Cá chết do thủy triều đỏ: Nhà khoa học phản bác kịch liệt

ThienNhien.Net – GS. TS. Mai Đình Yên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho rằng, nói cá chết do tảo nở hoa là thiếu cơ sở và không thuyết phục. Nếu nói là độc tố thì còn chấp nhận được…

Chiều tối ngày 27/4, trong cuộc họp báo, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra sơ bộ nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung. Theo đó, có hai nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt.

Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển.

Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của tảo mà còn được gọi là hiện tượng thủy triều đỏ.

Tuy nhiên, báo cáo sơ bộ và hướng điều tra này của Bộ TN-MT khiến cho nhiều nhà khoa học và dư luận xã hội phản ứng gay gắt đưa ra nhiều ý kiến khác nhau.

Cá chết trôi dạt vào bờ sông Nhật Lệ (TP.Đồng Hới, Quảng Bình) sáng 25/4. (Ảnh: LĐO)
Cá chết trôi dạt vào bờ sông Nhật Lệ (TP.Đồng Hới, Quảng Bình) sáng 25/4 (Ảnh: LĐO)

Liên quan tới hiện trượng tảo nở hoa còn được gọi là thủy triều đỏ, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS. TS. Mai Đình Yên, khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết: “Tôi đồng ý với những kết luận cho rằng cá chết không phải do dịch bệnh. Cá chết do độc tố, phải nói rằng liều lượng độc ở đây là rất cao.

Cá chết do độc ở đây có hai nguyên nhân, một là do thiếu oxy, khiến cá không thở được mà chết. Cá chết do thiếu oxy thì vẫn dùng được; hai là cá chết do ngộ độc, cá này không thể dùng được vì ăn phải độc tố ngộ độc mà chết, phải nói rằng liều lượng độc ở đây rất cao mới khiến cá chết hàng loạt như vậy”.

 Thủy triều đỏ từng xuất hiện bờ biển Bình Thuận. Ảnh: Viện Hải dương học Nha Trang.
Thủy triều đỏ từng xuất hiện bờ biển Bình Thuận. Ảnh: Viện Hải dương học Nha Trang.

GS. TS. Mai Đình yên đưa ra quan điểm: “Nguyên nhân cá chết do những chất gì gây ra thì cần phải có một công bố thống nhất của các phòng xét nghiệm phân tích hóa học mẫu nước, xem có bao nhiêu kim loại nặng, kể cả là phóng xạ. Sau khi phân tích mẫu nước, chúng ta tiếp tục phân loại các loài cá, ốc trai hến… rồi làm xét nghiệm phân tích độc tố từ trong những loại cá đó”.

“Cùng với việc phân tích mẫu nước, cá, ốc hến… chúng ta tiến hành lấy mẫu các loài phù du để tiến hành xét nghiệm tiếp để xem “tảo đỏ” là cái gì chết, loài nào chết và loài nào còn sống dẫn đến hiện tượng “tảo đỏ””, GS. TS. Mai Đình yên nói.

“Với những thông tin mà Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nguyên nhân cá chết là do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ. Theo tôi là thiếu cơ sở và không thuyết phục, nếu nói là độc tố thì còn chấp nhận được, nếu do thủy triều đỏ thì không có lý do gì mà lại chỉ xuất hiện ở 4 tỉnh”, GS. TS. Mai Đình Yên đưa ra quan điểm riêng.

GS. TS. Mai Đình Yên chia sẻ, “tảo đỏ” tức là tảo nở hoa, phát triển một cách rất bình thường, do thiếu thức ăn, thiếu ánh sáng khiến nó chết dẫn đến có màu sắc đỏ, hoặc màu xanh… Khi dạt vào bờ nó sẽ gây mùi hôi thối khó chịu.

Tảo nở hoa không thể khiến cá chết đột ngột, tức thời như vừa qua mà không có dấu hiệu rõ ràng.

Nó thường xảy ra gần bờ chứ không ở ngoài xa và sẽ gây cá chết tầng mặt chứ không phải tầng đáy.