Xây resort không phép giữa Vườn Quốc gia Ba Vì: Ban Quản lý vườn dùng 8 tỉ đồng bán rừng vào việc gì?

ThienNhien.Net – Có một điều rất rõ ràng, đó là Le Mont Bavi Resort & Spa được xây dựng hoành tráng như hiện nay là bởi được “bật đèn xanh” trực tiếp từ Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Vì. Thực vậy, trong buổi làm việc sáng 1.3 với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Phi Truyền – Giám đốc Ban quản lý Vườn – đã liên tục sử dụng từ “nể nang” để bao biện cho trách nhiệm của cá nhân ông cũng như đơn vị quản lý.

Khu Le Mont Bavi Resort & Spa giữa Vườn Quốc gia Ba Vì.
Khu Le Mont Bavi Resort & Spa giữa Vườn Quốc gia Ba Vì.

Xây dựng trong sự… “nể nang”

Như 2 bài báo trước đã đề cập, câu chuyện kỳ lạ về siêu dự án Le Mont Bavi Resort & Spa được bắt đầu từ ngày 10.6.2008, khi VQG Ba Vì có tờ trình gửi Bộ NNPTNT xin chủ trương hợp đồng liên kết khoán quản, hoạt động du lịch sinh thái tại VQG. Đến ngày 1.7.2008, Bộ NNPTNT có công văn số 1847 giao VQG xây dựng đề án cụ thể, thời hạn liên kết không quá 50 năm.

Và đến ngày 22.8 cùng năm, bản hợp đồng liên kết đã được ký kết giữa VQG và Cty CFTD, trong đó Vườn giao cho CFTD 53ha diện tích rừng, đất lâm nghiệp và các công trình hạ tầng ở cốt 600 – 700 và 3,5ha ở cốt 800, sau này thêm 2 ha ở cốt 400 (bằng phụ lục hợp đồng ngày 16.12.2009). Thời hạn liên kết được tính 53 năm từ ngày 10.9.2008 đến 10.9.2061, trong đó có 3 năm là thời hạn “mở mang xây dựng”.

020316_vqg ba vi2

Nội thất và ngoại thất một khu nhà thuộc dự án Le Mont Bavi Resort & Spa đã đưa vào khai thác.
Nội thất và ngoại thất một khu nhà thuộc dự án Le Mont Bavi Resort & Spa đã đưa vào khai thác.

Theo hợp đồng, CFTD được phép tác động, đầu tư theo quy hoạch chung, các hoạt động kinh doanh gồm: Du lịch và nghỉ dưỡng, bán hàng lưu niệm; Tổ chức các hoạt động cắm trại, các hoạt động văn hóa, tổ chức sự kiện, vui chơi giải trí, các hoạt động thể thao, vật lý trị liệu, kinh doanh hoa, cây cảnh, để cho khách tham quan; Khai thác rừng CFTD trồng mới; Khai thác công trình do CFTD xây dựng hoặc được bàn giao khi liên kết… Đổi lại, VQG nhận tròn 8 tỉ đồng từ CFTD, bao gồm “chi phí ban đầu” 200 triệu đồng, “đóng góp để bù đắp thời gian mở mang xây dựng” 300 triệu đồng, 150 triệu đồng/năm liên kết (cho 50 năm) và một số khoản “tài trợ” khác.

Theo Giám đốc CFTD Lương Ngọc Anh: “Ngay sau khi ký hợp đồng, chúng tôi đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính và tiến hành các bước chuẩn bị thi công, làm chậm là bị Ban Quản lý VQG nhắc nhở”. Theo ông Lương Ngọc Anh, sau khi ký hợp đồng liên kết, từ 2008 đến 2012, doanh nghiệp này cho khảo sát, xây một số nhà tạm cho công nhân tại địa điểm cốt 600, đến năm 2014 thì xây dựng thành các khu resort như hiện nay. Việc xây dựng đều có văn bản chấp thuận của VQG.

Rõ ràng, Le Mont Bavi Resort & Spa không phải xây dựng “chui” mà được sự cho phép của VQG Ba Vì.

“Trước sau cũng được phê duyệt” (!)

Sáng 1.3, trao đổi với PV báo Lao Động, ông Nguyễn Phi Truyền thừa nhận mấu chốt của sự sai phạm nằm ở chỗ dự án này chưa được phê duyệt. Tuy nhiên, giải thích cho việc vẫn để chủ đầu tư là Cty CFTD tiến hành xây dựng công trình trong khi chưa được phê duyệt, vị giám đốc liên tục nói do… “nể nang”.

Ông Truyền cho biết, về cơ bản, dự án Le Mont Bavi Resort & Spa đã hoàn tất phần lớn các thủ tục pháp lý quan trọng, đặc biệt là Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nên ông có phần chủ quan. “Cá nhân tôi nghĩ rằng trước sau dự án này cũng được phê duyệt nên đã có phần chủ quan và nể nang…” – ông phân bua.

Ông Truyền cũng cho biết, về số tiền 8 tỉ đồng thu được từ hợp đồng liên kết, Cty CFTD đã chuyển đủ và được Ban Quản lý dùng với mục đích… bảo vệ, quản lý rừng.

Về vấn đề cấp phép xây dựng, người đứng đầu BQL Vườn Quốc gia Ba Vì nêu quan điểm cho rằng, theo khoản 2, Điều 89, Luật Xây dựng thì dự án cao cấp nói trên thuộc đối tượng được miễn giấy phép. Do đó theo ông này, việc xây dựng hàng chục căn biệt thự lớn – nhỏ cùng nhiều công trình hạng sang khác sẽ không phải làm thủ tục xin cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng thừa nhận, ưu đãi như thế chỉ có hiệu lực khi dự án được phê duyệt từ cấp bộ. “Mấu chốt của vấn đề vẫn nằm ở chỗ, văn bản quan trọng nhất là Quyết định phê duyệt dự án chưa được thông qua. Và theo tôi biết, đây cũng là thủ tục duy nhất còn thiếu” – ông Truyền nói.

Nói về quá trình xây dựng của dự án, ông Truyền cho hay, từ năm 2010 đến 2014, trong quá trình hoàn tất các thủ tục cần thiết, CFTD chỉ tiến hành dọn phát rãnh nước, cây cỏ để lấy mặt bằng, dọn gạch đá từ những biệt thự cũ từ thời Pháp để lại đồng thời cũng tiến hành xây dựng nhà tạm, lán cho công nhân, chuẩn bị sẵn các nguyên vật liệu… Đến tháng 6.2015, sau khi ĐTM được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt thì đơn vị này bắt đầu xây dựng.

“Theo quan điểm của chúng tôi, thủ tục đánh giá tác động môi trường là rất quan trọng nên sau khi đơn vị này hoàn tất, chúng tôi đã nể nang mà cho họ xây dựng. Tuy nhiên, đến tháng 10.2015 thì chúng tôi đã ra văn bản yêu cầu đơn vị này dừng thi công, đồng thời cũng có tờ trình báo cáo Bộ chủ quản” – ông Truyền thông tin thêm.

Trước câu hỏi, trong một thời gian rất ngắn, tại sao CFTD có thể xây dựng, hoàn thiện cơ bản cả một dự án hoành tráng và đã bắt đầu tiến hành kinh doanh, khai thác, ông Truyền lý giải: “Nhà sàn bằng khung cột họ đã chuẩn bị từ trước nên khi lắp ráp cũng rất nhanh. Các công trình vòng ngoài khác như cổng, tường bao…, họ chỉ cần thi công trong thời gian ngắn”.

Ông này cũng tái khẳng định, CFTD chỉ bắt đầu xây dựng kể từ sau khi được phê duyệt ĐTM, tức là chỉ khoảng nửa năm cho đến thời điểm PV báo Lao Động phát hiện ra vấn đề.

Mơ hồ và lúng túng

Làm việc với Lao Động, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Cao Chí Công cho rằng, những gì mắt thấy tai nghe tại khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa không được coi là vi phạm. “Tôi chưa đi hết, nhưng theo quan sát thì không có xây mới ở khu vực ấy, tất cả đều là cải tạo từ nền móng cũ. Thế nên không xâm phạm gì đến tài nguyên rừng” – ông Công nói.

Ông Trần Thế Liên – Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên thuộc Tổng cục Lâm nghiệp cùng quan điểm khi cho hay, về mặt chủ trương, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 4 sao đã tuân thủ đúng định hướng về “quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững VQG Ba Vì”, theo đó, Vườn QG Ba Vì được phép liên kết với các đơn vị bên ngoài để tổ chức hoạt động du lịch sinh thái. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý nhà nước, vị Vụ trưởng thừa nhận ông không biết dự án này đã hoàn tất đầy đủ các thủ tục pháp lý và được phép khai thác kinh doanh hay chưa (!?).

Trong động thái mới nhất, ông Cao Chí Công cho biết thêm, dự kiến trong ngày 2.3, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ có văn bản báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông Công cũng cho biết, phía tổng cục chỉ nắm được thông tin về dự án sau khi VQG Ba Vì trình lên. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, hồ sơ pháp lý của dự án này còn chưa có Đánh giá tác động môi trường.

Cũng theo ông Công, đến thời điểm hiện tại, phía Bộ NNPTNT chưa biết việc xây dựng công trình này, do phía Tổng Cục Lâm nghiệp chưa báo cáo.