5 ý tưởng bảo vệ hệ thống lương thực toàn cầu

ThienNhien.Net – Đất, nước và khí hậu là những nền tảng cơ bản của hệ thống nông nghiệp cung cấp lương thực cho toàn thế giới. Nhưng những nguồn tài nguyên này đang dần cạn kiệt khi nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp dự kiến tăng đột biến trong những thập kỷ tới. Theo dự đoán của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), nhu cầu lương thực sẽ tăng hơn 60% vào năm 2050 so với mức trung bình trong 3 năm 2005-2007. Nếu không có giải pháp can thiệp, mức độ tăng trưởng này sẽ phá vỡ hệ thống lương thực toàn cầu.

Tài nguyên đất dành cho canh tác nông nghiệp ngày càng cạn kiệt. (Ảnh minh họa: The Nation)
Tài nguyên đất dành cho canh tác nông nghiệp ngày càng cạn kiệt. (Ảnh minh họa: The Nation)

Cuốn sách mới xuất bản State of the World 2015: Confronting Hidden Threats to Sustainability (Tạm dịch: Tình trạng thế giới năm 2015: Đối diện với những mối đe dọa tiềm ẩn của sự bền vững) của tác giả Gary Gardner đã đưa ra 5 ý tưởng để thực hiện điều này: Đã đến lúc cần hướng tới bảo tồn và tiết kiệm!

1.  Hạn chế lãng phí thức ăn

Cắt giảm lãng phí là cơ hội tốt để tái cấu trúc hệ thống lương thực. Theo thống kê, Hàng năm có 1/3 sản lượng, tức khoảng 1,3 tỷ tấn lương thực bị lãng phí trên toàn thế giới. Lượng lương thực lãng phí tại các nước giàu tương đương tổng sản lượng lương thực trên toàn vùng Châu Phi hạ Sahara, tức 230 triệu tấn.

Mỗi người, từ nông dân, các nhà phân phối cho đến người tiêu thụ đều có thể giúp hạn chế lãng phí lương thực. Tại nông trại, công nghệ lưu trữ hiện có thể giúp bảo quản sản phẩm đã thu hoạch cho đến khi được đưa ra thị trường. Các nhà hàng và các doanh nghiệp cũng có thể kiểm soát nguồn cung đúng loại và đúng lúc họ cần. Thay đổi nhận thức của khách hàng tại các nước giàu có thể lái văn hóa ẩm thực theo hướng có trách nhiệm hơn. Càng ít thức ăn bị lãng phí, nhu cầu về lương thực, phân bón, thuốc trừ sâu và nhiên liệu càng giảm.

2. Giảm sản xuất thịt và nhiên liệu sinh học

Sản xuất thịt và nhiên liệu sinh học cũng đòi hỏi đầu vào tương tự như sản xuất lương thực. Giảm nhu cầu đối với hai ngành sản xuất này có thể tiết kiệm tài nguyên cần thiết cho sản xuất lương thực.

Thịt là sản phẩm tiêu hao nhiều tài nguyên. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Hòa Kỳ, “khoảng 36% sản lượng lương thực (hơn 1/3) trên toàn thế giới được dùng cho chăn nuôi trong năm 2014. Lượng lương thực này có thể nuôi sống được nhiều người hơn so với việc dùng để sản xuất thịt bò, thịt heo, thịt gà hay cá.”

Chăn nuôi đồng thời cũng đòi hỏi một lượng nước rất lớn. Cần khoảng 15.000 lít nước để có được 1kg thịt, tức 10,2 lít/calo. Trong khi đó, chỉ cần khoảng 300 lít nước để có 1kg rau xanh, tức 1,3 lít/calo.

Sản xuất nhiên liệu sinh học tiêu tốn rất nhiều tài nguyên có thể phục vụ cho sản xuất lương thực. Thế nhưng vẫn còn khoảng 60 quốc gia khuyến khích phát triển nhiên liệu sinh học. Trong số 7 quốc gia chi phối ngành nhiên liệu này, Mỹ dự đoán sẽ tăng 30% sản lượng diesel sinh học và 40% ethanol trong khoảng 2013-2022. Đảo ngược định hướng trên có thể giải phóng nhiều tài nguyên hơn cho việc nuôi sống thế giới.

3. Tăng năng suất sử dụng nước

Nếu tất cả các trang trại có thể tưới tiêu hiệu quả, nông dân có thể giúp giảm tiêu thụ nguồn nước một cách đáng kể. Theo một nghiên cứu năm 2014, nếu tất cả vụ mùa được canh tác đạt 10% hiệu quả sử dụng nước (áp dụng đối với cả những nông dân làm việc hiệu quả nhất) thì sẽ tiết kiệm được 52% tài nguyên nước phục vụ sản xuất trên toàn cầu. Bên cạnh đó, thiết lập các hạn mức nước tưới cho từng loại cây trồng có thể giúp xác định hiệu quả và giám sát tiến trình thúc đẩy hiệu quả tưới tiêu. Cùng với việc quản lý tốt, tiếp cận tài chính và công nghệ mới như tưới nhỏ giọt, nông dân sẽ góp phần bảo tồn một trong những nguồn tài nguyên quý giá nhất của nền nông nghiệp.

4.  Bảo tồn đất nông nghiệp

Không có đất canh tác thì không có trang trại. Diện tích và chất lượng đất hiện có là yếu tố tối quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống lương thực toàn cầu.

Giao ước bảo tồn (một thỏa thuận giới hạn mục đích sử dụng đất hoặc hạn chế hoạt động phát triển tại một số khu vực) và nhượng quyền sử dụng đất (bồi thường tài chính cho chủ đất về việc hạn chế quyền sử dụng đất của họ) là 2 cách tự nguyện mà chủ đất có thể giúp bảo vệ tài nguyên đất. Chính phủ cũng có thể hành động mạnh mẽ hơn như quy hoạch nông nghiệp, thúc đẩy các biện pháp canh tác bảo tồn nhằm ngăn chặn thoái hóa đất.

5.  Đạo đức trong thương mại lương thực

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, khoảng ¼ các nước trên thế giới phải nhập khẩu hơn 50% lúa gạo trong năm 2013. Trong bối cảnh tăng dân số và biến đổi khí hậu, duy trì thương mại lương thực là vô cùng cần thiết đối với sự sống sót của nhiều quốc gia, không đơn thuần là trao đổi một loại hàng hóa thông thường.

Việc bảo vệ quyền tiếp cận lương thực như một quyền con người sẽ đảm bảo rằng thực phẩm không thể bị từ chối vì các lý do chính trị. Hiện đã có 28 quốc gia đưa quyền đối với thực phẩm vào trong hiến pháp của mình từ khi FAO đề xuất khái niệm này vào năm 2004.

Những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt để nuôi sống nhân loại trong tương lai sẽ ngày càng trở nên phức tạp. Vấn đề này không thể tiếp cận bằng tư duy nhỏ lẻ mà cần những ý tưởng toàn diện để bảo tồn các nguồn tài nguyên, ổn định xã hội nhờ một hệ thống lương thực vững chãi. Chỉ với những thay đổi này, “thế giới dưới áp lực tài nguyên ngày càng nặng nề vẫn sẽ có thể tiếp tục đảm bảo lương thực cho tất cả mọi người,” tác giả Gardner nhấn mạnh.