Giải quyết hậu quả ô nhiễm trên biển: Nhà nước không nên làm mọi việc

ThienNhien.Net – Tại Hội thảo lấy ý kiến về Quy định chi tiết bộ tiêu chí đánh giá và Quy chế phòng ngừa, ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, hoá chất độc trên biển, nhiều ý kiến cho rằng việc khắc phục nên xã hội hoá chứ không phải việc gì Nhà nước cũng làm hết.

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) sẽ tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ xin thành lập thêm nhiều trạm quan trắc tự động, hoàn thiện Chi cục Biển và Hải đảo ở một số tỉnh, thành.

Giải quyết bất cập khi biển ô nhiễm

“Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, hoá chất độc hại trên biển, việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, hoá chất độc trên biển là vô cùng cần thiết. Đây sẽ là văn bản Quy chế kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi sau khi được ban hành”.

Đây là nhận định của ông Đỗ Văn Sen – Cục trưởng Cục Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển trong hội thảo trên do Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) phối hợp với Sở TN&MT Nam Định tổ chức lấy ý kiến. Đây là một trong những nội dung hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo.

Ông Sen khẳng định: Quy chế này sẽ tạo ra cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức cá nhân trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, hoá chất độc trên biển. Đồng thời, đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia và giải quyết những bất cập còn tồn tại trong thực tiễn.

Cá chết ở bờ biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh (Ảnh: phapluatplus.vn)
Cá chết ở bờ biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh (Ảnh: phapluatplus.vn)

Cần có cơ chế xã hội hóa

Góp ý kiến cho văn bản Quy chế tại buổi hội thảo, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo tỉnh Thanh Hoá cho rằng, văn bản Quy chế cần có đề cương đánh giá tác động môi trường với nội dung chi tiết, rõ ràng hơn nữa bởi tiêu chí xác định nguy cơ hoá chất độc trên biển vô cùng khó khăn. Trong khi đó, hiện Quy chế Phòng ngừa, ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu năm 2013 (Quy chế 02) vẫn còn tồn tại nên cần điều chỉnh để văn bản mới không chồng chéo với văn bản cũ.

Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo Quảng Ninh góp ý rằng, văn bản mới cần ban hành thủ tục hành chính và có khoanh vùng phạm vi ô nhiễm rõ ràng để xử lý vi phạm những sự cố này nhanh và hiệu quả nhất. Văn bản mới cũng cần bám sát Luật TN&MT biển, hải đảo để thống nhất, đồng bộ từ cấp Trung ương xuống địa phương, giúp các cơ quan quản lý dễ kiểm soát, triển khai giải pháp và đầu tư, hỗ trợ trong thời gian tới.

Đại diện Chi cục Biển và Hải đảo Hải Phòng cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế xã hội hóa công tác này, khuyến khích các doanh nghiệp có khả năng  xử lý sự cố tràn dầu, hóa chất độc hại trên biển. Nếu chỉ cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ này sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Tại các địa phương, nên đưa danh mục dự án đầu tư xử lý sự cố tràn dầu, chất độc hại trên biển được vay vốn của Quỹ Bảo vệ môi trường.

Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ xin thành lập thêm nhiều trạm quan trắc tự động, hoàn thiện Chi cục Biển và Hải đảo ở một số tỉnh, thành. Đồng thời, tiếp tục xin ý kiến góp ý từ địa phương để hoàn thiện văn bản Quy chế khi được ban hành đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao…