Đồng bằng sông Cửu Long: Một mối nguy khác

ThienNhien.Net – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang là tâm điểm quan tâm của cả nước trong đợt hạn hán và xâm nhập mặn vừa qua. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là đó không phải mối nguy duy nhất mà đồng bằng lớn thứ ba thế giới này đang phải đối mặt. Sụt lún, xói lở bờ biển cũng đang được xác nhận là một thách thức lớn đối với sự toàn vẹn của ĐBSCL. Điều này một lần nữa được nhận diện rõ ràng hơn qua báo cáo khoa học Liên hệ giữa xói lở nhanh ở Đồng bằng sông Cửu Long và các hoạt động của con người.

Diện tích đất mất mỗi ngày tương đương 1,5 sân bóng đá

Báo cáo do tác giả Edward J. Anthony thuộc Đại học Aix-Marseille (Pháp) cùng các cộng sự thực hiện và công bố cuối năm 2015 trên trang nature.com.

Sử dụng ảnh vệ tinh SPOT 5 có độ phân giải cao, các tác giả báo cáo đã định lượng sự xói lở bờ biển và mất đất trên quy mô lớn ở ĐBSCL trong khoảng thời gian từ 2003 đến 2012.

Biến động đường bờ biển vùng ĐBSCL đã được báo cáo mô tả theo 3 đoạn đường bờ biển: bờ biển với cát chiếm ưu thế ở khu vực các cửa sông, bờ biển với bùn chiếm ưu thế ở đoạn đường bờ Biển Đông và bờ biển với bùn chiếm ưu thế ở đoạn bờ Vịnh Thái Lan.

Theo đó, hiện tượng xói lở chủ yếu xảy ra ở các đoạn bờ biển với đất bùn với tốc độ trung bình trên 50m/năm ở nhiều nơi, đặc biệt là dọc theo 183km đoạn bờ biển phía Biển Đông với gần 90% chiều dài đường bờ bị xói lở.

Tỷ lệ mất đất giai đoạn 2003- 2012 lên đến gần 2,3 km2 /năm dọc theo đoạn bờ biển phía Biển Đông, lớn hơn rất nhiều so với tốc độ mất đất giai đoạn 1885-1985, được xác định từ bản đồ là 1,2km2 /năm.

Giai đoạn 2003-2012, hơn 50% chiều dài đường bờ 600km của ĐBSCL có hiện tượng xói lở với sự biến đổi đường bờ đáng chú ý, tăng so với 40% của giai đoạn 1973-2003.

Trong khi đó, mặc dù xói lở ở đoạn bờ Vịnh Thái Lan ít nghiêm trọng hơn nhưng hiện tượng này cũng đã xảy ra với trên 60% chiều dài 200km của đoạn bờ này.

Tóm lại, giai đoạn 2003- 2012, ĐBSCL đã bị mất hơn 5 km2 đất ven biển, riêng trong giai đoạn 2007-2012 mất một diện tích tương đương với 1,5 sân bóng đá mỗi ngày.

Theo báo cáo, hiện tượng xói lở trên diện rộng này trái ngược với xu thế mở rộng mạnh mẽ vùng đồng bằng này về phía tây nam trong ba thiên niên kỷ qua. Mặc dù lượng xói lở ròng được giảm nhẹ bằng lượng bồi tụ cát ở vùng cửa sông đồng bằng, song hiện tượng xói lở và bồi tụ dọc bờ vẫn cho thấy những biến động đáng lo ngại.

Ảnh: Bạch Dương/PanNature
Ảnh: Bạch Dương/PanNature

Giảm trầm tích do các hoạt động của con người

Báo cáo đã tìm hiểu mối liên hệ cơ học trực tiếp và gián tiếp giữa hiện tượng xói lở đồng bằng với ảnh hưởng từ các hoạt động của con người và đã nhận định ba nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này: sự suy giảm đáng kể trầm tích lơ lửng từ sông Mê Kông do các thủy điện; hoạt động khai thác cát quy mô lớn trên sông và các kênh rạch; và lún đất do khai thác nước ngầm.

Theo báo cáo, đối với một vùng đồng bằng lớn như Đồng bằng sông Cửu Long, sự biến động đường bờ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như lượng trầm tích (bùn cát/trầm tích) cấp, dòng bùn cát và lắng đọng bùn cát, quá trình sụt lún, mực nước biển, sóng và dòng chảy.

Theo đó, sự suy giảm lượng trầm tích là yếu tố chính gây ra hiện tượng xói lở ở hơn 300km bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Kết quả tính toán từ số liệu ảnh vệ tinh MERIS giai đoạn 2003-2012 cũng cho thấy một xu hướng dài hạn suy giảm mạnh mẽ nồng độ vật chất lơ lửng với khoảng 5%/năm. Sự suy giảm lượng vật chất lơ lửng hàng năm này đã đóng góp vào xu thế suy giảm trầm tích ngay cả trong mùa nước lớn khi mà sông tải vật chất lơ lửng ra biển.

Sự sụt giảm liên tục gần đây của mật độ trầm tích lơ lửng ở ngoài khơi vùng đồng bằng được cho là chủ yếu do sự giữ lại trầm tích của đập trên sông Mê Kông. Báo cáo cũng dẫn chứng kết quả của một nghiên cứu trước đó cho rằng sự vận hành của tất cả các dự án thủy điện dự kiến trên sông Mê Kông sẽ làm tăng lượng trầm tích bị giữ lại trong các hồ chứa từ 11-12 triệu tấn/năm lên 70-73 triệu tấn/năm.

Ít được chú ý hơn so với tác động của các đập thủy điện, việc khai thác cát quy mô lớn trên dòng chính sông Mê Kông và các dòng nhánh ngày càng tăng kể từ năm 2000 do sức ép của tốc độ phát triển kinh tế cũng là một nguyên nhân gây xói lở ĐBSCL, theo nhận định của báo cáo. Cát bị bẫy lại ở các hố và lạch sâu do khai thác cát tạo nên được cho là nguyên nhân gây giảm lượng cát cung cấp cho các bãi biển nằm giữa các cửa sông thuộc ĐBSCL. Khai thác cát vì vậy là một mối quan ngại lớn đến sự ổn định của đường bờ đồng bằng, đặc biệt ở đoạn bờ cửa sông, nơi có nhiều trầm tích lắng đọng nhất.

Ngoài ra, sự sụt lún gia tăng nhanh do khai thác nước ngầm diễn ra ở vùng bờ đất bùn cao nhất phía bờ Biển Đông, cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi xói lở.

Báo cáo nhận định, với mức độ tổn thương cao như hiện tại ở ĐBSCL, lượng cung cấp trầm tích để giảm thiểu tác động của sóng và dòng – các tác nhân gây xói lở cũng như để cân bằng sụt lún và nước biển dâng – sẽ giảm đáng kể. Xói lở bờ biển ở vùng đồng bằng thiếu trầm tích sẽ tăng lên, tạo ra sự thay đổi địa mạo quy mô lớn đi kèm với mất diện tích đất và tài nguyên tại vùng đồng bằng lớn thứ ba trên thế giới này.

Từ đó, báo cáo khuyến cáo rằng việc tìm hiểu rõ hơn khả năng dễ bị tổn thương của ĐBSCL thông qua các phương pháp đo dòng trầm tích đáng tin cậy là vô cùng cần thiết nhằm tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu.

Bạch Dương

Nguồn: