Bộn bề thách thức với tài chính xanh

ThienNhien.Net – Trong bối cảnh đa dạng sinh học bị suy giảm, thảm họa do thiên tai và biến đổi khí hậu đang trở thành một thách thức lớn đối với Việt Nam, việc tiếp tục áp dụng mạnh mẽ hơn các chính sách tài chính để bảo vệ tài nguyên, môi trường là hành động cần thiết để hướng tới phát triển bền vững.
240516_taichinhxanh
Áp dụng nhiều chính sách tài chính xanh

Tăng trưởng xanh đã được Chính phủ xác định là một chiến lược nhằm hướng đến phát triển bền vững. Để thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược tăng trưởng xanh, Chính phủ cũng đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, trong đó có 2 hành động liên quan đến lĩnh vực tài chính – NSNN được giao cho Bộ Tài chính chủ trì là hình thành khung chính sách tài chính tăng trưởng và chi tiêu công theo tiêu chuẩn xanh.

Trên thực tế, tài chính xanh và ngân hàng xanh đã được chú trọng và từng bước phát triển ở Việt Nam qua nhiều năm, thể hiện qua nhiều nhóm chính sách khác nhau từ thuế, phí, chi NSNN đến tín dụng và ngân hàng.

Điểm lại các nhóm chính sách này có thể thấy, các chính sách thuế, phí từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia. Có thể kể đến Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2011 đã đưa ra 8 đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường; Pháp lệnh Phí và lệ phí của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã áp dụng thu phí đối với các hoạt động khai thác khoáng sản (dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại) và các hoạt động có liên quan đến xử lý nước thải (nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt ra môi trường).

Trong khi đó, chính sách thuế tài nguyên áp dụng dựa trên Luật Thuế tài nguyên năm 2009 đã trở thành công cụ quan trọng hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác giám sát, quản lý các hoạt động khai thác tài nguyên, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên đối với phát triển kinh tế bền vững. Quy định về mức thuế suất đã đảm bảo nguyên tắc “tài nguyên không có khả năng tái tạo” áp dụng mức thuế suất cao, “tài nguyên có khả năng tái tạo” áp dụng mức thuế suất thấp.

Các chính sách thuế TNDN, thuế TTĐB, thuế XNK, thuế GTGT đang từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng. Ví dụ như, bắt đầu từ 1-1-2014, chính sách thuế TNDN hỗ trợ đối với tăng trưởng xanh là 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường; thu nhập của doanh nghiệp từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; 10% trong 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới ứng dụng công nghệ cao; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường. Đồng thời, doanh nghiệp được miễn thuế tối đa 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo và 20% trong 10 năm, miễn thuế 12 năm, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Một số chính sách thuế khác cũng khuyến khích bảo vệ môi trường, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng xanh như áp dụng riêng mức thuế suất thuế TTĐB thấp đối với mặt hàng xăng sinh học xăng E5 là 8%, xăng E10 là 7% và cao hơn với xăng RON 92 là 10%; miễn thuế NK đối với hàng hóa NK để sử dụng trực tiếp vào họat động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và áp dụng thuế XK đối với khoáng sản; đưa dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 10%.

Phải coi là cơ hội kinh doanh

Tuy đã có nhiều biện pháp tài chính xanh để thúc đẩy tăng trưởng xanh, song, nhiệm vụ này còn nhiều thách thức khi đa dạng sinh học đang bị suy giảm, môi trường ngày càng xuống cấp và thảm họa do thiên tai, biến đổi khí hậu luôn rình rập.

Theo TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, vấn đề đầu tiên cần nâng cao chính là nhận thức đối với tài chính xanh và ngân hàng xanh. Thực tế, nhận thức của xã hội về tài chính xanh còn rất hạn chế, chủ yếu coi đó là một phương thức đơn thuần để bảo vệ môi trường; chưa xác định là một phương án, cơ hội kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh tính rủi ro khi đầu tư vào các dự án xanh còn cao. Việc nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp hành chính, các công cụ kinh tế thúc đẩy lối sống, sinh hoạt và tiêu dùng thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ môi trường, hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường sẽ từng bước góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về tài chính xanh.

Về cơ chế, chính sách, hệ thống quy định luật pháp hỗ trợ phát triển các thể chế tài chính xanh và ngân hàng xanh vẫn chưa được hoàn thiện, chưa có công cụ chính sách để hỗ trợ cho các ngân hàng đánh giá rủi ro của các dự án đầu tư có liên quan đến ô nhiễm môi trường. Hiện nay, ngoài một số ngân hàng thương mại lớn (Vietinbank, Techcombank, Sacombank…), đa số các ngân hàng chưa đủ năng lực để cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính xanh. Theo đánh giá từ Tổ chức Hợp tác phát triển GIZ (Đức), các ngân hàng Việt Nam thiếu kinh nghiệm về các công nghệ mới, gặp khó khăn về các khoản tín dụng cho năng lượng mới bởi các ngân hàng thương mại thường đánh giá rủi ro của các dự án này còn cao, do đó, giảm hỗ trợ vốn so với các dự án thông thường. Đối với các ngân hàng thương mại đã có hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội, Ngân hàng Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để các ngân hàng này có thể cung cấp các dịch vụ tài chính xanh cho dự án đầu tư, thúc đẩy các ngân hàng này thành tiên phong, đi đầu, tạo động lực kích thích xây dựng ngân hàng xanh đối với các ngân hàng thương mại khác.

Một vấn đề khá quan trọng nữa là nguồn lực tài chính. Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc đa dạng hóa nguồn lực, tăng cường hợp tác công tư nên là một lựa chọn ưu tiên để phát triển tài chính xanh, ngân hàng xanh. Theo đó, ngoài hỗ trợ từ NSNN cần tăng cường huy động nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, khu vực tư nhân, đặc biệt là nguồn đầu tư nước ngoài cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Ngoài ra, cùng với việc phát triển ngân hàng xanh, thị trường tài chính xanh, cụ thể là chứng khoán xanh và trái phiếu xanh cũng cần phát triển để tạo thêm kênh thu hút vốn hiệu quả cho tăng trưởng xanh.

Xét về năng lực triển khai tài chính xanh, theo TS. Nguyễn Viết Lợi, hiện đa số ngân hàng chưa đủ năng lực cung cấp các sản phẩm và dịch vụ này, do đó, cần tăng cường năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho nhóm các chuyên gia tư vấn kỹ thuật, đồng thời tăng cường năng lực xem xét thẩm định các dự án tăng trưởng xanh cho khối ngân hàng, cũng như tăng kết nối giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.