Kinh nghiệm chống hạn: Israel và kinh nghiệm biến sa mạc thành cánh đồng màu mỡ

ThienNhien.Net – Trên thế giới, có nhiều “tấm gương” tuy gặp bất lợi về điều kiện tự nhiên nhưng đã biến khó khăn thành cơ hội và tự mình làm chủ hoàn toàn các vấn đề về trị thủy và cung cấp nước. Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã trao đổi với Đại sứ một số nước về kinh nghiệm quản lý, sử dụng nguồn nước, nhất là việc chống hạn.

Nằm giữa khu vực Trung Đông khô cằn, Israel có diện tích hơn 22.000 km2, trong đó 60% diện tích là sa mạc và thường xuyên đối mặt với nguy cơ hạn hán.

 Bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ Israel tại Việt Nam.

Bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ Israel tại Việt Nam.

Bất chấp thực tế khắc nghiệt này, Israel hiện là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu, không những đáp ứng đủ cho 95% nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường khác.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, Đại sứ Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar cho biết, trong thập kỷ qua, các nhà hoạch định chính sách ở Israel đã nhận ra rằng cách duy nhất để đối phó với tình trạng thiếu nước tự nhiên, trong khi dân số và chất lượng cuộc sống ngày càng tăng, là phải có một chính sách quốc gia về Quản lý tổng thể nguồn nước.

“Cuộc chiến không ngừng nghỉ với tình trạng thiếu nước đã giúp Israel nảy ra những hướng đi mới để dần hình thành các phương pháp dựa trên khả năng về kinh tế, quản lý và môi trường”, bà Shahar nói.

Israel đã phát triển một hệ thống tái chế, tinh lọc, tích trữ và chuyển nước thải đã qua xử lý nhằm đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho nông nghiệp.

Nước thải từ các hộ gia đình ở khu vực đô thị được xử lý tại các nhà máy, rồi đưa vào tưới cho những cánh đồng kế bên, thậm chí cho cả những vùng sa mạc không hề có giọt mưa nào.

Bà Đại sứ cho biết, Chính phủ Israel đã đầu tư hơn 500 triệu USD để xây dựng các nhà máy xử lí nước thải trên toàn quốc. Với bước đi chưa từng có tiền lệ này cùng các điều kiện, quy định thích hợp, Israel đã tái sử dụng được tới 86% nước thải cho mục đích tưới tiêu, từ đó duy trì và thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Ngoài ra, Israel cũng thực hiện việc điều chỉnh cơ cấu cây trồng để thích ứng với nước lợ hoặc nước thải, nước mặn…

Các nhà máy khử mặn

Theo Đại sứ Shahar, chỉ sau khi đã áp dụng tất cả các phương pháp có chi phí thấp và thân thiện với môi trường, Israel mới bắt đầu thực hiện chương trình khử mặn nước biển quy mô lớn.

Trong vòng 10 năm, Israel đã xây dựng 5 nhà máy khử mặn dọc theo bờ Địa Trung Hải tại các thành phố Ashkelon, Ashdod, Sorek, Palmachim và Hadera.

Những nhà máy này do tư nhân sở hữu nhưng được nhà nước bảo đảm bằng việc mua nước và bán cho người dân. Israel hiện sản xuất được hơn 300 triệu m3 nước ngọt từ công nghệ này, cung cấp tới 50% nhu cầu về nước uống, nước sinh hoạt và dự kiến tăng lên 70% vào năm 2050.

Nhờ đáp ứng được nhu cầu về nước, Israel có thể tập trung vào việc lên kế hoạch dài hạn hơn về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị.

Vấn đề con người

Bà Đại sứ nhấn mạnh, kinh nghiệm của Israel cho thấy, điều quan trọng nhất là phải cố gắng nâng cao ý thức của người dân trong việc tiết kiệm, tái sử dụng nước.

Năm 2012, Israel đã phát động một chiến dịch quốc gia về tiết kiệm nước, đưa ý thức bảo tồn nguồn nước vào chương trình giáo dục từ bậc mẫu giáo để dạy trẻ về giá trị của nước và cách tiết kiệm nước.

Bên cạnh đó, Israel cũng xây dựng các chiến dịch quảng cáo nhằm thúc đẩy việc bảo tồn và xây dựng ngành nước.

Người dân cũng được dạy cách sử dụng nước hiệu quả, không lãng phí, được hướng dẫn cách bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước. Điều này đã trở thành triết lý sống của người dân Israel.

“Những việc làm trên đã giúp chúng tôi giảm được khoảng 20% lượng nước tiêu thụ”, bà Shahar cho biết.

“Hiện tại, chúng tôi đã có một Kế hoạch tổng thể về nước cho tới năm 2050. Chương trình này tiếp tục tập trung vào việc bảo tồn và tái sử dụng nước thải cho nhu cầu nông nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của các nhà máy khử mặn nước biển để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nước trong tương lai”, bà nói thêm.

Bà Đại sứ khẳng định, các cơ quan chức năng của Israel vẫn đang làm việc tích cực để thực hiện hiệu quả Luật Nước bởi nguy cơ thiếu hụt nguồn nước tự nhiên và cuộc khủng hoảng về nước vẫn sẽ còn tiếp diễn.

Những công nghệ của Israel trong quản lý nguồn nước:

* Các phương pháp và công nghệ phục vụ việc tưới tiêu tiết kiệm, tự động hóa trong nông nghiệp.

* Phương pháp xác định vị trí bị rò rỉ nước trong đường ống ngầm để kiếm soát áp suất và quản lý hệ thống nước đô thị dễ dàng hơn.

* Các công nghệ liên quan đến an ninh nguồn nước và công tác quản lý của các ngành chức năng trong thời gian gặp khủng hoảng về nước.

* Công nghệ sử dụng nước hiệu quả và tái sử dụng nước trong ngành công nghiệp.

* Cách sử dụng nước bẩn-khai thác và tinh chế tại địa phương theo chỉ thị của Bộ Y tế Israel.

* Những phương pháp khử mặn hiệu quả về kinh tế…

Bài 2: Kinh nghiệm chống hạn: Phần Lan “không dựa vào thiên nhiên”