Công nghiệp hạt nhân Trung Quốc đang vươn ra toàn cầu

ThienNhien.Net – Thật khó có thể tưởng tượng một nhà máy điện hạt nhân châu Âu lại được xây dựng và vận hành bởi Trung Quốc. Thế nhưng, tại Vương quốc Anh, các lò phản ứng hạt nhân đang sắp được khởi công với sự tham gia của Trung Quốc và hơn nữa, đó mới chỉ là bước khởi đầu. Các tập đoàn năng lượng Trung Quốc đang khởi động nhiều dự án mới trên toàn cầu và có tiềm năng trở thành nhà cung cấp công nghệ hạt nhân dân sự lớn trên thế giới.

Lò phản ứng hạt nhân tại Liên Vân Cảng, Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock.com)
Lò phản ứng hạt nhân tại Liên Vân Cảng, Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock.com)

Chiến lược năng lượng hạt nhân của Trung Quốc

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng quốc gia này trở thành nhà cung cấp hàng hóa công nghệ cao toàn cầu, với mục tiêu nắm bắt các ngành công nghiệp chiến lược như quang điện, đường sắt trên cao, chip máy tính cùng các thị trường toàn cầu của chúng. Với chiến lược “Một vành đai, một con đường”, Trung Quốc có mục tiêu định hình hội nhập kinh tế và thương mại toàn cầu với những điều kiện do Trung Quốc đề ra, đưa công nghệ hạt nhân thành một thương hiệu xuất khẩu công nghệ cao giống như đường sắt trước đây. Cơ hội kinh doanh này là vô cùng tươi sáng, bởi xây dựng một nhà máy điện hạt nhân có giá trị tương đương với việc xuất khẩu vài trăm ngàn chiếc ô tô.

Lãnh đạo Trung Quốc đã ráo riết tận dụng các chuyến viếng thăm để đàm phán thỏa thuận hạt nhân, với hứa hẹn hỗ trợ tài chính hào phóng. Kế hoạch cho những năm tiếp theo luôn được chuẩn bị kĩ lưỡng từ trước. Dựa trên công nghệ của nước ngoài kết hợp với những nghiên cứu riêng, Trung Quốc đã tự phát triển lò phản ứng thế hệ thứ ba. Các lò phản ứng cao cấp Hualong-1, CAP1400 và thiết kế lò phản ứng làm mát bằng khí gas (HTR) đều đang hướng tới chinh phục thị trường quốc tế.

Phần hồng đậm là tỷ lệ cổ phần thuộc về Trung Quốc tại các dự án năng lượng hạt nhân trên toàn cầu. (Ảnh cung cấp bởi Viện Mercator nghiên cứu về Trung Quốc tại Berlin)
Phần hồng đậm là tỷ lệ cổ phần thuộc về Trung Quốc tại các dự án năng lượng hạt nhân trên toàn cầu. (Ảnh cung cấp bởi Viện Mercator nghiên cứu về Trung Quốc tại Berlin)

Tham vọng xuất khẩu công nghệ hạt nhân của Trung Quốc trùng hợp với thời điểm thị trường có xu hướng tăng, và Trung Quốc muốn giành một phần chiếc bánh. Thế nhưng, thị trường hạt nhân toàn cầu vốn đã được phân chia bởi các công nghệ từ Canada, Pháp, Nga, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Do công nghệ tự phát triển của Trung Quốc chưa đạt tới uy tín ngang bằng, các công ty Trung Quốc tìm kiếm giải pháp là sử dụng lò phản ứng của quốc gia khác nhưng kinh phí và chuyên gia xây dựng của Trung Quốc.

Tháng 10 năm 2015, China General Nuclear (CGN), một trong 3 doanh nghiệp hạt nhân lớn tại Trung Quốc, đã đồng ý hợp tác với Electricite de France (EDF) trong hạng mục đầu tư, xây dựng, và vận hành 2 lò phản ứng hạt nhân tại Hinkley Point C, Vương quốc Anh. Thiết kế lò phản ứng do EDF cung cấp. Tương tự, CGN và đối thủ lớn nhất trong nước là Tập đoàn hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) đã ký thỏa thuận với Romania và Argentina xây dựng lò phản ứng CANDU-6 do Canada thiết kế.

Tất cả những dự án trên mới chỉ là bước đầu, nhằm xây dựng kinh nghiệm tại nước ngoài cho các doanh nghiệp Trung Quốc, xây dựng lòng tin với các khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng. Sau cùng, Trung Quốc sẽ tìm cách bán các thiết kế lò phản ứng riêng của mình, đặc biệt là Hualong-1 và CAP1400. Chiến lược này có vẻ khá triển vọng.

Các doanh nghiệp hạt nhân Trung Quốc xây dựng các dự án với lò phản ứng Hualong-1 trên cơ sở kết hợp với công nghệ của nước ngoài. Hợp đồng xây dựng các lò phản ứng tại Hinkley Point C cùng EDF cũng bao gồm thỏa thuận hướng tới xây dựng một lò phản ứng Hualong-1 tại Bradwell. Chính phủ Anh vẫn chưa đưa ra quyết định về dự án, trong khi chính phủ Argentina đã cho phép xây dựng một lò phản ứng Hualong-1 tại vùng Atucha, tỉnh Buenos Aires.

Trong khi đó, Tập đoàn đầu tư năng lượng Quốc gia (SPIC), doanh nghiệp hạt nhân lớn thứ ba Trung Quốc, hiện đang đàm phán với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về việc xây dựng 2 lò phản ứng CAP1400. Tháng 8 năm 2015, dự án xây dựng Hualong-1 ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc đã khởi công tại Karachi (Pakistan). Các dự án cao cấp nhất của CNNC được thực hiện tại Pakistan, với 2 lò phản ứng cỡ nhỏ đã đi vào hoạt động và hai lò khác đang triển khai xây dựng.

Vậy làm thế nào Trung Quốc có thể thâm nhập vào một thị trường đã bị thống trị bởi các quốc gia khác trong nhiều thập kỷ?

Trung Quốc cung cấp một gói hoàn chỉnh bao gồm cả công nghệ, tài chính và xây dựng. Với 30 nhà máy hạt nhân đang hoạt động và 21 công trình đang được xây dựng tại nước nhà, quốc gia này đã thu thập được nhiều kiến thức về cách thức xây dựng và vận hành một nhà máy hạt nhân. Thêm vào đó, chính phủ Trung Quốc cũng hỗ trợ các dự án nước ngoài với vốn vay ưu đãi.

Tài trợ từ ngân hàng Trung Quốc cho hoạt động của các doanh nghiệp năng lượng hạt nhân toàn cầu
Tài trợ từ ngân hàng Trung Quốc cho hoạt động của các doanh nghiệp năng lượng hạt nhân toàn cầu

Với những nguồn lực kể trên, các doanh nghiệp hạt nhân có đủ khả năng để khởi động dự án mới và tái khởi động các dự án bị đình trệ trước đó do thiếu hụt tài chính. Trước khi có sự tham gia của CGN, dự án Hinkley Point C đã không đủ khả năng tài chính dù có bảo lãnh vay vốn tới 2 tỷ bảng Anh từ phủ Vương quốc Anh. Tương tự, dự án Cernavoda tại Romania trước đó cũng ở trước bờ vực thất bại, khi GDF Suez, CEZ và RWE, cùng các cổ đông lớn khác rút khỏi dự án.

Những quan ngại về an toàn và vũ khí hạt nhân

Năng lượng hạt nhân không bao giờ an toàn 100%, thế nhưng với công nghệ chưa được kiểm chứng, ngành công nghiệp hạt nhân của Trung Quốc đang bị đặt dưới áp lực chứng minh uy tín. Xing Ji, trưởng nhóm thiết kế lò phản ứng Hualong-1, tuyên bố đây là một trong những lò phản ứng an toàn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, bản thân Trung Quốc mới chỉ bắt đầu xây dựng các dự án Hualong-1 tại Phúc Kiến và Quảng Tây. Mọi dự án nước ngoài có khả năng áp dụng các công nghệ do Trung Quốc phát triển trong tương lai, đặc biệt là dự án Karachi đang tiến hành xây dựng tại Pakistan, sẽ là những thử nghiệm mạo hiểm.

Điều Trung Quốc cần là phải thuyết phục các khách hàng tương lai về công nghệ của mình. Điều này đã được thực hiện phần nào khi Hualong-1 vượt qua Đánh giá an toàn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào tháng 12 năm 2014. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là vượt qua đánh giá của Châu Âu và các quy trình tương tự tại Vương quốc Anh. Quy trình gắt gao này không chỉ trải qua những 5 năm, mà còn hao tốn nhiều tiền với vô số cuộc kiểm nghiệm kỹ lưỡng. Nếu vượt qua được sự phê chuẩn quan trọng này, Hualong-1 sẽ tạo ra một cú hích thực sự trên thị trường toàn cầu. Đồng thời, kết quả đánh giá sẽ quyết định thành công của những tham vọng bên ngoài lãnh thổ của Trung Quốc.

Các lò phản ứng do Trung Quốc xây dựng tại nhiều quốc gia với một khung điều chỉnh hạt nhân hoàn thiện được kỳ vọng là sẽ an toàn tương đương những lò phản ứng hiện đang vận hành tại các quốc gia đó. Ngoài ra, các doanh nghiệp hạt nhân Trung Quốc cũng cố gắng khai thác các thị trường không có nhiều kinh nghiệm hạt nhân như Kenya, Jordan và Algeria. Trong khi đó, các nhà quản lý hạt nhân Trung Quốc hiện đang phải vật lộn trong việc giám sát xây dựng trong nước, sẽ khó có thể đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn của thiết bị hạt nhân xuất khẩu. Các khách hàng tương lai của Trung Quốc cũng có thể không đủ khả năng để đánh giá mức độ an toàn của các dự án hạt nhân.

Trung Quốc cũng sẽ đối mặt với áp lực tuân thủ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân khi mở rộng thương mại năng lượng hạt nhân. Pakistan hiện là khách hàng quan trọng nhất của công nghệ hạt nhân Trung Quốc. Với đơn vị chủ thầu CNNC, hoạt động tại Pakistan là trọng tâm trong chiến lược toàn cầu. Tại đây, Trung Quốc có điều kiện tốt nhất để thử nghiệm công nghệ ra nước ngoài mà không phải cạnh tranh với các nhà cung cấp khác.

Tuy nhiên, những hợp đồng này có thể làm yếu đi các cơ chế toàn cầu nhằm kiểm soát sự mở rộng của vật liệu và công nghệ liên quan đến vũ khí hạt nhân. Tập đoàn Cung cấp năng lượng hạt nhân, bao gồm các quốc gia xuất khẩu công nghệ hạt nhân quan trọng nhất, đều cấm cung cấp các thiết bị hạt nhân cho các quốc gia không tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân như Pakistan. Các hoạt động của Trung Quốc tại Chashma và Karachi đã và đang làm ảnh hưởng đến Hiệp ước này, thậm chí có thể góp phần làm xấu thêm tình hình an ninh tại Nam Á.

30 năm tới, hàng loạt lò phản ứng sẽ được Trung Quốc xây dựng bên ngoài lãnh thổ, thậm chí dùng thiết kế của chính Trung Quốc. Trong khi mối quan tâm lớn nhất đối với Trung Quốc và cả các khách hàng nước ngoài là đảm bảo công nghệ an toàn, thì kinh nghiệm với các dự án trình diễn tại Phúc Kiến và Quảng Tây sẽ quyết định thành công của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.  Bởi lẽ, nếu được chứng minh là không an toàn, thì dù có được hỗ trợ tài chính hào phóng, khách hàng quốc tế cũng sẽ từ chối mua công nghệ. Còn rất nhiều điều phải làm nếu Trung Quốc thực sự muốn trở thành cường quốc công nghệ hạt nhân toàn cầu, trong đó, bước quan trọng là chứng minh một ngành công nghiệp hạt nhân minh bạch và cơ chế an toàn ngay trong các dự án tại Trung Quốc.