nghiệp khác được tiếp tục thực hiện dự án.

Nhưng 6 tháng sau, tức tháng 4/2014, UBND tỉnh lại ra quyết định khác, thu hồi dự án của 2 doanh nghiệp, riêng Sasco được tiếp tục thực hiện với điều kiện giao lại cho địa phương 30% diện tích cao su đã trồng để làm Quỹ An sinh xã hội. Ông Trần Tấn Minh đã “hạ cánh an toàn” trước đó, nhưng vẫn “làm mưa làm gió” với dự án của Sasco, đồng thời, kéo thêm 1 doanh nghiệp khác nhảy vào, cùng sai phạm..